Nhiễm viêm gan B cẩn thận ung thư gan

Theo Kiến Thức |

Ung thư gan là một căn bệnh nguy hiểm, nếu được phát hiện muộn, không còn khả năng điều trị.

Trước kia ung thư gan (UTG) thường gặp ở tuổi 50 - 60, hiện nay nhiều người ngoài 20 tuổi đã bị. Đặc biệt, đa phần bệnh nhân được phát hiện muộn, không còn khả năng điều trị và nếu được điều trị thì 100 người cũng chỉ có 1 người sống được sau 5 năm.

Ít người còn cơ hội điều trị

Mới 30 tuổi nhưng chị Duy Thị Bích H. (Ứng Hòa, Hà Nội) đã bị UTG tái phát di căn hạch mạc treo, lách to... Nhìn chị quằn quoại đau đớn trên giường bệnh với cái bụng to hơn bà chửa 9 tháng ai cũng thấy xót xa. Người nhà của chị cho biết, cuối năm 2009, chị thấy mệt mỏi, tức ngực, đi khám thì đã bị UTG giai đoạn 2. Bác sĩ bảo chị đã phát hiện được giai đoạn sớm nên phẫu thuật và truyền hóa chất 1 đợt nhưng không đáp ứng. Về nhà uống thuốc Nam đến nay thì bụng chướng to, đi ngoài và nôn ra máu... Hiện tiên lượng sống của chị chỉ còn được tính từng ngày.

ThS Đoàn Lực, Trưởng khoa Chống đau, Bệnh viện K cho biết, chị H. là một trong số ít bệnh nhân bị UTG được điều trị và kéo dài cuộc sống được trên 2 năm. Hầu hết bệnh nhân nhập viện là điều trị triệu chứng giảm đau ở giai đoạn cuối mà chưa qua bất kỳ một phương pháp điều trị Tây y nào, tiên lượng sống chỉ tính từng ngày.

ThS Trần Anh Tuấn, Khoa Ngoại, Bệnh viện K cho biết, UTG là một trong những bệnh hay gặp hàng đầu, trên thế giới, đứng thứ 3 trong các ung thư ở nam giới, đứng thứ 6 ở nữ giới. Việt Nam nằm trong số các nước mắc bệnh cao nhất thế giới, đặc biệt ngày càng gia tăng và xuất hiện cả ở người trẻ.

Trước đây, bệnh thường gặp ở người 50 - 60 tuổi, hiện gặp ở cả lứa tuổi 20 - 30. Điều đáng nói là hầu hết bệnh nhân đi khám trong tình trạng muộn, rất ít người còn cơ hội nhập viện cứu chữa (chưa đến 1/3), hầu hết được trả về hoặc chỉ còn điều trị triệu chứng giúp giảm đau.

ThS Đoàn Lực thăm khám cho bệnh nhân Duy Thị Bích H.

Tiên lượng sống trung bình 6 tháng

ThS Đoàn Lực cho biết, thủ phạm chính gây nên bệnh UTG là virus viêm gan B, C. Nghiên cứu cho thấy, người nhiễm viêm gan B có nguy cơ cao gấp 200 lần so với người không bị nhiễm loại virus này. Ở Việt Nam có tới xấp xỉ 20% dân số  nhiễm virus viêm gan B nên tỷ lệ mắc ung thư rất cao. Trên 70% người UTG đều kèm theo xơ gan. Nghiện rượu, bia là nguyên nhân thường gặp dẫn đến xơ gan, từ đó gây UTG hoặc rượu trực tiếp dẫn đến UTG. Ngoài ra, ăn thực phẩm bị nấm mốc cũng là nguyên nhân gây bệnh.

ThS Trần Anh Tuấn cho biết, UTG là bệnh trầm trọng, diễn biến nhanh, khó chữa, tiên lượng rất xấu, trong khi đó bệnh ở giai đoạn sớm hầu như không có triệu chứng, khi phát hiện ra thì bệnh đã ở giai đoạn muộn. Chẳng hạn, đau bụng vùng hạ sườn trái là triệu chứng thường gặp nhất của bệnh thì là do khối u đã lớn.

Hoặc triệu chứng khởi đầu cũng thường gặp là trên các bệnh nhân xơ gan đột ngột xuất hiện biến chứng (cổ chướng, vàng da, xuất huyết tiêu hoá do giãn vỡ tĩnh mạch thực quản), do u lớn. Có khi người bệnh nhiễm virus viêm gan B, C, nghiện rượu, nhiễm độc aflatoxin B1 từ vài năm đến vài chục năm, nhưng khi xuất hiện ung thư thì tiến triển rất nhanh gây di căn hạch, di căn phổi, di căn ổ bụng, tuyến thượng thận và xương...

Điều trị bệnh nhân UTG tuỳ thuộc vào giai đoạn của ung thư và tình trạng sức khoẻ chung của bệnh nhân. Đối với những trường hợp có khối u nhỏ đơn độc, chức năng gan còn tốt, phương pháp điều trị chủ yếu là phẫu thuật cắt bỏ khối u. Tuy nhiên, hầu hết những bệnh nhân UTG cũng bị xơ gan và không thể cắt bỏ khối u được. Các phương pháp điều trị khác như tiêm cồn, hoá chất động mạch gan... cho kết quả rất hạn chế. Vì vậy, thời gian sống trung bình từ khi phát hiện khoảng 6 tháng. Chỉ có khoảng 1 % người UTG có nguy cơ sống sót sau 5 năm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại