Đây là kết quả nghiên cứu của nhóm chuyên gia trường Y khoa Saint Louis thuộc Đại học Washington (Mỹ) được công bố trên Tạp chí Dược phẩm New England số ra ngày 31/1.
Các chuyên gia đã tiến hành nghiên cứu hơn 2.700 trẻ em Malauy, ở độ tuổi từ 5-6 tháng tuổi, được chuẩn đoán suy dinh dưỡng nặng. Những trẻ này đều được cung cấp một chế độ ăn nhiều chất dinh dưỡng, với thành phần chủ yếu là đậu phộng.
Tuy nhiên, các nhà khoa học đã chia số trẻ em này thành ba nhóm ngẫu nhiên, hai nhóm được thêm vào khẩu phần ăn một trong hai loại thuốc kháng sinh là amoxicillin và cefdinir, nhóm còn lại chỉ dùng một loại thuốc an thần.
Ảnh minh họa. (Nguồn: npr.org)
Kết quả cho thấy liệu pháp điều trị nói trên có hiệu quả với hầu hết các bệnh nhân (khoảng 85%) sử dụng bất kể thuốc kháng sinh nào.
Tỷ lệ hồi phục sau điều trị bệnh ở những trẻ thuộc hai nhóm uống thuốc kháng sinh cao hơn nhiều so với nhóm còn lại, trong khi tỷ lệ điều trị thất bại và tỷ lệ tử vong ở hai nhóm này cũng giảm từ 25-45% so với nhóm sử dụng thuốc an thần.
Trước đó một ngày, nhóm chuyên gia nói trên cũng cho công bố một công trình nghiên cứu khoa học, theo đó kết luận chế độ ăn uống thiếu dưỡng chất không phải là nguyên nhân duy nhất dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng nặng.
Theo nghiên cứu, sự khác nhau của các vi khuẩn trong đường ruột cũng là một nguyên nhân khiến một số trẻ em dễ bị suy dinh dưỡng hơn khi bị đói.
Các nhà nghiên cứu đi đến kết luận trên sau khi theo dõi gần 400 cặp trẻ sinh đôi trong ba năm đầu đời, đặc biệt là các trường hợp một trong hai đứa trẻ mắc bệnh suy dinh dưỡng, đi kèm các triệu chứng chướng bụng, tổn thương gan, lở loét, biếng ăn và bị suy kiệt.
Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), trên thế giới, cứ mỗi 3,6 giây lại có thêm một người chết vì đói, trong đó chủ yếu là trẻ em dưới năm tuổi. Khoảng 300 triệu trẻ em đi ngủ ôm bụng đói mỗi ngày, trong đó chỉ có 8% là nạn nhân của nạn đói hoặc các những trường hợp khẩn cấp khác, còn lại là do tình trạng suy dinh dưỡng kéo dài.