Suy thoái ở châu Âu: Đâu là chìa khóa của cuộc khủng hoảng năng lượng?

Song Hy/VTC News |

Việc thiếu sự liên kết, "mạnh ai nấy lo" trong cách đối phó lạm phát của nhiều nước khiến không ít quốc gia gặp khó trong nỗ lực phục hồi kinh tế.

Nỗi lo suy thoái buộc ngân hàng trung ương của nhiều quốc gia đồng loạt nâng lãi suất. Nhưng các chuyên gia tin rằng nếu chiến sự Nga - Ukraine còn kéo dài và châu Âu vẫn bế tắc trong nỗ lực thoát khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng Nga, các nước sẽ cần biện pháp dài hơi để giải quyết tình hình hiện tại.

Giải pháp dài hạn

Trong tuyên bố trước khi từ chức Thủ tướng Italia, ông Mario Draghi đề xuất thiết lập thỏa thuận của bên mua năng lượng về mức giá trả cho bên bán. Thỏa thuận này nghe có vẻ đơn giản nhưng lại khó trở thành hiện thực khi đòi hỏi sự đoàn kết từ các quốc gia tiêu thụ - vốn là điều rất khó.

Nội bộ EU đã rạn nứt ít nhiều do tranh cãi liên quan đến các vòng cấm vận Nga nên việc tìm kiếm tiếng nói chung trong khối này không phải chuyện đơn giản, chứ chưa nói tới Trung Quốc và Ấn Độ - hai nước nhập khẩu lượng lớn năng lượng từ Nga.

Suy thoái ở châu Âu: Đâu là chìa khóa của cuộc khủng hoảng năng lượng? - Ảnh 1.

Châu Âu đang phải đau đầu với bài toán khủng hoảng năng lượng. (Ảnh: Reuters).

Theo cây viết Larry Elliott của Guardian, một trong những phương án khả dĩ nhất để giải quyết tình trạng hiện tại là kết thúc xung đột giữa Ukraine và Nga.

Dù đây là kịch bản mà ai cũng mong muốn, thực tế trên chiến trường rất khó đoán định. Chuyên gia Liam Collins cho rằng, xung đột sẽ tiếp tục cho đến khi một bên bị đánh bại hoặc kiệt quệ cả về vật chất lẫn tinh thần. Kịch bản này, nếu xảy ra, cũng phải mất nhiều năm nữa.

Trong bối cảnh chiến sự dự kiến còn dai dẳng, nhiều nước đang phải tìm cách tự kéo mình ra khỏi vũng lầy suy thoái kinh tế. Mẫu số chung cho nhiều quốc gia hiện tại là tung ra các gói kích thích kinh tế, trợ giá nhiên liệu, hỗ trợ cho người nghèo và tăng lãi suất.

Chính phủ Malaysia sẽ chi 70 tỷ RM (khoảng 16 tỷ USD) cho những khoản trợ cấp trong năm nay. Đây là gói hỗ trợ cao nhất trong lịch sử Malaysia, được triển khai nhằm kiềm chế giá xăng, dầu diesel, khí hóa lỏng, dầu ăn, bột mì và điện tăng vọt trong thời gian qua.

Tại Thái Lan, chính phủ nước này thành lập nhóm đặc trách để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện tại trong 3 giai đoạn. Các giai đoạn giải quyết khủng hoảng sẽ tập trung giá nhiên liệu tăng cao đang ảnh hưởng giao thông vận tải và làm trầm trọng thêm lạm phát.

Ở Hàn Quốc, giới chức nâng thuế với một số mặt hàng nhập khẩu để kích cầu tiêu thụ trong nước. Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch giảm bớt tác động của việc tăng giá điện thông qua trao thưởng cho những hộ gia đình tiết kiệm năng lượng bằng cách trừ vào hóa đơn điện nước.

Các quốc gia Mỹ Latinh tập trung tăng lương, giảm thuế và hỗ trợ cho các hộ gia đình khó khăn.

Hôm 11/8, Ngân hàng trung ương Mexico công bố một đợt tăng mạnh lãi suất nhằm kiềm chế mức lạm phát cao nhất trong hơn 2 thập kỷ. Lãi suất liên ngân hàng được nâng thêm 0,75 điểm%, lên mức 8,5%, đây là lần tăng lãi suất lần thứ 10 liên tiếp ở Mexico và là lần thứ hai có mức tăng cao như vậy.

