Trong những ngày vừa qua, tình hình chiến sự tại tỉnh Idlib của Syria vẫn diễn ra hết sức ác liệt với những trận không kích và pháo kích do quân đội Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện.
Đòn tấn công từ lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào quân đội chính phủ Syria (SAA) đã gây ra tổn thất to lớn cho binh sĩ SAA và khiến giới chức quân sự tại Damascus cảm thấy không thể ngồi yên.
Truyền thông Syria dẫn lời các quan chức quân sự cấp cao tại Damascus cảnh báo rằng nếu các hành động leo thang của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp diễn thì họ sẽ đưa ra câu trả lời thích đáng.
Động thái mà quân đội Syria có thể thực hiện chính là tiến hành đòn tấn công đáp trả nhằm thẳng vào đất Thổ Nhĩ Kỳ, cụ thể mục tiêu sẽ là căn cứ không quân Incirlik.
Được biết căn cứ không quân Incirlik ngoài vai trò là nơi triển khai trạm radar cảnh báo sớm hay là nơi bố trí các phi đội chiến đấu cơ của NATO thì đây còn là nơi lưu trữ vũ khí hạt nhân.
Ước tính Mỹ đang bố trí tại căn cứ không quân Incirlik trên đất Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 150 đầu đạn cũng như bom hạt nhân loại B61-12 nhằm đề phòng tình huống xảy ra chiến tranh diện rộng.
Giới quân sự Syria cho rằng cuộc tấn công nhằm vào căn cứ Incirlik được thực hiện bởi các hệ thống tên lửa chiến thuật Tochka-U sẽ gây ra thiệt hại rất lớn, bao gồm cả việc kích nổ vũ khí hạt nhân thông qua phản ứng dây chuyền.
"Hệ thống tên lửa chiến thuật Tochka-U có khả năng gây ra sự hủy diệt khủng khiếp. Cuộc tấn công được thực hiện bởi nhiều tên lửa cùng lúc có thể phá hủy cơ sở lưu trữ vũ khí hạt nhân".
"Nếu đầu đạn hạt nhân phát nổ, và điều này hoàn toàn có thể xảy ra, thì một phần lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ biến thành vùng đất hoang", các nhà phân tích lưu ý.
Bên cạnh đó họ còn cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ không thể ngăn chặn cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo do quân đội Syria thực hiện do thiếu hệ thống đánh chặn chuyên dụng.
Mặc dù vậy những lời lẽ "đao to búa lớn" từ Syria không được đánh giá cao, cần nhớ lại rằng trước đó Damascus cũng nhiều lần đe dọa sẽ tấn công thẳng vào đất Israel nếu còn bị không kích nhưng thực tế họ không dám làm vậy.
Mọi việc sẽ còn nghiêm trọng hơn nếu Syria tấn công vào nơi lưu trữ vũ khí hạt nhân của Mỹ, bởi khi đó đòn đáp trả từ Washington được dự báo sẽ khủng khiếp "ngoài sức tưởng tượng".
Bên cạnh đó vũ khí hạt nhân không dễ để bị kích nổ dây chuyền như đầu đạn thuốc nổ thông thường, chưa kể đến việc chúng được lưu trữ sâu dưới lòng đất mà tên lửa của Syria chỉ đơn giản là chẳng thể công phá nổi.
Cuối cùng, mặc dù chưa thực sự triển khai chiến đấu nhưng Thổ Nhĩ Kỳ hoàn toàn có thể dùng hệ thống phòng không S-400 Triumf để bắn hạ tên lửa đạn đạo Tochka-U đã khá lạc hậu của Syria.
Tổng hợp những phân tích trên, giới chuyên gia quân sự quốc tế cho rằng tuyên bố cứng rắn được Syria đưa ra chỉ nhằm mục đích lấy tinh thần cho binh sĩ là chính, khả năng thành hiện thực gần như không có.