1. Lên kế hoạch cho công việc
Để dư âm Tết không kéo dài và thích ứng ngay với công việc, loại trừ các nguy cơ gây stress bệnh lý, mỗi người cần có một kế hoạch để thích ứng ngay với công việc. Hãy kiểm tra lại các dự định phải làm và những việc chưa làm được trước Tết để lên kế hoạch cho thời gian tới. Nếu bạn có quá nhiều việc tồn đọng cần giải quyết cũng đừng vì thế mà vội vã hoặc nôn nóng bởi sẽ càng tăng stress, giảm hiệu suất công việc.
Hãy giải quyết dần từng việc và nhớ sắp xếp thời gian nghỉ ngơi, thư giãn xen kẽ lúc căng thẳng hoặc mệt mỏi, nhất là vào buổi trưa.
2. Vận động thân thể
Cách giữ gìn sức khỏe và chống stress lâu dài là vận động thân thể, chỉ 10 phút vận động mạnh đủ giải phóng năng lượng và làm điều hòa hoạt động nội tiết để giúp cân bằng tâm lý. Đối với người già hoặc người có bệnh tim mạch, vận động nhẹ, đi bộ, thực hành một vài động tác co giãn tối đa của yoga sẽ thích hợp hơn.
3. Uống đủ nước mỗi ngày
Mỗi ngày bạn nên cung cấp đủ cho cơ thể mình 1,5 lít nước. Theo BS Hoàng Xuân Đại, nguyên BS Viện Quân y 103 khuyên nên uống nước hoạt tính hoặc nước tinh khiết chứa đại lượng ô xy, có thể nhanh chóng giải tỏa cảm giác mệt mỏi trong cơ thể.
Sau bữa ăn sáng, bạn có thể uống một tách cà phê hoặc một tách trà sẽ giúp hưng phấn hệ thần kinh trung ương, tạo sự tỉnh táo và đầy phấn khích để bắt đầu lại công việc. Tác dụng của cà phê thường mạnh hơn trà, vì vậy chỉ nên uống một tách vào buổi sáng để tạo cảm giác hưng phấn, không nên uống nhiều sẽ có hại cho sức khỏe.
Một tách cà phê vào sáng sớm cho tinh thần hưng phấn
4. Không bỏ bữa sáng
Theo BS Ngọc Phái, nguyên BS Viện 103, để nhanh phục hồi sức khỏe, năng lượng và giảm mỏi mệt, nên giữ thói quen ăn sáng no và đầy đủ chất, uống nước nhiều. Nếu ăn nhiều, ăn no sinh khó tiêu, đầy bụng hãy uống nước hãm của hoa cúc cam, hoa atiso, húng tây, thìa là… giúp đẩy nhanh quá trình tiêu hóa. Hoặc dùng túi chườm (khăn bông nhúng vào nước nóng vắt kiệt) đắp lên ngực 30 phút sẽ dễ chịu.
5. Ngủ đúng giờ, đủ giấc
Theo BS Nguyễn Thị Bình, Khoa thần kinh, Viện Lão khoa TƯ, những ngày nghỉ, ngày lễ nhiều gia đình, đặc biệt là giới trẻ sẽ ăn uống thất thường, chơi thâu đêm suốt sáng. Thức khuya, chơi đêm sẽ làm đảo lộn đồng hồ sinh học, cơ thể mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt,…Do đó ngủ đúng giờ, đủ giấc sẽ hồi phục sức lực nhanh cho ngày làm việc mới.
6. Tránh ăn vặt, bỏ bữa
Theo BS Phạm Thị Thu, Bệnh viện Tràng An (Hà Nội), sau Tết bạn bè đồng nghiệp ở quê lên thường hay tụ tập nhậu nhẹt và sau ăn nhậu bạn lại rơi vào tình trạng ăn uống thất thường. Để cân bằng lại hoạt động cơ thể, hãy ăn uống khoa học, tránh ăn vặt hay bỏ bữa, không làm việc trong khi ăn. Ưu tiên các món ăn giàu chất xơ (rau xanh, hoa quả cần mỗi ngày 30g). Cần bổ sung vào chế độ ăn uống các loại ngũ cốc, các sản phẩm chứa men vi sinh vật như men sống hay sữa chua và uống đủ 1,5 lít nước/ngày.
7. Món ngon nhẹ bụng
Trong bữa ăn, bạn nên dùng các món canh giàu dinh dưỡng và dễ tiêu, dễ làm như: Canh nấm mèo thịt nạc, rau hẹ; canh đại táo; canh thịt giá củ năng,…
Một số loại cháo rất tốt sau Tết là: Cháo tỏi, cháo gừng, cháo bột ngô, cháo bát bảo,… giúp cơ thể linh hoạt nhẹ nhàng, kiện tì vị, làm ấm cơ thể, chữa tiêu chảy, người mệt mỏi.
Những món ăn giúp đủ chất mà hệ tiêu hóa không bị làm việc quá sức là thực phẩm nhiều chất xơ như đậu xanh, đậu đỏ, đậu que, đậu đũa, đậu Hà Lan, măng tre, giá, bắp cải, cà rốt, su hào, nấm... hạn chế sự hấp thu và kéo các chất béo ra khỏi cơ thể. Các gia vị hành, tỏi, nghệ, mùi tây, húng quế... giúp nâng cao hiệu quả của các vitamin nhóm B, tăng cường chuyển hóa và giảm béo bệu. Cá, rong biển, ốc, hến giúp dễ tiêu và không làm tăng thêm lượng calo cho cơ thể.