Tiểu cầu là những tế bào nhỏ lưu hành trong máu, có chức năng tham gia vào quá trình đông máu, giữ vai trò rất quan trọng trong cầm máu và chống chảy máu. Tiểu cầu lưu thông bình thường trong máu với số lượng từ 150 đến 400 triệu/ml máu. Dấu hiệu gợi ý là hội chứng chảy máu, hay gặp nhất ở da và niêm mạc. Bệnh có thể được phát hiện tình cờ khi xét nghiệm tế bào máu ngoại vi thấy số lượng tiểu cầu giảm…
Ngoài việc trị liệu theo tây y như dùng thuốc, truyền máu hay truyền tiểu cầu, có thể phối hợp điều chỉnh chế độ ăn uống lành mạnh, đồng thời sử dụng những món ăn thuốc dưới đây - cũng có công hiệu hỗ trợ trị bệnh.
Nên và không nên
Nên ăn các đồ ăn càng tươi càng tốt (ví dụ như rau vừa hái ở vườn...) vì giá trị dinh dưỡng của các loại rau quả sẽ bị giảm dần theo thời gian nếu để bị héo. Tránh ăn các đồ ăn đông lạnh.
Nên ăn các đồ ăn chưa qua chế biến kỹ (như ngũ cốc nguyên hạt, gạo lức và lúa mì). Giảm ăn các loại như lúa mì trắng, gạo trắng và các sản phẩm thực phẩm đã qua tinh chế vì các thực phẩm qua tinh chế sẽ bị mất đi chất dinh dưỡng tự nhiên ở vỏ ngoài của nó.
Ăn nhiều loại thực phẩm lành mạnh như trái cây, rau, các sản phẩm sữa ít béo, đậu, thịt nạc và cá. Ăn thức ăn lành mạnh có thể giúp có nhiều năng lượng khiến chữa trị lành bệnh nhanh hơn.
Đàn ông 19 tuổi trở lên nên uống khoảng 3 lít nước/ngày. Phụ nữ 19 tuổi trở lên nên uống khoảng 2,2 lít nước/ngày. Đối với hầu hết mọi người, thức uống tốt là nước, nước trái cây và sữa. Hãy cố gắng uống đủ nước mỗi ngày và không chỉ uống khi cảm thấy khát nước.
Hạn chế ăn thịt, các loại đồ uống có cồn vì có thể gây hại cho tủy xương. Cần tránh tất cả thực phẩm chế biến tinh - đường, chất béo bão hòa và đồ uống có gaz nhằm tránh làm giảm số lượng tiểu cầu, kể cả các thực phẩm gây dị ứng. Cần ăn các loại thực phẩm tươi và hữu cơ giúp kích thích cơ chế nội mô và làm lượng tiểu cầu được tăng lên.
Chọn lựa các loại thực phẩm có màu đỏ, hồng như cà chua, gấc, mận, dưa hấu, anh đào để có nhiều vitamin và khoáng chất có tính chất chống ôxy hóa mạnh, giúp nâng cao số lượng tiểu cầu.
Dùng các món ăn thuốc
- Chữa tiểu cầu giảm, máu chậm đông: Đậu phộng rang để cả vỏ lụa 150 g chia làm 4 lần, nhai ăn trong ngày. Đây là món ăn thuốc có tác dụng bổ tì, ích vị, dưỡng huyết và cầm máu.
- Chữa ban xuất huyết do giảm tiểu cầu: Lấy lá hồng rụng mùa thu rửa sạch, phơi khô, nghiền mịn, ngày uống 2 lần vào buổi sáng và tối, mỗi lần 3 g, liên tục trong 1 tháng.
- Làm tăng tiểu cầu bằng hoa kim châm (còn có tên là hoa hiên, huyên thảo, rau huyên, hoàng hoa, kim trâm thái...): Hoa kim châm 30 g, sắc với 300 ml nước uống trong ngày, uống liên tục trong 1 tháng.
- Thịt mèo 250 g, tỏi tím 50 g, nấu cùng, ăn hằng ngày.
- Tim heo 1 quả, hạnh đào nhân 100 g, nấu cùng để ăn.
- Da cừu 100 g. Lấy da cừu tươi làm sạch lông xắt miếng nhỏ, cho nước vừa đủ, hầm nhỏ lửa đến nhừ thì cho đường vào. Ngày ăn 2 lần vào sáng sớm và tối lúc đói. Ăn trong 1 tuần là 1 liệu trình.
- Bì heo 50 g, đậu phộng 30 g. Xắt bì heo thành miếng nhỏ, đậu phộng để cả vỏ lụa, cho cùng vào nồi sắt sắc nhỏ lửa đến khi nước đặc, càng đặc thì hiệu quả chữa trị càng tốt. Chia 2 lần, ăn nóng trong ngày. Ăn liền 1 tuần là 1 liệu trình.
- Chân giò 100 g, hồng táo 50 g. Chân giò, hồng táo rửa sạch, cho xì dầu, giấm, hành, gừng, tỏi vào tô, một ít bột và bia rồi khuấy đều để sẵn. Lấy nồi đất, dưới đáy nồi lót mấy cục xương heo. Dùng 1 lít nước, cho thịt chân giò vào đun sôi, vớt bỏ bọt, sau đổ nước hồng táo đã sắc đặc. Bắt đầu hầm nhỏ lửa âm ỉ đến nhừ, nước hầm đặc quánh là được.
- Món trứng gà, hồng táo: Cẩu kỷ tử 10-15 g, hồng táo 10 quả, đẳng sâm 15 g, trứng gà 2 quả chín, lột vỏ. Cho tất cả vào nồi nấu cùng. Ăn trứng gà, uống nước canh. Ăn hằng ngày hoặc cách 1 ngày ăn 1 lần. Cần ăn liền trong 6-7 tháng.
Có thể kết hợp sử dụng các món ăn bổ huyết chống chảy máu:
- Bổ khí dưỡng huyết: Canh gân bò, đỗ, đậu phộng. Gân chân bò 100 g, đậu phộng cả vỏ lụa 100- 150 g. Hầm cho nhừ nhuyễn đậu phộng là ăn được.
- Bổ huyết, sinh huyết: Xương sống heo hầm cùng đậu phộng. Hầm nhừ, ăn cái uống nước, ngày 1 lần.