Hình ảnh hệ thống phòng không Vòm Sắt hoạt động ở miền nam Israel vào ngày 8/10/2023 (bên trái) và hệ thống Tia Sắt - Rafael Iron Beam (bên phải). Ảnh: AFP/Getty Images
Khi "Vòm Sắt" (Iron Dome) của Israel hoạt động hết công suất để chống lại tên lửa do Hamas bắn, sự chú ý đang chuyển sang hệ thống phòng không thế hệ tiếp theo, "Tia Sắt" (Iron Beam) - hệ thống có thể thay đổi cuộc chơi trong các biện pháp bảo vệ của Israel.
Các báo cáo vào đầu tuần này cho biết hệ thống phòng thủ dựa trên tia laser mới của Israel sẽ ra mắt trên chiến trường trong tương lai gần. Mặc dù không rõ chính xác khi nào Tia Sắt có thể được sử dụng, nhưng các cuộc tấn công từ nhóm Hamas của Palestine chắc chắn đã động lực lớn để Israel tìm cách nhanh chóng đưa vào vận hành hệ thống vũ khí laser năng lượng cao này.
Tờ Telegraph của Anh hôm 16/10 đưa tin, Tia Sắt ban đầu dự kiến được triển khai vào năm 2025, nhưng Bộ Quốc phòng Israel hiện đang đẩy nhanh quá trình phát triển sau khi bùng phát xung đột với Hamas.
Các chuyên gia cho rằng Tia Sắt sẽ có chi phí vận hành phải chăng hơn đáng kể so với tên lửa đánh chặn tương tự, vốn có giá lên tới 50.000 USD cho mỗi tên lửa. Thay vào đó, hệ thống sẽ chỉ tốn một khoản không đáng kể để bắn tia laser công suất 100 kilowatt.
Tia Sắt được tập đoàn Rafael thiết kế để vô hiệu hóa tên lửa, pháo và súng cối, mục tiêu kết hợp C-RAM, cũng như các hệ thống máy bay không người lái. Rafael cũng là công ty đứng sau hệ thống David's Sling và Vòm Sắt.
Tia Sắt được coi là vũ khí năng lượng định hướng. Những công cụ thời chiến như vậy thường có hai dạng. Một, giống như của Rafael, là tia laser năng lượng cao; cái còn lại là lò vi sóng công suất cao. Trong khi loại thứ nhất tập trung một hoặc nhiều chùm năng lượng để làm mù, cắt hoặc gây sát thương nhiệt lên mục tiêu, thì loại thứ hai sẽ bơm ra các làn sóng năng lượng gây phá hủy các linh kiện điện tử và khiến công nghệ trở nên vô dụng.
Tia Sắt được thiết kế để tích hợp vào mạng lưới phòng không hiện có của Israel, thay vì đóng vai trò thay thế hoàn toàn hệ thống Vòm Sắt. Theo chuyên gia quân sự David Hamble, trong khi Vòm Sắt được phát triển để chống lại các cuộc tấn công bằng tên lửa nhỏ thì Iron Beam được thiết kế nhằm mục đích chống lại mối đe dọa ngày càng tăng của máy bay không người lái.
Đồ họa hoạt động của hệ thống phòng không tia laser mà Israel đang đẩy mạnh phát triển và triển khai. Ảnh: Bộ Quốc phòng Israel
Ông Hamble nói với Newsweek rằng Vòm Sắt là "hệ thống thành công nhất thuộc loại này trên thế giới", nhưng trong các cuộc tấn công gần đây, Hamas đã tìm cách áp đảo nó bằng cách bắn nhiều tên lửa hơn mức hệ thống này có thể đối phó trong một thời điểm hoặc bằng cách làm cạn kiệt nguồn cung tên lửa đánh chặn của Israel. “Rõ ràng là có giới hạn về số lượng mà Vòm Sắt có thể ngăn chặn”, ông nói.
