Xoắn ruột ở trẻ em: Chỉ có 6 giờ để "cứu"

lananh |

Nếu bị xoắn ruột, trẻ sẽ nhanh chóng rơi vào tình trạng sốc nặng khi chưa được phẫu thuật kịp thời.

Nhiều trẻ phải cắt ruột vì đến viện muộn

Tại khoa Hồi sức Ngoại BV Nhi Đồng 1, TP HCM hiện có nhiều bệnh nhi đã được phẫu thuật do lồng hoặc xoắn ruột. Bệnh nhân nhỏ nhất mới chỉ 2 tháng tuổi là bé Hà Đức, trú tại quận 1, TP HCM. Theo lời của gia đình thì ngay khi thấy con nôn ói nhiều lần, dịch ói vàng như phân, kèm tiêu 3 lần ra máu đỏ, bé Đức được gia đình cho nhập viện.

Tại đây, Đức được siêu âm bụng, kết quả cho thấy bé bị xoắn ruột 2 vòng theo chiều kim đồng hồ do ruột xoay bất toàn, hầu hết ruột non bị xoắn. Chỉ sau 3 giờ nhập viện, Đức đã được các bác sỹ tháo xoắn ruột. Rất may vì được phẫu thuật sớm nên đoạn ruột xoắn còn hồng nên bé Đức đã không phải cắt bỏ ruột.

Tương tự, bé Trí Minh, 5 tuổi được chuyển từ Tây Ninh lên BV Nhi đồng 1 với chẩn đoán xoắn ruột. Trước đó 2 ngày, Minh nôn ói dịch xanh, bụng chướng và được đưa đến nhập viện trong tình trạng sốc nặng, huyết áp tụt. Sau 3 giờ hồi sức chống sốc tích cực, Minh được chuyển mổ. Tuy nhiên vì thời gian bệnh nhân đến viện muộn nên các bác sỹ đã phải cắt bỏ khoảng 70cm ruột bị xoắn do dây dính đã tím đen.

Một trường hợp đến viện muộn khác là bé Minh Hùng, 12 tuổi, ngụ tại Bến Tre. Hùng bị đau bụng kèm nôn ói từ 24 giờ trước nhập viện. Sau khi siêu âm bụng, các bác sỹ phát hiện ngay xoắn ruột. Chỉ sau 1 giờ nhập viện, Hùng được phẫu thuật ngay, nhưng 60cm ruột đã không cứu được vì hoại tử tím đen nên các bác sỹ buộc phải cắt bỏ.

Bé Trung Dũng, 5 tháng tuổi, nhà ở Bình Thuận lại bị cắt 80cm ruột vì đến viện muộn do lồng ruột. Cũng gần giống như triệu chứng của xoắn ruột, bé Dũng cũng bị nôn ói nhiều lần, đi tiêu ra phân máu nhày. Đến ngày thứ ba vẫn không giảm triệu chứng này nên gia đình đưa con vào nhập viện. Tuy nhiên thay vì được bơm tháo lồng bằng hơi (không phải mổ) như những trường hợp nhập viện sớm, bé Dũng phải cắt bỏ toàn bộ khối lồng gồm hồi tràng - manh tràng đến đại tràng xuống.

Dấu hiệu nhận biết sớm

Theo BS. Đặng Thanh Tuấn, Khoa Hồi sức Ngoại, BV Nhi đồng 1, phương pháp tháo mổ xoắn ruột, lồng ruột không phức tạp. Tuy nhiên, bệnh nhân cần phải đến viện kịp thời (đặc biệt là với bệnh nhân xoắn ruột) vì thời gian có thể "cứu" đoạn ruột bị xoắn là 6 giờ kể từ khi có triệu chứng. Sau khoảng thời gian này, khả năng phải cắt bỏ ruột cũng như tử vong do sốc nhiễm trùng nhiễm độc là rất cao.

Cũng theo BS Tuấn, lồng ruột thường gặp ở trẻ từ 3 - 9 tháng tuổi, khởi bệnh với 3 triệu chứng: Khóc thét (do đau bụng), nôn ói nhiều và tiêu phân nhày máu. Qua thăm khám và nhất là siêu âm bụng, các bác sỹ sẽ có chẩn đoán lồng ruột chính xác và kịp thời.

Cũng giống như xoắn ruột, xử trí lồng ruột sẽ rất đơn giản là tháo lồng bằng hơi (em bé sẽ được bơm hơi qua ống thông đặt vào hậu môn với áp lực thích hợp để tháo lồng mà không cần phải mổ) nhưng động tác này phải được thực hiện càng sớm càng tốt.Tuy nhiên phương pháp này không thực hiện được đối với các trường hợp đến muộn (sau 48 giờ kể từ khi khởi bệnh), các bé có dấu hiệu nặng (có sốc) hoặc đã có biến chứng như thủng ruột. Lồng ruột đến muộn hoặc có biến chứng bắt buộc phải mổ và có khi phải cắt bỏ khối ruột bị lồng vào nhau.

Một số dấu hiệu nhận biết sớm mà cha mẹ không nên bỏ qua:

-Trẻ bỏ bú, quấy khóc, da tím tái.

- Khóc thét lên từng cơn.

- Những cơn đau bụng kéo dài từ 15-20 phút.

- Bụng chướng.

- Nôn dịch màu xanh, vàng.

-Đại tiện ra máu lẫn chất nhầy màu đỏ hoặc màu nâu, đen.

Theo Thái Sơn

Gia đình & Xã hội

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại