Hàn the là hóa chất có tên khoa học là Borat natri, kết tinh dưới dạng tinh thể màu trắng. Khi hòa tan trong nước, hàn the trở thành chất không màu, không mùi, không vị. Vì thế, người tiêu dùng chọn mua thực phẩm không thể nào phát hiện được đâu là thực phẩm đã bị ướp hàn the.
Do có tính năng giữ thực phẩm tươi lâu, làm chậm quá trình phân rã, nhất là làm cho thực phẩm trở nên giòn, dai, nên hàn the đang được những người buôn bán sử dụng như một chất không thể thiếu trong việc bảo quản thực phẩm.
Giò, chả, thịt, cá... chứa hàn the
Hầu hết các bà nội trợ, khi đi chợ bao giờ cũng thích mua thịt cá thật tươi, thật ngon mắt. Nắm bắt thị hiếu này của người tiêu dùng, những người buôn bán thịt, cá có thể do không hiểu biết về tác hại của việc sử dụng hàn the trong bảo quản thực phẩm, hoặc biết nhưng vì lợi nhuận nên đã sử dụng hàn the.
Hàn the là chất độc hại nhưng trong quá trình sản xuất, người kinh doanh vẫn cho vào sản phẩm.
Theo bác sĩ Nguyễn Xuân Mai, Viện Vệ sinh y tế công cộng cho biết: Các loại tôm, cá, thịt tươi bày bán ở các chợ hiện nay được phơi nắng, phơi gió suốt cả ngày mà vẫn giữ màu tươi nguyên chính nhờ "kỹ thuật bảo quản" như tẩm ướp hóa chất độc hại (hàn the).
Hàn the cũng được tìm thấy trong gần 70% các sản phẩm giò sống, chả lụa, mì sợi bán trên các xe bánh mì, quán mì, bánh cuốn, quán ăn uống bình dân và 50% sản phẩm tại các cơ sở sản xuất. Hàn the còn có trong các loại bánh giò, phu thê, da lợn, bánh đúc...
Điều đáng ngại là có tới 80% sản phẩm có chứa hàn the không có địa chỉ nơi sản xuất, hầu hết được bày bán trôi nổi ở khắp các chợ, vỉa hè, ngõ hẻm, khu dân cư.
Theo Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, kết quả những mẫu thử hàn the do cơ quan này tiến hành cho thấy: Nếu như năm 2004 lượng hàn the cho vào thực phẩm trung bình khoảng 1.000 - 2.000 mg/kg thì năm 2006 con số này lên đến hơn 3.000 mg/kg.
Suy gan, tử vong... vì thực phẩm chứa hàn the
ThS. Lê Quốc Thịnh, Trưởng khoa Dược, Bệnh viện T.Ư 71 Thanh Hóa cho biết: Hàn the có tính sát khuẩn nhưng rất độc. Khi vào cơ thể chỉ đào thải khoảng chừng 80% còn lại sẽ tích tụ trong người vĩnh viễn. Vì vậy, nếu sử dụng ít hàn the trong một thời gian dài cũng nguy hiểm như dùng nhiều hàn the trong một lần.
Hàn the làm tổn thương các tế bào gan, teo tinh hoàn và là một trong những tác nhân gây ung thư.
Triệu chứng dễ nhận biết là rối loạn tiêu hóa, chán ăn, mệt mỏi khó chịu. Với trẻ em sẽ gây suy dinh dưỡng, chậm phát triển trí não. Ngoài ra, hàn the còn làm tổn thương các tế bào gan, teo tinh hoàn và là một trong những tác nhân gây ung thư.
Một lượng hàn the rất thấp (khoảng 5 gr trở lên) có thể gây ngộ độc cho người sử dụng, thậm chí dẫn đến tử vong khi nồng độ cao hơn.
Tuy nhiên, trong quá trình muối ướp của người buôn bán thì lượng hàn the trong thực phẩm thường không đủ cao nên ít gây ra ngộ độc cấp tính, mà nó sẽ gây tình trạng ngộ độc mãn tính với số lượng mỗi ngày đưa vào cơ thể một ít, cơ thể tích tụ dần dần khó mà hay biết.
Hàn the khi vào cơ thể sẽ tích tụ ở gan, rất khó bị đào thải ra ngoài; khi tích tụ số lượng đủ lớn chúng sẽ bộc phát ra ngoài gây bệnh mạn tính. Trong cơ thể người, hàn the gây nên những tác động xấu làm ảnh hưởng đến chức năng hoạt động của thận, gan, gây biếng ăn, suy nhược cơ thể...
Hàn the là một hóa chất không nằm trong danh mục các loại hóa chất phụ gia được Bộ Y tế cho phép sử dụng trong việc bảo quản và chế biến thực phẩm. Người buôn bán cần biết, không nên sử dụng hàn the để ướp thực phẩm nhằm tránh gây tổn hại sức khỏe người sử dụng.