Kể từ ngày 7/10, khi lực lượng Hamas bắt đầu chiến dịch tấn công trên bộ, trên không và trên biển vào Israel từ Dải Gaza, nhóm này tiếp tục duy trì các cuộc tấn công bằng súng cối, rocket và tên lửa hàng ngày nhằm hướng Israel. Khi quân đội Israel tiến hành các cuộc không kích quy mô lớn vào Gaza, rocket và tên lửa cũng trút xuống các ngôi làng và thành phố phía nam Israel cũng như hướng tới Tel Aviv và các khu vực xa hơn về phía Bắc.
Chuyên gia Hambling lưu ý rằng trong một đợt tấn công gần đây, Hamas đã bắn tới 5.000 quả tên lửa chỉ trong 20 phút, điều này sẽ khiến Israel phải trả chi phí rất lớn để đánh chặn.
Hôm 19/10, đại diện của Hamas cho biết họ đã tiến hành các cuộc không kích vào các địa điểm phía bắc Dải Gaza và phía đông, hướng tới thành phố Be'er Sheva, miền nam Israel.
Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), các chiến binh Palestine đã nhắm vào 21 vị trí quân sự của Lực lượng Phòng vệ Israel bằng súng cối và tên lửa ở miền Nam nước này ngày 18/10. ISW cho biết Hamas đã nhận trách nhiệm về 9 vụ tấn công bằng súng cối và tên lửa vào hôm đó.
Sau khi bạo lực bùng phát trong khu vực, Mỹ nhanh chóng tuyên bố rằng họ sẽ cung cấp "tất cả các phương tiện hỗ trợ thích hợp" cho Israel, và đã bàn giao tên lửa đánh chặn cho hệ thống Vòm Sắt.
Ông Hambling cho biết, ưu điểm vượt trội của Tia Sắt là với chi phí thấp, nó cung cấp năng lực "bắn không giới hạn một cách hiệu quả".
Một sĩ quan cảnh sát Israel đang xử lý hệ thống phòng thủ bằng laser được thiết kế để đánh chặn những quả bóng bay chứa đầy chất nổ phóng từ Dải Gaza vào Israel, ngày 30/8/2020. Ảnh: AP
Theo ông, không giống như nguồn cung cấp tên lửa đánh chặn gặp hạn chế ở Vòm Sắt, Tia Sắt có thể bắn liên tục "miễn là nó có nguồn điện, với chi phí cho mỗi lần bắn có lẽ là 1 USD".
"Nó có thể nhanh chóng chuyển từ mục tiêu này sang mục tiêu tiếp theo, tấn công với tốc độ ánh sáng, nhanh chóng hạ gục tên lửa chừng nào chúng còn tiếp tục bay tới", ông Hambling cho biết.
Tuy nhiên, vẫn còn những câu hỏi về phạm vi và sức mạnh của Tia Sắt. Theo các nhà sản xuất, nó có thể nhắm mục tiêu vào các mối đe dọa đang đến từ cách xa "vài trăm mét đến vài km", nhưng có rất ít thông tin chi tiết về khoảng cách mà Tia Sắt có thể bao phủ.
“Mỗi hệ thống Vòm Sắt có diện tích bao phủ khoảng 90 km vuông", ông Hambling nói vừa thừa nhận: "Chúng tôi không biết phạm vi hoạt động của Tia Sắt, nhưng thách thức lớn nhất có lẽ là phải có phạm vi đù lớn để bao phủ khu vực thay vì chỉ vài km vuông.”
Ông Uzi Rubin, cựu giám đốc Tổ chức Phòng thủ Tên lửa Israel thuộc Bộ Quốc phòng Israel, nói với tạp chí Newsweek rằng tia laser cũng sẽ không hoạt động trong điều kiện thời tiết xấu.
Ông cũng cho biết, trong năm 2022, nhà sản xuất của hệ thống này, tập đoàn Rafael và các quan chức quốc phòng Israel “đã hoàn thành thành công một loạt cuộc thử nghiệm đột phá trên thực địa” nhằm đánh chặn tên lửa, máy bay không người lái và rocket cùng nhiều mối đe dọa khác trong “các kịch bản khác nhau”.