Trong báo cáo tóm tắt đánh giá ảnh hưởng của dịch do virus corona đối với phát triển kinh tế, xã hội Việt Nam, bộ KHĐT đã chỉ ra các nhóm giải pháp hỗ trợ, duy trì sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh.
Theo đó, Bộ đề xuất giao Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu ngay một số gói chính sách tín dụng hỗ trợ cho các DNNVV, hợp tác xã, nông dân chịu ảnh hưởng của dịch, như: hỗ trợ thanh khoản, duy trì cho vay, miễn giảm lãi suất cho vay, khoanh nợ, giãn nợ, nới lỏng các điều khoản trả nợ, đẩy nhanh quá trình và thời gian xem xét các đơn xin vay... và báo cáo Thủ tướng trong tháng 2.
Cũng trong tháng 2, cơ quan này đề xuất Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng hai nhóm vấn đề, trong đó có đánh giá tình hình thu, chi ngân sách nhà nước do ảnh hưởng của dịch Covid-19, kiến nghị các giải pháp bảo đảm cân đối thu chi trong năm 2020.
Đồng thời, Bộ Tài chính cũng được đề nghị nghiên cứu các giải pháp, chính sách thuế hỗ trợ DNNVV; doanh nghiệp logistics, doanh nghiệp bán lẻ, doanh nghiệp sản xuất, chế biến hàng nông lâm thủy sản, dịch vụ, du lịch, như: gia hạn thời hạn nộp thuế TNCN, miễn tiền phạt chậm nộp thuế khi doanh nghiệp đã nộp đủ thuế, miễn, giảm thuế xuất nhập khẩu hàng hóa trực tiếp phục vụ công tác chống dịch, khấu trừ thuế…; miễn, giảm tiền thuê đất, kéo dài thời gian, giãn tiến độ nộp tiền thuê đất sau khi dịch được kiểm soát; giảm giá thuê đất, mặt bằng cho các doanh nghiệp logistics, doanh nghiệp bán lẻ...
Các bộ Công Thương, Tài chính, NN&PTNT được đề nghị phối hợp cùng với các đơn vị liên quan nghiên cứu trình Thủ tướng loạt giải pháp đảm bảo thông quan hàng hoá, cắt giảm chi phí đầu vào cho các doanh nghiệp (thông qua việc hỗ trợ giảm mức phí điện, nước cho các doanh nghiệp đang phải tạm ngừng sản xuất kinh doanh do dịch) cùng các giải pháp tăng cường truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm nông sản để xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc và các nước khác.
Về vấn đề lao đông, giao Bộ LĐTB&XHphối hợp với các đơn vị liên quan rà soát ngay tình hình sử dụng lao động của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp đang thiếu hụt nhân công do lao động Trung Quốc chưa quay trở lại làm việc, đề xuất các giải pháp khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động tạm thời.
Bộ KHĐT cũng sẽ cùng với Bộ Thông tin truyền thông, KHCN, Công thương và Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu các giải pháp thúc đẩy mạnh doanh nghiệp phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ trong thương mại điện tử, giao vận, chuyển phát, thanh toán điện tử trên môi trường số.
Về phía Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan, một số tỉnh biên giới tiếp tục đẩy mạnh công tác đối thoại với các đối tác, kịp thời xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa nông sản do tác động của việc áp dụng các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19.
Ngoài ra, để hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng sau khi kiểm soát, dập dịch thành công, Bộ KHĐT nhấn mạnh đến việc phải đẩy nhanh các giải pháp tái cơ cấu nền kinh tế cả trước mắt và lâu dài.
Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương khẩn trương hoàn tất thủ tục đầu tư các dự án, phân bổ và giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2020 cho từng dự án làm cơ sở đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư.
Trong đó, các bộ, ngành và địa phương rà soát các thiệt hại về kinh tế - xã hội do dịch gây ra; đề xuất, kiến nghị các giải pháp hỗ trợ nhằm phục hồi sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống nhân dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Qua đợt dịch Covid-19, nền kinh tế bộc lộ rõ hơn những điểm mạnh và điểm yếu, đặc biệt là về cơ cấu kinh tế và khả năng chống chịu trước tác động lớn từ bên ngoài. Do vậy, các giải pháp tái cơ cấu nền kinh tế cả trước mắt và lâu dài được đề xuất đẩy nhanh. Đặc biệt, các bộ, ngành và địa phương rà soát các thiệt hại về kinh tế - xã hội do dịch gây ra; đề xuất, kiến nghị các giải pháp hỗ trợ nhằm phục hồi sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống nhân dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Đồng thời cần tiếp tục điều hành đồng bộ, linh hoạt các chính sách vĩ mô; điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phù hợp chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối.
Các Bộ, ngành, địa phương cũng càn khẩn trương đánh giá việc thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế thời gian qua, từ đó đề ra giải pháp cụ thể, thiết thực để đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và trong từng ngành, lĩnh vực theo hướng ít phụ thuộc hơn, tăng cường khả năng chống chọi và thích ứng với các biến động tốt hơn; khơi dậy nội lực trong nước, khuyến khích sản xuất trong nước, ưu tiên phát triển hệ sinh thái dịch vụ, trong đó tập trung vào một nhóm các lĩnh vực dịch vụ trên cơ sở áp dụng đồng bộ công nghệ và nền tảng công nghệ thông tin đảm bảo thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư như kinh tế chia sẻ, kinh tế số, xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, đủ sức chống chịu với các biến động bên ngoài…