Suy nghĩ gây bức xúc của đàn ông Ấn Độ về vấn nạn hiếp dâm

Lâm Anh |

Một bộ phận nam giới Ấn Độ cho rằng nguyên nhân của các vụ hiếp dâm là do phụ nữ hoặc do sự thay đổi chóng mặt của xã hội, tuyệt nhiên không có nguyên do nào đến từ những người đàn ông.

Hiếp dâm không phải bạo lực, vấn nạn hiếp dâm là do phụ nữ ăn mặc gợi cảm

"Bằng vũ lực ư, điều đó không bao giờ xảy ra", ông Dharampal Singh Yadav nói về hành động cưỡng bức. Ông đang đứng với một đám đàn ông trong một quán cắt tóc ở chợ Sarojini Nagar, bang Delhi. Hầu hết những người đàn ông còn lại đều đồng ý với ý nghĩ này.

Năm 2012, vụ cưỡng hiếp tập thể và đánh đập một nữ sinh viên y khoa bằng thanh sắt ở New Delhi gây rúng động dư luận. Hàng nghìn người sau đó phẫn nộ, biểu tình đòi công lý và yêu cầu chính phủ can thiệp kịp thời. Trong khi đó, nhiều nam giới Ấn Độ vẫn coi hiếp dâm là hành vi không đi kèm bạo lực. 

Nhiều người thậm chí còn quan niệm phụ nữ vừa là nạn nhân vừa là kẻ có tội phải chịu bị cưỡng hiếp.

Suy nghĩ gây bức xúc của đàn ông Ấn Độ về vấn nạn hiếp dâm - Ảnh 1.

Không chỉ phụ nữ, nhiều trẻ em gái ở Ấn Độ cũng trở thành nạn nhân của những vụ tấn công tình dục.

"Nếu người nào đó cưỡng bức con gái tôi, nó sẽ đánh lại chúng bằng giày", ông Yadav, một người bán hàng ở chợ, nói về cô con gái 15 tuổi. "Không ai có thể hiếp dâm con bé".

Tuy nhiên, để giữ an toàn cho con mình, ông đã chuyển con từ trường về làng. Yadav cho rằng nếu con gái còn ở đó, ông sẽ không thể quản lý được.

Những suy nghĩ và cách lập luận về phụ nữ như thế này thậm chí còn tồn tại trong nhiều tầng lớp xã hội ở Ấn. Vụ việc biên tập viên Tarun Tejpal xin thôi việc sau khi bị cáo buộc tấn công tình dục một phụ nữ là ví dụ. 

Anh ta cho rằng hành vi mà nạn nhân nói là cởi đồ lót và xâm hại cô chỉ là "trò đùa của kẻ say", nó giống như khi nhảy tango, cần có sự tham gia của cả hai người.

Trong khi đó, người thợ cắt tóc trong quán cho hay nạn hiếp dâm có nguyên nhân từ phụ nữ. "Mặc trang phục không phù hợp, ăn loại thức ăn không phù hợp và đến những chỗ không phù hợp", anh này nhấn mạnh.

Suy nghĩ gây bức xúc của đàn ông Ấn Độ về vấn nạn hiếp dâm - Ảnh 2.

Biểu tình chống bạo lực tình dục ở New Delhi.

Năm 2013, tạp chí Observer của Anh cũng đăng tải bài viết ghi lại cuộc phỏng vấn với một nhóm nam giới trẻ ở bang Goa, Ấn Độ về nạn hiếp dâm với những câu trả lời bất ngờ. Họ đổ lỗi cho phụ nữ khi cho rằng phụ nữ ăn mặc gợi tình khiến đàn ông không kiềm chế được. 

Tiếc thay, đây lại là quan niệm quen thuộc ở nhiều nơi trên khắp Ấn Độ. Quan niệm này chỉ trích phụ nữ là người "mời gọi" đàn ông khi mặc những chiếc váy dễ thương. Thậm chí người thợ cắt tóc còn ẩn dụ: "Ở nơi có nến và lửa cạnh nhau, thì nến sẽ tan chảy. Phụ nữ luôn luôn là lửa, còn đàn ông là nến".

Do xã hội thay đổi chóng mặt

Bên cạnh lý do kể trên, nhiều nam giới ở bang Delhi, kể cả những người đứng ở quán cắt tóc hôm đó, cho rằng vấn nạn cưỡng hiếp là do xã hội thay đổi chóng mặt, tạo ra những cám dỗ mới.

"Hiếp dâm không phải lỗi của con người. Nó là lỗi của thời cuộc", một người trong quán cắt tóc nói.

Suy nghĩ gây bức xúc của đàn ông Ấn Độ về vấn nạn hiếp dâm - Ảnh 3.

Vấn nạn hiếp dâm vẫn chưa được ngăn chặn một cách có hiệu quả ở quốc gia đông dân thứ hai thế giới này.

Một cậu bé 10 tuổi tên Durgesh đứng trong quán, chờ bố cắt tóc. Gương mặt em thoáng buồn vì chị gái Ratna bị giam trong nhà giam dành cho trẻ vị thành niên. Ratna có một công việc, mua một chiếc điện thoại, giao du với những người bạn mới, mắc nợ rồi dùng rượu khi chưa đến tuổi và bị giam giữ.

Khi chị gái được trả về, Durgesh muốn chị quay về ngôi làng mà gia đình sinh sống lâu đời. "Nếu không chị ấy sẽ lại hư hỏng một lần nữa", cậu bé nói.

Ông Yadav, nhân vật được nhắc đến ở đầu bài viết, cho hay cũng có trường hợp các cô gái bán dâm để có tiền mua quần áo đẹp. Khi bị mẹ phát hiện, các cô nói bị hãm hiếp để tự bảo vệ danh dự. Không chỉ ông Yadav, nhiều nam giới cũng suy nghĩ như vậy.

Có thể nhóm nam giới trong những phỏng vấn trên chỉ là thiểu số, ngẫu nhiên và nhiều người Ấn sẽ xem quan điểm đó là không thể chấp nhận. Người nước ngoài nghĩ chuyện đến Ấn, đặc biệt là phụ nữ trẻ, sẽ thấy những quan điểm này không chỉ là kinh tởm mà còn nguy hiểm.   

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại