Tập đoàn chế tạo máy bay United Aircraft Corporation (UAC) của Nga vừa xác nhận máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 Su-57 Felon đã được triển khai trong chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Hãng thông tấn TASS dẫn tuyên bố UAC cho biết máy bay Su-57 có khả năng thực hiện nhiệm vụ ngay cả trong điều kiện phòng không dày đặc của đối phương nhờ các tính năng tàng hình và khả năng sống sót tiên tiến. Cục Thiết kế Sukhoi đã không ngừng nghiên cứu nhằm nâng cao và mở rộng khả năng thực hiện nhiệm vụ của máy bay chiến đấu này.
Su-57 phiên bản nâng cấp có gì đặc biệt?
Thông tin chi tiết về những cải tiến của Su-57 được triển khai tại Ukraine không được tiết lộ. Tuy nhiên đầu năm nay, UAC cho hay, Su-57 sẽ được trang bị động cơ Izdeliye 30, có lực đẩy tốt hơn và hiệu suất nhiên liệu được cải thiện hơn so với động cơ AL-41F1.
Bên cạnh đó, UAC cũng từng nhấn mạnh về những nâng cấp trong hệ thống điện tử hàng không của Su-57. Theo đó, phiên bản nâng cấp sẽ có hệ thống radar tiên tiến với phạm vi phát hiện mở rộng và khả năng theo dõi mục tiêu vượt trội. Ngoài ra, UAC tuyên bố sẽ nâng cấp công nghệ tàng hình cho Su-57.
Việc nâng cấp vũ khí cũng là trọng tâm của Su-57 trong năm nay. Theo các nguồn tin của Nga, máy bay chiến đấu này hiện có thể mang nhiều loại tên lửa không đối không và không đối đất hiện đại, bao gồm các phiên bản mới nhất của tên lửa R-77 và R-37M. Buồng lái của Su-57 cũng được cải tiến để nâng cao nhận thức tình huống của phi công.
Với những cải tiến cả về động cơ, hệ thống điện tử hàng không cũng như vũ khí, Su-57 không chỉ là máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không mạnh mẽ, mà còn trở thành phương tiện tấn công mục tiêu mặt đất đáng gờm.
Tháng 6/2022, Phó Thủ tướng Nga khi đó (hiện là người đứng đầu Roscosmos), ông Yuri Borisov đã chính thức xác nhận việc sử dụng Su-57 trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Những máy bay chiến đấu này được sử dụng cho cả nhiệm vụ tấn công đơn lẻ và theo nhóm, chia sẻ thông tin hiệu quả và triển khai vũ khí một cách chiến lược.
Năm 2023, Bộ trưởng Quốc phòng Nga khi đó là ông Sergey Shoigu từng đề cập trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Nga rằng Su-57 đã hoạt động rất tốt ở Syria và Ukraine.
Có nhiều thông tin khác nhau, cả từ nguồn của Nga và Ukraine, liên quan đến việc sử dụng Su-57 trong chiến đấu. Một trường hợp đáng chú ý là cuộc tập kích hồi tháng 4 năm nay, trong đó tên lửa hành trình phóng từ trên không Kh-69 đánh trúng Nhà máy nhiệt điện Tripolskaya ở khu vực Kiev. Ukraine cho rằng, quả tên lửa Kh-69 này được phóng từ máy bay Su-57.
Dù vậy, theo Bulgarian Military, ngoài Su-57, các máy bay chiến đấu khác của Nga như Su-30, Su-34, Su-35, MiG-29 và MiG-35 cũng có thể triển khai tên lửa Kh-69.
Đầu tháng 6 năm nay, cơ quan tình báo Ukraine (GUR) cho hay, lực lượng nước này đã tấn công một máy bay Su-57 tại sân bay Akhtubinsk thuộc Cộng hòa Astrakhan ở miền Nam nước Nga, cách tiền tuyến ở Ukraine 589 km.
GUR còn cung cấp hình ảnh vệ tinh để chứng minh cho tuyên bố của họ. Theo đó, ảnh chụp vệ tinh ngày 7/6 cho thấy, tiêm kích Su-57 triển khai tại căn cứ Akhtubinsk vẫn nguyên vẹn. Tuy nhiên, ảnh vệ tinh chụp ngày 8/6 cho thấy ở khu vực này xuất hiện những hố lớn và vết cháy đen do tác động từ vụ tấn công.
GUR không nêu chi tiết cách Su-57 bị bắn trúng hoặc đơn vị nào của Ukraine đã thực hiện vụ tấn công. Tuy nhiên, blogger quân sự Nga chuyên về hàng không, Fighterbomber, đã xác nhận thông tin và nói rằng Su-57 bị máy bay không người lái bắn trúng.
Bộ ba Su-57, Su-34 và Su-35
Su-57, còn được gọi là Sukhoi PAK FA hoặc T-50, là máy bay chiến đấu đa năng thế hệ thứ năm do Cục thiết kế Sukhoi của Nga phát triển. Nó được thiết kế để thực hiện các nhiệm vụ tấn công và chiếm ưu thế trên không, đồng thời kết hợp khả năng tàng hình, khả năng cơ động và hệ thống điện tử hàng không tiên tiến để đảm bảo khả năng cạnh tranh với các máy bay phản lực chiến đấu hiện đại.
Su-57 dài khoảng 20,1 mét, sải cánh 14,1 mét và cao khoảng 4,74 mét. Hệ thống đẩy của Su-57 bao gồm 2 động cơ phản lực cánh quạt đốt sau Saturn Izdeliye 117 hoặc AL-41F1. Máy bay có thể đạt tốc độ tối đa khoảng Mach 2.
Su-57 được chế tạo từ vật liệu composite tiên tiến để giảm tiết diện radar, khoang vũ khí bên trong để đảm bảo khả năng tàng hình. Máy bay được trang bị hệ thống radar tinh vi, bao gồm radar N036 Byelka AESA, cung cấp khả năng theo dõi và nhắm mục tiêu vượt trội.
Su-57 có bộ thiết bị điện tử hàng không rất tiên tiến, buồng lái trang bị màn hình đa chức năng lớn, hệ thống hiển thị gắn trên mũ bảo hiểm của phi công và hệ thống tác chiến điện tử tích hợp. Các thiết bị này cung cấp cho phi công khả năng nhận thức tình huống toàn diện và tấn công nhiều mục tiêu cùng lúc.
Phạm vi hoạt động của Su-57 ước tính khoảng 3.500km mà không cần tiếp nhiên liệu. Phạm vi này cho phép máy bay thực hiện các nhiệm vụ tầm xa và duy trì sự hiện diện đáng kể trong không phận có tranh chấp.
Theo hãng thông tấn TASS, Su-57, cùng với Su-34 và Su-35, tạo thành một phần quan trọng trong các hoạt động chiến đấu trọng tâm của Nga. Sự kết hợp này cho phép lực lượng Nga phản ứng mạnh mẽ với các mối đe dọa. Su-34, thường được gọi là “ngựa thồ” của hệ thống phòng không, thường hoạt động dưới sự bảo vệ của Su-35.