Tính toán của Nga trong "ván cờ" Syria thời hậu chiến

Đức Thức |

Chỉ trong vòng 3 ngày Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có một loạt các hoạt động "ngoại giao con thoi" bàn giải pháp về tình hình Syria thời kỳ hậu chiến. Dư luận cho rằng, kết quả của các cuộc hội đàm giữa Nga với các nước có ý nghĩa quan trọng nhằm định hình giải pháp của Nga và các nước đối với vấn đề Syria thời gian tới.

Nga triển khai ngoại giao con thoi về Syria

Ngay sau khi tuyên bố giành quyền kiểm soát gần như toàn bộ lãnh thổ và đang lên kế hoạch giảm bớt sự hiện diện quân sự tại Syria, Nga đã triển khai một loạt ngoại giao con thoi nhằm tìm kiếm các giải pháp cho việc tái thiết Syria thời kỳ hậu chiến.

Sự kiện đầu tiên gây sự quan tâm đặc biệt của dư luận thế giới về vai trò của Nga tại Syria là việc Tổng thống Putin tiếp đón và hội đàm với Tổng thống Syria tại thành phố Sochi hôm 20/11.

Trong cuộc hội đàm với Tổng thống Syria, ông Putin nhấn mạnh: "Giờ đây, điều quan trọng nhất tất nhiên là chuyển sang các vấn đề chính trị, và tôi hài lòng nhận thấy các bạn sẵn sàng hợp tác với tất cả những ai mong muốn hòa bình và một giải pháp cho cuộc xung đột".

Đặc biệt, Tổng thống Putin nói với ông Assad rằng, "về chiến dịch chung của chúng ta nhằm chống khủng bố ở Syria, chiến dịch quân sự này sắp khép lại". "Tôi hài lòng khi thấy các bạn sẵn sàng làm việc với tất cả những ai mong muốn hòa bình và một giải pháp cho cuộc xung đột".

Ngay sau khi kết thúc cuộc hội đàm với Tổng thống Syria bàn về giải pháp chính trị, Tổng thống Putin đã liên tiếp tổ chức 3 cuộc điện đàm với các lãnh đạo của các quốc gia có ảnh hưởng to lớn tới tương lại chính trị của Syria gồm Tổng thống Mỹ Trump, Quốc vương Saudi Arabia Salman bin Abdulaziz Al Saud và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.

Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 21/11, tình hình Syria là vấn đề trọng tâm và nóng bỏng nhất được hai bên đề cập.

Trong đó, Tổng thống Putin đã thông báo với người đồng cấp Mỹ về cuộc gặp hôm 20/11 với Tổng thống Syria Bashar al-Assad tại Sochi (Nga).

Theo Tổng thống Putin, ông Assad khẳng định cam kết cải cách chính trị tại Syria bao gồm sửa đổi hiến pháp, đồng thời ủng hộ ý tưởng tổ chức các cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội như một phần của tiến trình chuyển giao quyền lực chính trị.

Tổng thống Putin nhấn mạnh giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị tại Syria phải được tiến hành dựa trên nguyên tắc tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và quyền độc lập của quốc gia này.

Ông Putin cũng đề nghị tổ chức Hội nghị Đối thoại quốc tế về Syria tại Sochi và thông báo cho Tổng thống Trump về cuộc họp sẽ diễn ra hôm nay, 22/11 với sự tham gia của Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kì để bàn về vấn đề Syria.

Về phía Mỹ, Washington tái khẳng định sự ủng hộ của mình đối với Tuyên bố chung Nga - Mỹ về vấn đề Syria được đưa ra bên lề Hội nghị Thượng đỉnh APEC vào ngày 11/11 tại Việt Nam. Đặc biệt, ông Trump bày tỏ, "tôi đã có cuộc trao đổi qua điện thoại cực kỳ tốt đẹp với ông Putin".

Ngay sau đó, cùng ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp tục điện đàm với Quốc vương Saudi Arabia Salman bin Abdulaziz Al Saud thảo luận về việc tìm kiếm các giải pháp khôi phục hòa bình và giải quyết cuộc xung đột tại Syria. Trong cuộc điện đàm, ông Putin cho rằng các Hội nghị thượng đỉnh Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran trong ngày 22/11 tại Sochi (Nga), và cuộc họp của phe đối lập Syria ở Riyadh (Saudi Arabia) sẽ giúp ích cho các cuộc đàm phán tương lai về vấn đề Syria tại Geneva (Thụy Sĩ).

