Đó là kết luận của nhóm nghiên cứu tại Đại học Vienna (Áo). Oxytocin, hormone do tuyến yên sản sinh được biết tới với tác dụng tăng sự gắn kết và gần gũi giữa bố mẹ, con cái, đặc biệt là các cặp đôi.
Ở phụ nữ, hormone oxytocin còn được giải phóng trong quá trình sinh nở và suốt thời gian cho con bú để tăng mức độ gần gũi giữa người mẹ và đứa trẻ.
Tuy nhiên, theo nhóm nghiên cứu, không phải ôm ai, bạn cũng đạt được những lợi ích này. Ôm một người mà bạn không thật sự thân thuộc có thể phản tác dụng.
Ảnh minh họa
Những cái ôm cũng có thể giúp cá tính của một người trở nên mềm mỏng hơn. Các nhà khoa học tin rằng người chủ động ôm người họ yêu thương thường trở nên đồng cảm hơn theo thời gian.
Theo chuyên gia tâm lý học thần kinh Jürgen Sandkühler, thành viên nhóm nghiên cứu: “Hiệu quả tích cực chỉ xảy ra nếu 2 phía tin tưởng lẫn nhau. Nếu không hiểu nhau hoặc 1 trong 2 người không muốn ôm, tác dụng này sẽ mất đi”.
Khi chúng ta nhận những cái ôm không mong muốn từ người lạ hoặc thậm chí là người quen, cơ thể sẽ không giải phóng oxytocin, mà mức độ lo lắng tăng lên.
“Điều này dẫn tới sự căng thẳng thuần túy bởi chủ thể cảm thấy nguyên tắc giữ khoảng cách thông thường bị coi nhẹ. Trong những tình huống này, cơ thể giải phóng hormone stress cortisol”, Sandkühler nhận định, “Ôm rất có lợi nhưng dù ôm lâu hay ôm thường xuyên thì sự tin tưởng giữa 2 phía vẫn là điều quan trọng nhất”.
Từ đó, Sandkühler phản đối hoạt động xã hội mà ở đó người ta trao tặng những cái ôm cho người lạ ở nơi công cộng.
Theo ông, hoạt động này chỉ có lợi nếu người tham gia ý thức được rằng nó vô hại và chỉ là trò đùa. Nếu không, nó sẽ trở thành một kích thích stress và áp lực cảm xúc.