Theo quan niệm lâu đời của người Á Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng, thời điểm thiêng liêng nhất trong năm chính là thời khắc Giao thừa - khi đất trời và con người như hòa cùng một nhịp. Là khoảnh khắc gói ghém tất cả những cảm xúc, buồn vui của năm cũ và cầu nguyện những điều tốt đẹp nhất trong năm mới.
Năm 2024, chúng ta sẽ được đón trọn vẹn thời khắc Giao thừa vào đêm 30. Tiếp đó trở đi, chúng ta sẽ chỉ được đón Giao thừa vào ngày 29 Tết, cho tới tận năm Nhâm Tý 2033.
Gần đây nhất, vào năm 2021, chúng ta cũng đón Giao thừa vào ngày 29 Tết.
Chiếu theo thiên văn học thì âm lịch hiện hành được sắp xếp theo con số thiên văn vận hành của trái đất, mặt trăng và mặt trời. Một trong những nguyên tắc quan trọng nhất chính là phải đảm bảo trái đất, mặt trăng, mặt trời cùng nằm trên một đường thằng, và chính là giây phút người quan trắc trên mặt đất không thấy mặt trăng, nguyệt thực phải rơi vào mồng 1 mỗi tháng.
Song, thời gian mặt trăng từ tròn đến khuyết, chu kỳ bình quân là 29, 53 ngày. Mà số ngày của mỗi tháng sắp xếp bắt buộc phải là số chẵn, bởi thế nên mới dẫn đến trong Âm lịch có tháng thừa, tháng thiếu.
Chiếu theo Lịch vạn niên, năm 2023 sẽ có ngày 30 tháng Chạp. Tuy nhiên, phải tới năm 2033 mới lại có ngày 30 tháng Chạp, còn từ năm 2025 - 2032 tháng Chạp chỉ có 29 ngày.
Trao đổi kỹ hơn về sự trùng hợp trên với phóng viên báo Thanh niên, anh Phạm Vũ Lộc, nghiên cứu viên tại Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, Viện hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam cho biết, một tháng Âm lịch phải theo sát sự thay đổi pha của mặt trăng từ không trăng, trăng lưỡi liềm, trăng bán nguyệt, trăng khuyết, trăng tròn và ngược lại.
Mỗi tháng bắt đầu vào ngày không trăng, tức là ngày mà mặt trăng ở cùng phía với mặt trời. Thời điểm này được gọi là điểm sóc và nó rơi vào ngày nào thì ngày đó sẽ là ngày mùng 1 đầu tháng âm lịch.
Do đó, việc 8 năm liên tục tháng Chạp thiếu cũng chỉ là một sự trùng hợp, không hề mang tính quy luật của lịch pháp. Hơn nữa, Âm lịch đã được sử dụng lâu đời ở nước ta từ xưa đến nay, hiện tượng này không có gì đặc biệt.
Tết Nguyên đán năm 2024 rơi vào ngày nào Dương lịch?
Theo Lịch vạn niên, ngày 30 Tết năm nay sẽ rơi vào thứ Sáu ngày 9/2/2024 Dương lịch và ngày mùng 1 Tết Nguyên đán 2024 rơi vào thứ Bảy ngày 10/2 Dương lịch.
Theo thông báo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được nghỉ Tết Âm lịch năm 2024 từ thứ Năm ngày 8/2/2024 Dương lịch (tức ngày 29 tháng Chạp năm Quý Mão) đến hết thứ Tư ngày 14/2/2024 Dương lịch (tức ngày mùng 5 tháng Giêng năm Giáp Thìn).
Đợt nghỉ này bao gồm 5 ngày nghỉ Tết Âm lịch và 2 ngày nghỉ bù ngày nghỉ hằng tuần theo quy định tại khoản 3 Điều 111 Bộ luật Lao động.