Cũng trong ngày 21/11, Tổng thống Putin cũng đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu về tình hình Syria. Theo trang tin Ynet bằng tiếng Hebrew, một quan chức Israel cho biết lãnh đạo hai nước đã trao đổi về vai trò của Iran tại Syria. Hiện Israel đang vận động Nga và Mỹ phản đối thành lập căn cứ quân sự lâu dài của Iran tại Syria.

Ngoài ra, trong cuộc hội đàm với Tống thống Cộng hòa Séc Miloš Zeman ngày 21/11, Tổng thống Putin cho biết, hiện tại trên 98% lãnh thổ Syria đã nằm dưới quyền kiểm soát của quân chính phủ Syria. Các lực lượng khủng bố tại Syria sẽ nhanh chóng bị tiêu diệt dưới sự tấn công của lực lượng Không quân Vũ trụ Nga, quân chính phủ Syria và các đồng minh.

Đặc biệt, ông Putin nhấn mạnh, kể từ khi bắt đầu tham gia không kích Tổ chức khủng bố trong lãnh thổ Syria từ năm 2015, lực lượng Không quân Vũ trụ Nga đã ngăn chặn hiệu quả sự phát triển của các tổ chức khủng bố tại Syria

Đặc biệt, theo Điện Kremlin, Hội nghị thượng đỉnh Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran tại thành phố Sochi về các sáng kiến hòa bình tại Syria đang được tổ chức ngày 22/11.

Đây là cuộc họp thượng đỉnh lần đầu tiên giữa 3 nguyên thủ quốc gia gồm Tổng thống Nga Putin, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan và Tổng thống Iran Hassan Rouhani kể từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng Syria năm 2011. Cuộc họp thượng đỉnh này dự kiến sẽ giúp 3 nước có được sự hợp tác chặt chẽ hơn trong tiến trình hòa bình tại Syria thời kỳ hậu IS.

Các hoạt động ngoại giao con thoi của Nga về vấn đề Syria diễn ra trong bối cảnh Nga và các nước đang tích cực chuẩn bị cho vòng đàm phán hòa bình Syria mới dự kiện diễn ta tại Geneva (Thụy Sĩ) vào cuối tháng này.

Tính toán của Nga trong ván cờ Syria thời kỳ hậu chiến

Theo các chuyên gia phân tích, việc Tổng thống Putin mời ông Tổng thống Syria Bashar al-Assad sang thăm, trực tiếp điện đàm với ông Trump và một loại các nguyên thủ quốc gia khác, cũng như tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Nga-Thổ Nhĩ Kỳ-Iran về vấn đề Syria là để thảo luận về một sự dàn xếp chính trị nhằm mang lại hồi kết hòa bình cho cuộc nội chiến tại Syria thời kỳ hậu chiến.

Đồng thời đây cũng là bước chuẩn bị về mặt chính trị của Nga trước thềm cuộc hòa đàm về vấn đề Syria dự kiện diễn ta tại Geneva (Thụy Sĩ) vào cuối tháng 11/2017.

Tổng biên tập Tạp chí "Các vấn đề chiến lược quốc gia" của Nga, ông Azhdar Kurtov cho rằng, cục diện Syria hiện tại đang ở trong giai đoạn quá độ. Một mặt, các hoạt động tác chiến chống lại tổ chức cực đoạn đang dần bước vào giai đoạn cuối. Mặt khác, tiến trình chính trị cho việc kết thúc xung đột thực hiện hòa bình tại Syria vẫn chưa được bắt đầu. Do đó, vấn đề chủ yếu trước mắt hiện nay đối với Nga và các đồng minh là tìm kiếm giải pháp và hướng đi cho Syria thời hậu chiến.

Chính vì vậy, việc Nga liên tiếp có các hoạt động ngoại giao con thoi, điện đàm với các nguyên thủ quốc gia, tổ chức Hội nghị thượng đỉnh 3 nước là nhằm mục đích thảo luận và tìm kiếm sự hòa giải chính trị, tái thiết hậu chiến và công tác cứu trợ nhân đạo cho Syria.

Trong khi đó ông Hajiyev, Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu các vấn đề về Thổ Nhĩ Kỳ thuộc Sở nghiên cứu Đông phương học thuộc Viện khoa học Nga nhận xét, một loạt các hoạt động ngoại giao của Tổng thống Putin đặc biệt là cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Trump, Hội nghị thượng đỉnh 3 nước Nga-Thổ Nhĩ Kỳ-Iran tại Sochi sẽ phát huy vai trò tích cực trong việc thúc đẩy đối thoại giữa các bên về vấn đề Syria.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại