Nabil al-Samman, một chuyên gia Syria về nguồn nước thế giới, đã đưa ra một kịch bản sắp tới về “ chiến tranh nguồn nước ” trong một bài viết trên tờ Asharq Al-Awsat của Saudi đăng ngày 27-7. Bài viết đề cập việc "sử dụng nước như một thứ vũ khí, hoặc sự điều chỉnh dòng chảy của nước như một thứ hàng hóa thương mại của các quốc gia thượng nguồn vì mục đích chính trị."
"Khi âm thanh súng đạn và tiếng trống chiến tranh yên ắng ở Syria và Iraq, những căng thẳng mới có thể phát sinh về nguồn nước, đặc biệt là xung đột với Thổ Nhĩ Kỳ, nơi dòng sông Euphrates và Tigris khởi nguồn" - bài viết cho biết.
Sóng gió từ nước
Ở thung lũng sông Euphrates phía Đông Syria, hạn hán và chính sách quản lý kém là một trong những nguyên nhân gây nên các cuộc biểu tình, cuối cùng đã biến thành một cuộc nổi dậy toàn quốc năm 2011 do phương Tây, Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia Vùng Vịnh hậu thuẫn.
Cho tới nay, xung đột giữa các phe phái đã khiến hệ thống cơ sở hạ tầng nước quan trọng tại khu vực bị tàn phá nghiêm trọng. Băng qua biên giới tới miền Tây Iraq, 15 năm chiến tranh và nổi dậy kể từ khi Mỹ xâm lược năm 2003 đã để lại một tình trạng thảm khốc tương tự.
Trong khi đó, việc Thổ Nhĩ Kỳ tìm cách kiểm soát những nguồn tài nguyên nước trong khu vực cũng gây nhiều tranh cãi.
Trong khi chính phủ Syria và Iraq đang nỗ lực giành quyền kiểm soát toàn bộ lãnh thổ đất nước, Thổ Nhĩ Kỳ đã đẩy mạnh dự án Đông Nam Anatolia - một sáng kiến đầy tham vọng xây dựng 22 đập và 19 nhà máy điện.
Khi hoàn tất, những công trình này có thể hạn chế tới một nửa lưu lượng nước đổ vào các nước hạ lưu. Ý tưởng này ban đầu được người sáng lập hiện đại của Thổ Nhĩ Kỳ Mustafa Kemal Atatürk khởi xướng và đương kim Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đang tìm cách hoàn thành dự án.
Trong nhiều thập kỷ qua, dự án Đông Nam Anatolia đã khuấy động căng thẳng giữa các nước láng giềng, nhưng cuộc đàm phán chưa bao giờ đạt được tiến bộ bởi các tranh chấp chính trị.
Ngoài những khác biệt về lượng nước chảy vào Syria, Ankara và Damascus cũng bất đồng về tuyên bố chủ quyền của Damascus đối với tỉnh Hatay ở phía Tây Nam Thổ Nhĩ Kỳ và về việc Syria bảo vệ những người ly khai Kurd đã nổi dậy tại Thổ Nhĩ Kỳ. Sau khi tổ chức các cuộc đàm phán năm 1962, cả hai nước đã bắt đầu đàm phán về phân phối nước.
Được xây dựng như một phần trong Dự án Đông Nam Anatolian trên sông Euphrates của Thổ Nhĩ Kỳ, đập Atatürk đi vào vận hành từ năm 1992. Ảnh: Daily Sabah
Tiến trình này đã có tiến bộ khi quan hệ song phương được cải thiện từ thời Tổng thống Syria Bashar al-Assad nắm quyền vào năm 2000. Tuy nhiên, sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ đối với các lực lượng nổi dậy Syria và việc kiểm soát nhiều khu vực ở miền Bắc Syria đã ngăn cản hai bên khởi động lại cuộc đàm phán về nước.
Trong khi đó, Syria và Iraq đã có nhiều thất bại ngoại giao về vấn đề này trong nhiều thập kỷ. Hai chính phủ cũng đã tổ chức các cuộc đàm phán vào năm 1962 và cố gắng giải quyết tìm ra điểm chung về con sông Euphrates chạy qua quốc gia của họ - và đã tiếp tục tiến trình này trong những năm 1990.
Từ khi Mỹ lật đổ nhà lãnh đạo Iraq Saddam Hussein, quan hệ giữa Baghdad và Damascus được thúc đẩy. Iraq đã cố gắng duy trì quan hệ với cả Syria và Thổ Nhĩ Kỳ, tuy nhiên, cũng đã có bất đồng với Ankara về vấn đề người Kurd.
Trong khi nhắc tới "sự thiếu vắng một chiến lược nông nghiệp Iraq-Syria", bài viết trên cũng nói rằng Ankara đã duy trì sự thống trị trên các con sông.
Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát Euphrates, Tigris
Bài viết lưu ý, Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng nước này có nhiều quyền sử dụng nước hơn vì đất đai của họ màu mỡ hơn và họ có quyền kiểm soát dòng chảy của các sông Euphrates và Tigris.
Khi đập Atatürk mở cửa vào năm 1992, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ lúc đó là Suleyman Demirel tuyên bố: "Nước chảy đến Thổ Nhĩ Kỳ từ Euphrates, Tigris và các nhánh của nó là của Thổ Nhĩ Kỳ ... Chúng tôi không đề cập với Syria và Iraq về việc chia sẻ tài nguyên dầu mỏ với họ ... Họ không có quyền nói rằng họ chia sẻ tài nguyên nước của chúng tôi. "
Xung đột trở nên nghiêm trọng hơn đến mức liên minh quân sự NATO do Mỹ lãnh đạo trong năm 2010 đã vạch ra viễn cảnh Iraq và Syria hợp lực tấn công Thổ Nhĩ Kỳ, theo Hội đồng Chính sách Trung Đông.
Ngày nay, khả năng Iraq và Syria tiến hành một cuộc xung đột như vậy là rất mỏng nhưng người dân của cả hai quốc gia ngày càng chịu nhiều tổn thương về vấn đề nước, theo bài viết trên Asharq Al-Awsat.
Bản đồ về hướng chảy của sông Euphrates và Tigris. Ảnh: Rudaw
Ở Iraq, việc Thổ Nhĩ Kỳ xây đập Ilısu đồng nghĩa với việc dù nước này khởi động lại máy bơm tại đập Mosul (giành lại từ IS năm 2014) có thể không đủ để hồi sinh các cánh đồng cằn cỗi của vùng đồng bằng Nineveh, như Reuters đưa tin hồi tháng trước.
Financial Times tiếp tục đưa tin đầu tháng này về việc Iraq đang chạy đua cải tạo hệ thống tưới tiêu cũ, hư hại của họ để bù đắp cho những tổn thất có thể gặp phải khi lượng nước từ sông Tigris giảm xuống.
Còn tại Syria, một con đập từng bị IS chiếm đóng đang trở thành một điểm nóng đàm phán trong cuộc nội chiến tại đây. Lực lượng thân chính phủ Syria được Nga và Iran hậu thuẫn, và Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do Mỹ chống lưng đang nắm quyền kiểm soát 90% lãnh thổ Syria, chỉ còn lại một số khu vực nằm trong tay lực lượng cực đoan và phe nổi dậy.
Hôm 27-7, một phái đoàn của SDF đã tới Damascus để thảo luận về việc chuyển giao quyền kiểm soát các khu vực chính, bao gồm đập Tabqa, nằm ven bờ hồ chứa lớn nhất Syria, Hồ Assad.