Ảnh minh họa
Theo tờ Wall Street Journal (WSJ), ông Jean Pierre Demony đang sống một cuộc đời như mơ kể từ khi nghỉ hưu khỏi ngành hàng không cách đây 14 năm.
Trong khi người đàn ông 75 tuổi này thoải mái nằm tắm nắng bên bờ biển những ngày trong tuần thì mọi người phải đi làm. Đến cuối tuần, ông Demory dắt vợ là bà Roseline Soudan, 73 tuổi cũng đã nghỉ hưu đi nhảy đầm. Cặp đôi này dự kiến sẽ đi du lịch mùa xuân tại Hy Lạp sau khi đã đi chơi Italy vào mùa thu năm ngoái.
Tiền bạc với ông Demory chẳng thành vấn đề khi cặp đôi nhận đến 6.000 Euro, tương đương 150 triệu đồng hoặc 6.444 USD mỗi tháng tiền lương hưu.
“Tôi cảm giác như mình trẻ lại”, ông Demory thú nhận với tờ WSJ.
Thế nhưng, cuộc sống thiên đường của những người nghỉ hưu như ông Demory lại đang đè nặng lên vai của những lao động trẻ Pháp.
Thiên đường nghỉ hưu, gánh nặng giới trẻ
Tờ WSJ nhận định dân số già hóa quá nhanh trong khi ngân sách có hạn, chế độ hưu trí lại quá tốt đang khiến giới lao động trẻ Pháp phải gồng mình gánh lấy cuộc sống thoải mái của những người nghỉ hưu.
Y tế và chất lượng sống ngày một cao ở Pháp khiến người già sống lâu hơn, dân số già hơn nhưng tỷ lệ sinh lại thấp khiến số lao động làm việc đóng thuế cho ngân sách giảm đi. Hậu quả là Pháp vốn có bình quân 4 lao động gánh 1 người nghỉ hưu vào đầu thập niên 1960 thì vào năm 2020, con số này chỉ còn 1,7 và dự kiến sẽ giảm xuống 1,5 trong 10 năm tới.
Chính vì lý do này mà khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề nghị cải tổ hệ thống an sinh xã hội Pháp đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của người nghỉ hưu, dẫn đến những cuộc biểu tình. Thậm chí mới đây Tổng thống Macron đã phải dùng đến quyền đặc biệt để thúc đẩy dự luật thông qua tại hạ viện, nâng số tuổi nghỉ hưu tại Pháp từ 62 lên 64.
Theo Tổng thống Macron, sự thay đổi này là cần thiết để cứu hệ thống hưu trí khỏi bị sụp đổ, đồng thời giải quyết tình trạng thâm hụt ngân sách nhiều năm nay. Kế hoạch của Tổng thống Macron là hạ mức thâm hụt ngân sách 5% GDP năm 2022 xuống còn 3%, tương đương mức bình quân ở Liên minh Châu Âu (EU).
Số liệu của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cho thấy Pháp hiện chi tiêu đến 14,5% GDP cho hưu trí, cao gấp đôi so với 7,5% của Mỹ và 10,4% của Đức. Để so sánh, Pháp chỉ chi có 1,9% GDP cho quân sự.
Cũng theo OECD, Pháp là nước có tỷ lệ người nghỉ hưu lâm vào cảnh nghèo khổ thấp nhất tại Châu Âu. Chỉ số tiền lương hưu thay thế được thu nhập (Net Pension Replacement Rate) tại Pháp lên đến 74%, cao hơn mức bình quân 62%.
Sự chi tiêu quá nhiều cho người nghỉ hưu này đem lại nhiều hậu quả. Các số liệu cho thấy ngân sách hưu trí của Pháp sẽ thâm hụt đến 1,8 tỷ Euro năm 2023, con số này sẽ tăng lên 10,7 tỷ Euro năm 2025 và 21,1 tỷ Euro năm 2035.
Trong khi đó, mức thuế tại Pháp đã quá cao để có thể tăng lên bù cho ngân sách. Số liệu của OECD cho thấy Pháp đứng thứ 2 trên tổng số 38 nước thành viên về tỷ lệ thuế theo %GDP năm 2021, ở mức 45,1% GDP so với mức bình quân 34,1% trong nhóm và 26,6% của Mỹ.
Tương tự như Pháp, Mỹ cũng gặp tình cảnh thâm hụt ngân sách hưu trí từ năm 2021, nhưng bù lại họ có phương án dự phòng. Đó là các công ty hoặc chính quyền địa phương sẽ cung cấp kế hoạch nghỉ hưu với ưu đãi về thuế để khuyến khích người lao động tiết kiệm cho sau này.
