Điều đặc biệt, ngân hàng này được thành lập và đi vào hoạt động trong những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước.
Dù còn rất thô sơ và chỉ hoạt động trong vòng 6 năm song nó đã góp phần rất lớn vào việc chữa trị cho hàng chục bệnh nhân.
GS.TSKH Nguyễn Văn Nhân, nguyên là Trưởng khoa Chấn thương, Bệnh viện Quân y 108 là người thành lập "ngân hàng xương" này. Dù đã bước vào tuổi 89, bị chứng tai biến mạch máu não 5 năm nay, phải nằm một chỗ song ký ức về "ngân hàng xương" vẫn in sâu trong tâm trí ông.
Xin tủ lạnh đựng thực phẩm làm "ngân hàng xương"
"Thời điểm những năm 50 - 60 của thế kỷ trước, trên thế giới đã xuất hiện nhiều "ngân hàng xương". Trong thời gian học tập ở Liên Xô cũ, tôi đã đến tham quan các ngân hàng này ở Lêningrat, Mát-xcơ-va và tìm hiểu về nó. Tuy nhiên, tình hình nước ta khó khăn, điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn nên chưa thể thành lập ngân hàng này ngay được", ông kể.
Về nước, ông Nhân công tác tại Khoa Chấn thương, Viện Quân y 108. Ý tưởng về một "ngân hàng xương" vẫn luôn thôi thúc ông, bởi "chứng kiến những ca bệnh phải cắt bỏ một mảnh xương nào đó mà không có xương thay thế khiến họ bị tật vĩnh viễn, làm bác sĩ sao mình không buồn, không thương cảm được", ông chia sẻ.
Một lần tình cờ, ấy là vào khoảng tháng 2/1962, ông Nhân biết bệnh viện được cấp một chiếc tủ lạnh dùng để lưu trữ thực phẩm chế biến thức ăn cho bệnh nhân. Ông đã đề xuất được sử dụng chiếc tủ lạnh đó vào việc bảo quản, duy trì hoạt động của "ngân hàng xương" đầu tiên ở Việt Nam. Đề xuất của ông nhanh chóng được chấp thuận.
GS Nguyễn Văn Nhân trong chuyến thăm hai bệnh nhân Lê Hoành Tân và Nguyễn Công Lâm tại Thanh Hóa năm 1992 (Anh Lê Hoành Tân (bên trái), GS Nhân, thứ hai từ phải sang và anh Nguyễn Công Lâm, ngoài cùng bên phải).
Lấy xương từ những tử thi không người nhận
Có được chiếc tủ lạnh là nhân tố đầu tiên đảm bảo cho sự hoạt động của "ngân hàng xương", song lấy xương từ nguồn nào cũng phải được tính toán cho thấu đáo.
Ông Nhân cho biết, yêu cầu của xương dự trữ phải của người khoẻ mạnh, không bị mắc các bệnh truyền nhiễm. Sau khi bàn bạc, xin ý kiến lãnh đạo, ông Nhân cùng các đồng nghiệp quyết định sẽ lấy xương từ những tử thi là bộ đội mà không có người thân đến nhận.
"Ngày ấy, bộ đội ta làm rất tốt công tác kiểm tra sức khoẻ. Do đó, khi có trường hợp hy sinh mà không có người nhà đến nhận, chỉ cần dựa vào cuốn sổ theo dõi sức khoẻ, các bác sĩ có thể tin tưởng vào nguồn xương ở tử thi định lấy", ông kể.
Thông thường, xương được chọn là xương tay, xương chân và xương chậu vì dễ thao tác hơn trong điều kiện dụng cụ còn thô sơ. Việc mổ lấy xương của tử thi cũng lắm công phu. "Tử thi khi mang về bệnh viện phải đảm bảo mất chưa đầy 6 tiếng. Chúng tôi sẽ phải tắm cho tử thi bằng xà phòng để sát trùng sơ bộ. Khi xác định được chỗ nào cần lấy xương sẽ tiến hành khử trùng.
