Tàu sân bay nội địa đầu tiên của Ấn Độ được thử nghiệm từ ngày 4/8. Nguồn: Xinhua.
Theo Tân Hoa Xã, Hải quân Ấn Độ hôm 4/8 thông báo, tàu sân bay nội địa đầu tiên của Ấn Độ mang tên INS Vikrant đã bắt đầu chạy thử nghiệm ở vùng biển ngoài khơi thành phố cảng Cochin ở miền Nam Ấn Độ.
Theo các phương tiện truyền thông Ấn Độ, tàu sân bay INS Vikrant dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào tháng 8/2022, và sẽ được trang bị máy bay chiến đấu MiG-29K, trực thăng cảnh báo sớm Ka-31, trực thăng đa nhiệm MH-60R và các loại trực thăng hạng nhẹ tiên tiến được chế tạo ở Ấn Độ.
Theo kế hoạch, các loại máy bay này sẽ được thử nghiệm cất hạ cánh trên tàu INS Vikrant trong thời gian tới, trước khi con tàu có thể vận hành đầy đủ vào giữa năm 2023.
Công việc thiết kế chế tạo tàu sân bay INS Vikrant được bắt đầu từ năm 1999 và chính thức hạ thủy vào tháng 8/2013. Con tàu do Cục Thiết kế Hải quân Ấn Độ thiết kế, Nhà máy đóng tàu Cochin chịu trách nhiệm chế tạo.
Tàu dài khoảng 260 m, rộng 60 m, lượng choán nước khoảng 40.000 tấn, có thể chở khoảng 30 máy bay, tốc độ tối đa 28 hải lý/ giờ, có thể hành trình liên tục 8.000 hải lý.
Tàu sân bay này có kích thước tương đương tàu sân bay INS Vikramaditya, được chỉnh sửa từ tàu sân bay Baku thuộc lớp Kiev do Liên Xô chế tạo. Tàu được trang bị 4 động cơ tuabin khí LM2500, bộ truyền động, cánh quạt biến tốc và hệ thống điều khiển.
Ngoài ra, con tàu cũng được kiểm tra hệ thống lái, điều hòa không khí, hệ thống bơm, cùng thiết bị chữa cháy, máy phát điện, hệ thống động lực và các thiết bị boong tàu. Tàu sân bay Vikrant được thiết kế theo sơ đồ STOBAR (Short Take-Off But Arrested Recovery - cất cánh ngắn, hạ cánh có hỗ trợ).
Hải quân Ấn Độ coi sự kiện chạy thử lần này là ‘một ngày lịch sử và đáng tự hào’. Ấn Độ hiện đã được liệt vào top các quốc gia đủ năng lực tự thiết kế, đóng mới và tích hợp các công nghệ hiện đại vào một con tàu sân bay.
Tàu sân bay INS Vikrant có trị giá ước tính khoảng 3,2 tỉ USD. Ấn Độ hiện đang vận hành một tàu sân bay duy nhất mang tên INS Vikramaditya. Con tàu có lượng giãn nước 44.500 tấn này được mua từ Nga với trị giá 2,33 tỉ USD hồi tháng 11/2013. New Delhi phải chi thêm 2 tỉ USD nữa để đặt mua 45 chiếc tiêm kích MiG-29K trang bị cho con tàu này.
Nhà phân tích hải quân Ben Ho thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (Singapore) cho rằng, tàu sân bay INS Vikrant sẽ cung cấp cho New Dehli nhiều lựa chọn hơn để "sẵn sàng ứng phó với các kịch bản, trong đó có cả kịch bản khủng hoảng với Bắc Kinh".
Tướng Hải quân về hưu R.S Vasan, giám đốc của Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc Chennai cho rằng, việc sở hữu tàu sân bay thứ hai sẽ giúp Hải quân Ấn Độ tăng cường khả năng giám sát, nhất là hoạt động thu thập thông tin tình báo trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng mở rộng ảnh hưởng sang khu vực Ấn Độ Dương.
Bên cạnh hệ thống động lực hiện đại, Vikrant còn được trang bị 4 bệ phóng pháo cỡ nòng 30 mm và 76 mm, đồng thời có thêm các bệ phóng tên lửa phòng không. Tàu được thiết kế để thực hiện các cuộc tấn công đường không vào các mục tiêu trên biển và trên đất liền, hỗ trợ chiến đấu cho lục quân trên các mặt trận bên trong lục địa, thực hiện đổ bộ hải quân.
Biên chế thủy thủ đoàn (không bao gồm quân số không quân) của tàu là 1.400 người, trong đó có 160 sĩ quan. Tàu sử dụng hệ thống máy phóng điện từ EMALS được trang bị trên tàu sân bay lớp Gerald R. Ford của Mỹ.
Tàu sân bay của Ấn Độ ngoài việc giúp tăng cường khả năng cạnh tranh với Trung Quốc, thì con tàu này cũng là công cụ quan trọng để có thể hỗ trợ Ấn Độ trong một cuộc chiến thông thường với Pakistan, trong đó sẽ liên quan đến việc tấn công các tài sản hải quân và căn cứ trên đất liền của nước láng giềng phía Tây.