Bên cạnh đó, Pháp còn có hàng triệu công nhân nghỉ hưu sớm trước tuổi vì làm việc trong những ngành như giao thông vận tải, năng lượng...vốn được coi là hao phí thể lực. Điều này khiến những người nghỉ hưu trong ngành được hưởng thêm hàng thập niên lương hưu.
Báo cáo của OECD cho thấy số tuổi thọ bình quân tại Pháp là 82,5, cao hơn nhiều so với mức 77 của Mỹ.
Thu nhập cao hơn cả lao động
Theo WSJ, Pháp quả là thiên đường cho người nghỉ hưu khi họ chẳng phải tốn nhiều chi phí cố định mà hàng tháng vẫn nhận được lương hưu cao.
Hệ thống an sinh xã hội của Pháp cung cấp y tế hầu như miễn phí cho người nghỉ hưu, trong khi hơn 80% thành phần này có sở hữu nhà, không mất tiền đi thuê.
Chính vì sự bất cập này mà Tổng thống Macron đã phải áp dụng đặc quyền để thay đổi gây nên biểu tình khắp nước. Thế nhưng theo giáo sư kinh tế Frederic Bizard của trường ESCP, bộ luật mới có được thông qua đi chăng nữa thì cũng chỉ giảm áp lực lên ngân sách được đến năm 2030 trước khi mọi thứ tồi tệ trở lại.
Một báo cáo vào tháng 9/2022 cho thấy mức thu nhập khả dụng của người nghỉ hưu tại Pháp năm 2014 tương đương tới 106% tổng thu nhập bình quân của lao động cả nước. Tuy nhiên con số này được dự đoán sẽ giảm xuống còn 95% vào năm 2040 và 87% vào năm 2070 khi mức lương tại Pháp tăng nhanh hơn so với lương hưu.
Đặc biệt, việc có dư thừa thời gian và tiền bạc khiến người nghỉ hưu tại Pháp có thời gian đầu tư nhiều hơn so với lao động phổ thông
Ông Armand Cameleyre đã nghỉ hưu từ 20 năm trước là một trong những người tham gia lễ hội chanh thường niên ở Menton, thành phố biển nằm giữa Monaco và Italy. Khoảng 80% số người tham gia lễ hội này là người nghỉ hưu và họ đều có chung một đặc điểm: có tiền.
“Chúng tôi có thể làm những gì mình thích”, ông Armand nói khi cho biết lương hưu của mình là 3.000 Euro/tháng, cộng thêm 5.000 Euro/tháng tiền lãi đầu tư bất động sản vào lúc rảnh rỗi.
Hồi xuân
“Chúng tôi thường nói về giai đoạn hồi xuân trong cuộc đời”, giáo sư Bruno Palier của Trung tâm nghiên cứu hàn lâm quốc gia Pháp (NCSR) nói vui về những người nghỉ hưu.
Quay ngược dòng lịch sử vào đầu thập niên 1980, Tổng thống Pháp lúc đó là Francois Mitterrand đã hạ độ tuổi nghỉ hưu từ 65 xuống còn 60 với quan điểm người dân nên được hưởng thụ cuộc sống hạnh phúc.
Thế nhưng sự thâm hụt ngân sách đã khiến chính phủ Pháp sau này không thể chống đỡ nổi. Vào năm 2010, Tổng thống Pháp khi đó là Nicolas Sarkozy đã phải nâng độ tuổi nghỉ hưu lên 62. Ba năm sau, Tổng thống mới là Francois Hollande nâng số năm lao động bắt buộc mà mọi người cần làm đủ để hưởng lương hưu từ 41,5 năm lên 43 năm.
Bất chấp điều đó, lượng lớn người già Pháp nghỉ hưu vẫn có một cuộc sống an nhàn.
“Tôi chỉ muốn hưởng thụ cuộc sống”, bà Sylvie Roch, một cựu giáo viên 58 tuổi sắp nghỉ hưu và tham gia biểu tình phản đối chính sách của Tổng thống Macron nói với WSJ.
Bà Sylvie dự định nghỉ hưu vào tháng 8 tới đây ngay sau lễ sinh nhật tuổi 59 với mức lương hưu 2.620 Euro/tháng, tương đương 75% thu nhập hiện giờ của vị giáo viên này. Đồng thời bà Sylvie cũng dự định du lịch Hy Lạp và tham gia các chương trình dạy học tự nguyện ở Paris.
Con trai của bà Sylvie là Etienne Roch, năm nay 29 tuổi và là một đầu bếp ở Strabourg cho biết mình ủng hộ cuộc biểu tình của mẹ nhưng cũng thừa nhận không muốn sau này lương hưu của bản thân sẽ thành gánh nặng cho con cháu.
“Tôi sẽ không sống dựa vào lương hưu khi nghỉ hưu”, anh Roch nói.
*Nguồn: WSJ