Syria: Vẫn còn "cửa" cho ông Trump chớp cơ hội khi ông Putin nhượng bộ?

Ngọc Anh |

Chuyên gia Mỹ đặt câu hỏi liệu ông Trump có đủ thông minh để bắt ông Putin phải đánh đổi cái gì đó ở Syria hay không, hay mọi thứ sẽ hoàn toàn "miễn phí"?

Sáu tháng trước, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh không kích một sân bay của chính phủ Syria bằng tên lửa Tomahawk, người ta đã cho rằng hành động đó có thể mang lại cho Mỹ một đòn bẩy mới ở khu vực Trung Đông. Tuy nhiên, theo Politico, ở thời điểm sáu tháng sau, ông Trump dường như đang ngày càng trở nên một nhân vật phụ bên cạnh Tổng thống Nga Vladimir Putin trong việc dẫn dắt quá trình hậu chiến ở Syria.

Vào ngày 22/11, Tổng thống Putin sẽ tiếp các Tổng thống của Iran và Thổ Nhĩ Kỳ tại khu nghỉ dưỡng ở Sochi. Đây chỉ là một trong nhiều cuộc gặp hòa giải do Nga khởi xướng mà không có Mỹ tham dự, sau khi tình hình xung đột ở Syria đã dịu bớt.

Với việc các tay súng nổi loạn và khủng bố IS đã bị đánh bật ra khỏi hầu hết lãnh thổ Syria, các chuyên gia và quan chức Mỹ cho rằng cuộc chiến thật sự hiện nay ở Syria là sự tranh giành ảnh hưởng trong khu vực của các nước lớn đang diễn ra ở đất nước này.

Cuộc gặp cấp cap Nga – Iran – Thổ Nhĩ Kỳ ở Sochi diễn ra ngay sau một cuộc gặp bất ngờ của ông Putin và tổng thống Syria Bashar Assad, sau đó là một cuộc điện thoại dài giữa ông Putin và ông Trump về tình hình Syria.

Theo ông Ilan Goldenberg, chuyên gia về Trung Đông tại Bộ Quốc phòng Mỹ dưới thời ông Obama, thì "Nga đã thắng. Một phần lỗi là của ông Obama, và một phần lỗi thuộc về ông Trump".

Tổng thống Trump có thể không quan tâm lắm tới thất bại này. Ông Trump vốn coi Syria là một thất bại của người tiền nhiệm Obama và thấy rằng hiện nay Mỹ khó có thể làm gì để thay đổi tình thế, theo nguồn tin của Politico.

Quan điểm đó của ông Trump đã được phản ánh qua quyết định vào đầu năm nay, về việc hủy bỏ một chương trình của CIA nhằm giúp vũ trang các lực lượng đối lập chống lại Tổng thống Syria Assad.

Syria: Vẫn còn cửa cho ông Trump chớp cơ hội khi ông Putin nhượng bộ? - Ảnh 1.

Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Syria Assad trong cuộc gặp mặt mới đây. Ảnh: Kremlin

Tuy nhiên, ông Trump ít nhất vẫn còn một mục tiêu chưa đạt được ở Syria: Đẩy lùi sự ảnh hưởng của Iran – phía đang hợp tác với Nga để ủng hộ ông Assad.

"Iran sẽ không thể có được vị trí nào, không thể có bất cứ sự dẫn dắt nào trong một tình thế mà họ có thể gây hại nhiều hơn", Đại sứ của Mỹ tại Liên Hợp Quốc, bà Nikki Haley đã nói như vậy vào tháng Chín vừa qua.

Cho tới nay, ông Trump chưa làm gì được trong việc tách Nga và Iran ra khỏi sự hợp tác với nhau. Trong thông tin Nhà Trắng đưa ra về cuộc điện đàm mới nhất giữa hai ông Trump – Putin, người ta không thấy Iran được đề cập. Trong khi đó, thông cáo từ phía Kremlin về cuộc điện đàm cũng chỉ khẳng định rằng ông Putin ủng hộ thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 – một thỏa thuận mà ông Trump đã đe dọa sẽ rút khỏi.