Nói chung, mổ lấy xương tử thi vẫn phải tiến hành trong điều kiện vô trùng như khi mổ cho người sống. Chúng tôi cũng phải ghi lại chi tiết các ca mổ lấy xương, các ca ghép xương để tiện theo dõi. Sau khi mổ xong, xương sẽ được cho vào các chai, lọ vô trùng và bảo quản trong tủ lạnh ở mức -25 độ C. Vì thế còn gọi nguồn xương này là xương vô trùng", GS Nhân cho hay.
Với điều kiện bảo quản như thế, ông Nhân tin tưởng xương sẽ được dự trữ tối đa khoảng 2 năm. Cơ hội điều trị cho hàng chục bệnh nhân mắc bệnh về xương cần phải thay thế đang rộng mở.
Từng đổ xương vì mất điện
Tuy nhiên, tình hình miền Bắc trong giai đoạn này rất khó khăn, nguồn điện không ổn định. "Không dưới ba lần, chúng tôi phải đổ xương đi vì mất điện", GS Nhân nhẩm tính. Rồi ông tiếp lời: "Mỗi lần như thế, tôi tiếc lắm. Bao nhiêu công sức của mình và đồng nghiệp chôn cùng những mảnh xương. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều bệnh nhân không có cơ hội ghép xương nếu cần ngay. Vì tìm được tử thi để lấy xương đâu có dễ, thi thoảng mới có một trường hợp thôi".
Việc ghép xương tử thi cho bệnh nhân cũng được "giữ bí mật" bằng một tên gọi khác là "ghép xương đồng loại", vì "với văn hóa Á Đông thì việc này khá nhạy cảm. Có thể nhiều người sẽ sợ, trong khi đó với khoa học thì điều đó hoàn toàn bình thường", ông Nhân cho biết thêm.
Mặc dù xương được bảo quản trong điều kiện vô trùng và đủ lạnh song cũng có trường hợp ghép xương không thành công, bị mưng mủ. "Những trường hợp ấy phải phẫu thuật ghép lại. Tuy nhiên, số đó không nhiều", ông khẳng định.
Đến bây giờ, ông Nhân không thể nhớ mình cùng đồng nghiệp đã mổ bao nhiêu tử thi để lấy xương cũng như không thể nhớ đã cấy ghép cho bao nhiêu người vì "lâu quá rồi, cũng nhiều quá mà không thể nhớ nổi".
Duy chỉ có hai ca mà ông vẫn nhớ cả họ tên bệnh nhân cũng như tình trạng sức khoẻ của họ. "Đó là trường hợp của anh Lê Hoành Tân ở thôn Đồng Bào, xã Thiệu Minh, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa, được ghép xương đùi, thay khớp háng năm 1964. Sau đó, đến năm 1968, chúng tôi lại tiếp tục ghép xương cho bệnh nhân Nguyễn Công Lâm, họ hàng với bệnh nhân Tân. Bây giờ, thi thoảng người nhà của cậu Tân vẫn gọi điện ra hỏi thăm sức khoẻ của tôi", ông cười bảo.
Tháng 8/1968, do điều kiện chiến tranh ngày càng ác liệt, nguồn điện bị cắt thường xuyên nên "ngân hàng xương" phải ngừng hoạt động. Trong vòng 6 năm, Khoa Chấn thương, Viện Quân y 108 đã sử dụng 264 miếng ghép từ ngân hàng này để thực hiện 167 ổ ghép trên 148 trường hợp bệnh nhân. Trong đó có 146/167 ổ ghép diễn biến bình thường. Bên cạnh đó, ngân hàng còn cung cấp xương cho Bệnh viện Việt Đức khi cần.
Mặc dù chỉ tồn tại trong thời gian ngắn song theo GS Nguyễn Văn Nhân, việc duy trì một "ngân hàng xương" này thực sự có ý nghĩa trong điều kiện đất nước có chiến tranh, trang thiết bị thô sơ. Tôi tin, đó còn là một kỳ tích được viết lên từ tinh thần lao động nghiêm túc, hăng say, hết lòng vì bệnh nhân của GS Nhân cùng các đồng nghiệp trong Khoa Chấn thương, Viện Quân y 108.