Mới đây, Khoa Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Saint Paul, Hà Nội) tiếp nhận bệnh nhi nữ 14 tuổi sốt cao, VCT nặng, và tử vong sau đó. Bác sĩ Trần Đắc Đại, Trưởng Khoa Tim trẻ em (Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E), cho biết, những dấu hiệu VCT lúc mới xuất hiện rất mơ hồ, khiến dễ chẩn đoán nhầm sang các bệnh khác như cảm cúm, sốt virus hoặc bị bỏ qua. Hậu quả là những trường hợp này khi nhập viện bệnh đã rất nặng, nhiều ca tử vong.
Tình trạng VCT trầm trọng làm tác dụng bơm của tim yếu đi, và không thể đẩy máu giàu oxy cho các bộ phận của cơ thể. Chưa thể thống kê được chính xác số bệnh nhân VCT vì có nhiều trường hợp bị nhẹ và tự khỏi, chính bệnh nhân cũng không nhận thấy. Thêm nữa, tùy tình trạng nhiễm virus mà mỗi người có thể có các triệu chứng khác nhau.
Bác sĩ Đại cho biết, khi vào cơ thể, virus sẽ làm tổn thương tế bào cơ tim, làm giảm sức co bóp cơ tim, dẫn đến trụy mạch, khiến tim giãn to, cơ tim co bóp rất yếu, men tim tăng, do các tế bào cơ tim bị hủy hoại phóng thích.
Phần lớn bệnh nhi chỉ được các bác sĩ phát hiện và cho nhập viện khi đã rối loạn nhịp tim, suy tuần hoàn, trụy mạch bởi dấu hiệu nhận biết bệnh thường trùng với bệnh cảm, ho thông thường.
Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo, khi thấy trẻ có những triệu chứng hô hấp trước đó như sốt, ho, sổ mũi, khò khè, hoặc triệu chứng về tiêu hoá như nôn, tiêu chảy hoặc trẻ nhỏ quấy khóc, bỏ bú hoặc bú kém..., không nên chủ quan. Đặc biệt khi thấy trẻ có các biểu hiện tím tái, thở mệt, tay chân lạnh, cần đưa đến bệnh viện để được khám và điều trị kịp thời.
VCT do vi khuẩn hoặc virus gây ra, trong đó phải kể đến những thủ phạm hàng đầu như Enteroviruses, Echoviruses, Adenoviruses, Herpes simplex, quai bị, sởi, rubella. Bệnh do siêu vi gây ra nên chỉ điều trị triệu chứng, điều trị hỗ trợ và theo dõi các biến chứng để điều trị kịp thời. Nhiều vi khuẩn có thể gây VCT, trong đó có tụ cầu, liên cầu, vi khuẩn gây bệnh bạch hầu...
Theo bác sĩ Đại, để hạn chế nguy cơ trẻ mắc bệnh, cần tập cho trẻ thói quen rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh hoặc tránh tiếp xúc người mắc bệnh về đường hô hấp hay tiêu hoá.
Ngoài ra, cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho trẻ với đầy đủ vitamin và khoáng chất để tăng cường sức đề kháng cho trẻ. Đặc biệt, cha mẹ cần tiêm phòng các bệnh bạch hầu, cúm, Rubella, quai bị…
VCT thường xảy ra ở trẻ 2 -10 tuổi, tuy nhiên, trẻ dưới 24 tháng dễ mắc bệnh hơn do đề kháng còn yếu. Trẻ sơ sinh bị VCT thường có các biểu hiện như sốt, suy tim nặng, suy hô hấp, trẻ tím tái, mạch yếu, tim đập nhanh, hở van 2 lá do vòng van bị giãn rộng, nhiễm toan và sốc.