Một tuyên bố chung Nga – Mỹ có phần chi tiết hơn về Syria, được đưa ra sau khi hai ông Trump – Putin gặp gỡ tại hội nghị thượng đỉnh APEC ở Việt Nam vào ngày 11/11, cũng không nhắc gì tới sự ảnh hưởng của Iran.

Với năng lực hạn chế trong việc định hình chiến trường Syria, các quan chức của ông Trump giờ chỉ làm việc với phía Nga để đạt những mục tiêu hạn hẹp như các cuộc ngừng bắn cấp địa phương, dần dần tiến tới chấm dứt bạo lực trên toàn đất nước Syria.

Ông Putin "cầm lái"

Nhưng sự hiện diện quân sự mạnh mẽ của Nga ở Syria – bắt đầu từ 9/2015 tới nay, đã đặt ông Putin vào vị trí cầm lái trong việc hoạch định tương lai của Syria sau khi cuộc chiến kết thúc.

Ông Putin vào ngày 21/11 cũng đã trao đổi về Syria với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Quốc vương Ả Rập Salman, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi và cả Ngoại trưởng Qatar.

"Rõ ràng rằng liên minh Assad – Putin – Iran đã hoàn toàn thắng lợi ở Syria", Phó Chủ tịch Paul Salem của Viện Trung Đông (Mỹ) nói với Politico. Theo ông Salem, Nga muốn tỏ rõ sự liên quan và ảnh hưởng của họ vượt ra ngoài giai đoạn quân sự và làm cầu nối cho một giải pháp chính trị ở Syria.

Trump và các quan chức cấp cao của mình cũng đã không còn phàn nàn về sự ủng hộ của Nga dành cho ông Assad – điều mà Mỹ từng làm rất quyết liệt sau vụ tấn công bằng chất hóa học nhắm vào dân thường xảy ra vào tháng Tư vừa qua.

"Chúng tôi nghĩ rằng đã đến lúc Nga thực sự cần xem xét lại một cách kỹ lưỡng về sự ủng hộ của họ đối với chính phủ của ông Assad", Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã từng nói như vậy vào tháng 4/2017. Nhưng từ đó tới nay, không ai còn nghe thấy những phát ngôn tương tự như vậy nữa từ phía chính quyền ông Trump.

Từ khi còn là một ứng viên tranh cử tổng thống, ông Trump đã chưa bao giờ nói về việc mình sẽ can thiệp vào Syria – một nơi mà ông từng cảnh báo rằng việc đánh bại chính phủ của ông Assad sẽ đồng nghĩa với chiến thắng dành cho các lực lượng khủng bố IS và Al Qaeda.

Tuy cuộc tấn công bằng tên lửa vào tháng 4/2017 đã làm dấy lên kỳ vọng rằng ông Trump sẽ đóng vai trò cứng rắn hơn so với ông Obama trong xung đột Syria, nhưng thực tế lại không diễn ra như kỳ vọng.

Các chuyên gia trong khu vực cho rằng ông Putin vẫn cần Mỹ tham gia vào tiến trình hòa bình ở Syria. Nga sẽ không muốn phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về kinh tế, chính trị, an ninh trong việc giữ vững sự thống nhất của Syria.

Đó chính là cơ hội cho ông Trump. Nhưng tới nay ông Trump chưa đưa ra được chiến lược nào để tận dụng sự nhượng bộ của ông Putin nhằm đổi lấy sự ủng hộ từ phía Mỹ.

Chuyên gia Goldenberg, hiện làm việc tại Trung tâm New American Security, cho rằng: "Một thỏa thuận quốc tế để kết thúc nội chiến Syria và có thiện chí với chiến thắng của Nga, đó là điều ông Putin muốn. Câu hỏi là liệu ông Trump có đủ thông minh để bắt ông Putin phải đánh đổi cái gì đó hay là ông Trump sẽ ‘miễn phí’ hoàn toàn cho ông Putin".

Người bí ẩn ngồi đằng sau xe do ông Putin tự lái

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại