Trong báo cáo tóm tắt "Đánh giá ảnh hưởng của dịch do virus corona đối với phát riển kinh tế - xã hội Việt Nam" trình lên Chính phủ hôm nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết hầu hết các tổ chức quốc tế đều đánh giá kinh tế thế giới năm 2020 tiếp tục xu hướng giảm, cộng với tác động từ dịch sẽ làm suy giảm nhanh hơn, đặc biệt tình trạng khi bệnh dịch kéo dài.
So với tác động mà dịch SARS đã gây ra vào năm 2003 khiến thế giới thiệt hại 40 tỷ USD, kinh tế Trung Quốc và toàn cầu sẽ có thể gánh chịu thiệt hại lớn gấp 3 đến 4 lần, lên tới 160 tỷ USD. Một lý do là bởi vai trò của kinh tế Trung Quốc hiện nay lớn hơn nhiều so với thời điểm diễn ra dịch SARS, chiếm khoảng 18% GDP toàn cầu (trước đây khoảng 4%).
Ngoài ra, tính liên kết, kết nối và phụ thuộc lẫn nhau giữa kinh tế Trung Quốc với kinh tế thế giới hiện nay chặt chẽ hơn nhiều so với thời điểm dịch SARS, nhất là về kết nối thương mại, đầu tư, du lịch, tài chính, giao thông. Hiệu ứng truyền thông sẽ khuếch đại tác động của dịch rộng và mạnh hơn do mức độ và phạm vi kết nối mạng tại Trung Quốc và trên thế giới sâu rộng hơn rất nhiều.
Một số nền kinh tế thu hút nhiều khách du lịch Trung Quốc hoặc có quy mô thương mại lớn với Trung Quốc sẽ chịu tác động lớn, đặc biệt ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Dự kiến tăng trưởng kinh tế khu vực châu Á có thể giảm còn 4% so với mức 4,3% của năm 2019.
Các ngành và lĩnh vực được dự đoán sẽ chịu thiệt hại nặng nề nhất được điểm danh là du lịch, thương mại, tiêu dùng, vận tải (đặc biệt là ngành hàng không bị tác động trực tiếp do việc hạn chế và cấm đi lại trong nội địa và giữa Trung Quốc với các quốc gia bên ngoài).
Một số chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu và khu vực có cơ sở sản xuất tại Trung Quốc tạm thời bị gián đoạn, bị ảnh hưởng lớn nhất là chuỗi cung ứng thiết bị, linh kiện điện tử, điện thoại, công nghệ cao, phụ tùng ô tô. Lưu chuyển thương mại với Trung Quốc bị ảnh hưởng, gián đoạn do tạm thời đình trệ các chuỗi sản xuất - cung ứng cũng như hạn chế đi lại, giao thương giữa Trung Quốc và các quốc gia.
Đầu tư quốc tế chịu tác động dưới hai góc độ là dòng đầu tư quốc tế vào Trung Quốc và đầu tư Trung Quốc ra nước ngoài và cộng hưởng với các rủi ro địa chính trị, dịch khiến cho môi trường chính trị, kinh tế, xã hội toàn cầu càng trở nên bất trắc, thúc đẩy tâm lý phòng vệ, co lại, do đó làm suy yếu động lực đầu tư. Xu hướng phân tán rủi ro trong đầu tư quốc tế sẽ được đẩy mạnh hơn theo hướng dần di chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc và sắp xếp lại mạng lưới sản xuất, chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.
Lĩnh vực bảo hiểm đang bị ảnh hưởng mạnh do gia tăng chi trả bồi thường thiệt hại do dịch gây ra, trước mắt là bảo hiểm du lịch, nhân thọ, kinh doanh; nếu dịch kéo dài, tác động lan rộng trên phạm vi toàn cầu, có khả năng bảo hiểm sẽ là khâu kích hoạt cú sốc tài chính toàn cầu.
Giá dầu thế giới đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5/2019 (ngày 31/1/2020 là 51,48 USD/thùng) do lo ngại về giảm tăng trưởng kinh tế Trung Quốc; cùng kỳ vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu tiếp tục chậm lại.
Như vậy, dịch đã ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu, gây gián đoạn chuỗi cung ứng nhiều sản phẩm hàng hóa của thế giới, đình trệ trong sản xuất kinh doanh; suy giảm nhu cầu tạm thời từ Trung Quốc đối với các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, ảnh hưởng tới tăng trưởng của khu vực và toàn cầu. Việt Nam có độ mở của nền kinh tế lớn và có đường biên giới dài với Trung Quốc, chắc chắn sẽ chịu những ảnh hưởng không nhỏ.