"Cơn bão" lạm phát cũng khiến một quốc gia Mỹ Latinh khác là Peru phải tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản, lên 6,5% vào ngày 11/8.

Ở châu Âu, trong khi Pháp và Italia tìm cách hỗ trợ sức mua, Tây Ban Nha và Anh quyết định đánh thuế siêu lợi nhuận đối với các công ty năng lượng. Trong khi đó, Đức tập trung các gói hỗ trợ kinh tế và giảm thuế cho người dân, đồng thời tăng lương tối thiểu.

Suy thoái ở châu Âu: Đâu là chìa khóa của cuộc khủng hoảng năng lượng? - Ảnh 2.

Các quan chức trao đổi ở Hội nghị Bộ trưởng năng lượng Liên minh châu Âu, diễn ra tại thủ đô Brussels - Bỉ hôm 9/9. (Ảnh: Reuters).

Tăng cường liên kết

Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý, cũng giống như nhiều khu vực khác, các nước châu Âu đang đẩy mạnh đối phó lạm phát nhưng lại kiểu "mỗi người một phách", "mạnh ai nấy lo", thiếu đi sự liên kết khiến cho biện pháp áp dụng thiếu hiệu quả.

"Vào thời điểm mà các chính sách cần phải xích lại gần nhau hơn, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng, các chính phủ lại hành động theo kiểu mạnh ai nấy làm, không nhất quán nên thường mang lại kết quả thiếu trọn vẹn", Pierre Jaillet, chuyên viên nghiên cứu tại Viện Quan hệ quốc tế và chiến lược Pháp (IRIS) và Viện Jacques Delors chuyên về nghiên cứu chiến lược và tư vấn châu Âu, nhấn mạnh.

Tại cuộc họp bất thường hôm 9/9 ở Brussels, Bộ trưởng Năng lượng 27 quốc gia thành viên EU nhất trí về bốn giải pháp cấp bách để giảm giá năng lượng tăng cao. Những giải pháp này bao gồm nhất trí về mức giới hạn chung đối với giá khí đốt nhập khẩu vào châu Âu, dù là từ Nga hay các quốc gia khác; giới hạn doanh thu của các nhà sản xuất điện; can thiệp "tạm thời và khẩn cấp" vào thị trường khí đốt với "mức giá trần" và điều phối việc giảm nhu cầu điện trên toàn EU.

Các biện pháp được thống nhất trên văn bản là vậy nhưng Đức mới đây than phiền về việc một số quốc gia láng giềng như Bỉ, Luxembourg, Hà Lan và Ba Lan từ chối tham gia những cuộc đàm phán mang tính xây dựng về thỏa thuận khí đốt song phương.

Thỏa thuận chia sẻ khí đốt giữa các thành viên EU nằm trong một cơ chế sẽ được kích hoạt khi tình trạng khẩn cấp khí đốt diễn ra. Thỏa thuận đảm bảo một quốc gia sẽ chuyển khí đốt cho quốc gia còn lại trong trường hợp bên nhận không còn hoặc không đủ nguồn cung cho hộ gia đình, dịch vụ xã hội cần được bảo vệ đặc biệt theo luật EU.

Theo Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck, lý do chính khiến Bỉ, Luxembourg, Hà Lan và Ba Lan ngần ngại chia sẻ khí đốt với Berlin là vì họ không muốn phải bồi thường cho bên cung ứng trong trường hợp khí đốt được chuyển đến Đức.

Trong báo cáo gửi đến các nhà lập pháp tại Ủy ban Khí hậu và Năng lượng của Quốc hội Đức (Bundestag), ông Habeck cảnh báo việc này đe dọa làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu khí đốt ở Đức bởi "không thiết lập được một khối ứng phó khủng hoảng khí đốt vững bền tại Liên minh châu Âu (EU)".

Giới quan sát nhận định vấn đề mà châu Âu cần giải quyết ngay lúc này là sự đoàn kết giữa các quốc gia trong khối thay vì các thống nhất trên văn bản, giấy tờ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại