Sự bất an không chỉ làm tăng hàm lượng hormone stress cortisol trong cơ thể mà còn khiến cơ thể kém hiệu quả hơn trong cuộc chiến chống bệnh tật.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học bang Ohio (Mỹ) đã tiến hành kiểm tra những tác động tới sức khỏe của tình trạng “lo sợ bị bỏ rơi” trong quan hệ tình cảm của 85 cặp đôi đã kết hôn được trung bình hơn 12 năm.
Những người “lo sợ bị bỏ rơi” luôn tìm kiếm sự tái khẳng định của bạn tình rằng họ vẫn đang được yêu và hấp dẫn trong mắt người kia. Ngoài ra, đây cũng là đối tượng luôn huyễn hoặc những sự kiện mơ hồ trong tình cảm theo chiều hướng tiêu cực.
Ảnh minh họa.
Trong khảo sát, các cặp đôi được yêu cầu trả lời bảng câu hỏi khảo sát về mối quan hệ của họ, đồng thời tiến hành lấy mẫu máu và nước bọt để kiểm tra hàm lượng hormone stress và một số tế bào trong hệ miễn dịch.
Các thành viên cũng cung cấp thông tin về những triệu chứng lo lắng họ thường gặp phải và chất lượng giấc ngủ của từng người.
Kết quả cho thấy những người rơi vào tình trạng “lo sợ bị bỏ rơi” có hàm lượng hormone stress cortisol trung bình cao hơn 11% so với những người không gặp phải tình trạng này.
Cũng theo nghiên cứu, khả năng chống các bệnh nhiễm trùng ở nhóm những người bất an trong tình cảm kém hơn nhóm còn lại do số lượng tế bào T trong hệ miễn dịch thấp hơn 22%.
Một số các nhà khoa học tin rằng cảm giác lo sợ bị bỏ rơi bắt nguồn từ một sự trải nghiệm khi còn nhỏ, tuy nhiên, Lisa Jaremka, tác giả nghiên cứu cho biết cảm giác này có thể được khắc chế theo thời gian.