Khi nào gọi công dân thực hiện nghĩa vụ quân sự năm 2024?
Căn cứ quy định tại Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 thì nhập ngũ (hay thực hiện nghĩa vụ quân sự) là việc công dân vào phục vụ có thời hạn trong lực lượng thường trực của Quân đội nhân dân và lực lượng Cảnh sát biển.
Thực hiện theo Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015; Quyết định số 82 của Thủ tướng Chính phủ về việc gọi công dân nhập ngũ năm 2024 thì năm 2024 sẽ tiến hành tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ (tuyển quân) 1 đợt.
Cụ thể, tùy theo từng địa phương sẽ diễn ra thời gian giao nhận quân trong 3 ngày từ 25/02/2024 đến hết ngày 27/02/2024 (tức ngày 16/1/2024 đến hết ngày 18/01/2024 Giáp Thìn). Như vậy, nghĩa vụ quân sự 2024 sẽ đi sau Tết.
Trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh thì được gọi công dân nhập ngũ lần thứ 2.
Đối với địa phương có thảm họa hoặc dịch bệnh nguy hiểm thì được điều chỉnh thời gian gọi nhập ngũ.
Độ tuổi gọi nhập ngũ 2024
Căn cứ Điều 30 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 thì công dân đủ 18 tuổi được gọi nhập ngũ; độ tuổi gọi nhập ngũ từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi; công dân được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi.
Công dân được gọi nhập ngũ khi có đủ các tiêu chuẩn sau đây:
- Lý lịch rõ ràng;
- Chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước;
- Đủ sức khỏe phục vụ tại ngũ theo quy định;
- Có trình độ văn hóa phù hợp.
Nghĩa vụ quân sự 2024 đi mấy năm?
Căn cứ quy định tại Điều 21 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 thì thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan, binh sĩ là 24 tháng.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng được quyết định kéo dài thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ nhưng không quá 6 tháng trong trường hợp sau đây:
- Để bảo đảm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu;
- Đang thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn.
Thời hạn phục vụ của hạ sĩ quan, binh sĩ trong tình trạng chiến tranh hoặc tình trạng khẩn cấp về quốc phòng được thực hiện theo lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ.
Thời gian phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ được tính từ ngày giao, nhận quân; trong trường hợp không giao, nhận quân tập trung thì tính từ ngày đơn vị Quân đội nhân dân tiếp nhận đến khi được cấp có thẩm quyền quyết định xuất ngũ.
Thời gian đào ngũ, thời gian chấp hành hình phạt tù tại trại giam không được tính vào thời gian phục vụ tại ngũ.
Mức trợ cấp nghĩa vụ quân sự khi thực hiện cải cách tiền lương 2024
Điều 7 Nghị định 27 của Chính phủ quy định chế độ trợ cấp xuất ngũ một lần, trợ cấp tạo việc làm, cấp tiền tàu xe, phụ cấp đi đường đối với hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ như sau:
Trợ cấp xuất ngũ một lần
Mỗi năm phục vụ trong Quân đội (đủ 12 tháng) được trợ cấp bằng 2 tháng tiền lương cơ sở.
Trường hợp có tháng lẻ được tính như sau:
- Dưới 1 tháng không được hưởng trợ cấp xuất ngũ.
- Từ đủ 1 tháng đến đủ 06 tháng: Trợ cấp bằng 01 tháng tiền lương cơ sở.
- Từ trên 6 tháng trở lên đến 12 tháng: Trợ cấp bằng 02 tháng tiền lương cơ sở.
Lương cơ sở hiện nay: 1.800.000 đồng/tháng. Do đó, binh sĩ có thời gian phục vụ tại ngũ 02 năm (24 tháng) thì sau khi xuất ngũ sẽ nhận được tiền trợ cấp xuất ngũ một lần như sau: 2 x 2 x 1.800.000 = 7.200.000 đồng.
Như vậy, quân nhân được nhận: 2 x 2 x 1.800.000 = 7.200.000 đồng.
Trợ cấp tạo việc làm
Theo Khoản 3 Điều 7 Nghị định 27 của Chính phủ, hạ sĩ quan, binh sĩ hoàn thành nghĩa vụ quân sự khi xuất ngũ được trợ cấp tạo việc làm bằng 6 tháng tiền lương cơ sở tại thời điểm xuất ngũ.
Lưu ý:
- Trường hợp hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ thời hạn đủ 30 tháng được trợ cấp thêm 2 tháng phụ cấp quân hàm hiện hưởng.
- Trường hợp nếu xuất ngũ trước thời hạn 30 tháng thì thời gian phục vụ tại ngũ từ tháng thứ 25 đến dưới 30 tháng được trợ cấp thêm 1 tháng phụ cấp quân hàm hiện hưởng.
- Ngoài các khoản nêu trên, hạ sĩ quan, binh sĩ khi xuất ngũ được đơn vị trực tiếp quản lý tổ chức buổi gặp mặt chia tay trước khi xuất ngũ với mức chi 50.000 đồng/người, được đơn vị tiễn và đưa về địa phương nơi cư trú theo quy định hoặc cấp tiền tàu, xe (loại phổ thông) và phụ cấp đi đường từ đơn vị về nơi cư trú.