Ngày 21/11/2016, phòng cấp cứu khắp thành phố Melbourne (Úc) đột nhiên bị quá tải, với vô số bệnh nhân suy hô hấp nghiêm trọng. 10 người chết, hàng ngàn người khác bị khó thở trong thời gian dài đến đáng sợ.
Nghe đến đây, nhiều người có thể nghĩ đến một virus kỳ dị nào đó gây bệnh về hô hấp. Nhưng thực chất, đó là những trường hợp nghiêm trọng nhất của một hiện tượng có tên "suyễn sét" - hay "suyễn giông bão" (thunderstorm asthma). Nguyên nhân gây ra hiện tượng này từ trước đến nay được cho là vì mưa giông gặp phấn hoa khiến chúng vỡ tung ra, đẩy bào tử gây dị ứng (SPP) đi khắp nơi.
Tuy nhiên theo một nghiên cứu mới đây, lời giải thích này dường như đã sai. Theo đó, nguyên nhân gây hiện tượng thực chất là vì sấm sét, chứ không phải mưa.
Trên thực tế, khu vực miền Đông Nam nước Úc nằm trong số những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của hiện tượng này, nhưng hiện tượng cũng được ghi nhận tại Anh và Mỹ. Vấn đề nằm ở chỗ, suyễn giông dường như đang diễn ra ở phạm vi rộng hơn, nhưng không nghiêm trọng bằng đợt 2016 nên không gây nhiều chú ý.
Dẫu vậy theo các chuyên gia, đây vẫn là một hiện tượng gây nhiều rắc rối. Và nếu nó xảy ra trùng với thời điểm của một dịch bệnh hô hấp như Covid-19, mọi thứ sẽ trở nên rất tồi tệ. Nghĩa là, việc dự đoán thời điểm suyễn sét xảy ra trở nên cần thiết hơn.
Đối với trường hợp kinh hoàng tại Melbourne, lời giải thích phổ biến nhất là vì mưa đã khiến phấn hoa vỡ tung, giải phóng bào tử gây dị ứng. Các bào tử này nguy hiểm hơn phấn hoa thông thường bởi chúng có thể đi rất sâu vào phổi, qua đó mang đến các hậu quả nghiêm trọng hơn.
Tiến sĩ Kathryn Emmerson - tác giả nghiên cứu đăng tải trên PLOS ONE cho rằng giả thuyết đó không khớp với thực tế. Bởi lẽ, trận giông tại Melbourne mang theo rất ít mưa, và độ ẩm trong không khí chỉ ghi nhận tăng lên sau khi các bệnh viện phải tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân suy hô hấp. Bởi vậy, họ đưa ra một lời giải thích khác.
Sét chứ không phải mưa mới là thủ phạm gây ra suyễn giông bão
Dù Emmerson thừa nhận rằng nhóm nghiên cứu của cô không chắc về khả năng gây dị ứng của SPP có đủ để tạo ra suyễn giông, nhưng họ nghĩ một phần của lý thuyết trên là đúng. "Đa số các nạn nhân đi cấp cứu khi đó không có tiền sử bị hen suyễn. Tuy nhiên họ từng bị sốt phát ban. Và hiện tượng này cũng xảy ra vào mùa phấn hoa tại Melbourne."
"Những người bị hen suyễn cũng bị ảnh hưởng, nhưng họ vốn trang bị thuốc xịt cho bản thân, nên không cần phải đi cấp cứu."
Theo nghiên cứu của Emmerson, các hạt phấn bùng lên tại đồng cỏ phía Tây Melbourne, sau đó theo gió thổi đến thành phố. Tuy nhiên, giả thuyết này chỉ đúng với sự trợ giúp của sấm sét (chứ không phải mưa) xảy ra trước khi mưa tới vài giờ đồng hồ.
Emmerson đặt ra một vài giả thuyết liên quan đến việc phấn hoa bị vỡ tung, bao gồm ma sát của gió, điện tích trong không khí, và bản thân những đợt sét đánh. Tất cả đều có liên quan, nhưng dựa trên thời điểm, sét mới là nghi phạm chính của vụ việc.
Kể từ năm 2017, Cục Khí tượng Australia đã ban hành các cảnh báo liên quan đến suyễn sét, trong đó khuyến cáo những người có tiền sử phát ban hoặc hen suyễn cần ở trong nhà. Emmerson cho biết, cục đã kết hợp với công trình nghiên cứu của cô để đưa ra cảnh báo này. Tuy nhiên, các tổ chức khác trên thế giới chỉ đưa ra cảnh báo về phấn hoa, nên rất có thể sẽ bị bất ngờ vì những hiện tượng liên quan.
Được biết, trận suyễn sét tại Melbourne đã chứng kiến số bệnh nhân liên quan đến bệnh hô hấp phải nhập viện gia tăng tới 672%, thậm chí lên tới 992% nếu liên quan đến hen suyễn - chỉ trong vòng 30h. Như đại dịch Covid-19 đã chứng minh, bệnh viện quá tải có thể gây nguy hiểm đến mức nào, nên đó là một sự kiện chẳng thể coi thường.
Nguồn: IFL Science