Ở Uddanam (Ấn Độ), ông Laxmi Narayna có thân hình ốm nhẳng cũng đang đối mặt với căn bệnh hiểm nghèo này... Đây là 2 trong số rất nhiều người lao động ở các quốc gia Sri Lanka, Ấn Độ và Nicaragua cùng đối mặt với một bí ẩn chết người: thận của họ bị hư mà không tìm được nguyên nhân. Đây là một dạng bệnh thận mạn tính bí ẩn (gọi tắt là CKD) đang gieo hoang mang cho hàng ngàn người.
Nông dân thế giới hoang mang vì căn bệnh CKD
Dịch bệnh thận kỳ lạ có cùng những mẫu số chung: đa phần nạn nhân đều còn trẻ và hầu hết làm nghề nông, vài người trong số đó mắc bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp. Họ đang hứng chịu một dạng tổn thương thận khá hiếm gặp, còn gọi là bệnh Tubulo kẽ, thể hiện ở việc mất nước nghiêm trọng và ngộ độc.
Dịch bệnh xảy ra trên những khu vực địa lý thường là đất đai màu mỡ và tiết trời oi ả. Nạn nhân chủ yếu là lao động thủ công nặng nhọc và thiếu thốn về chăm sóc y tế. Thuốc trừ sâu được sử dụng quá mức và cả cộng đồng cùng uống chung mạch nước ngầm. Mặc dù mất cả một thập kỷ nghiên cứu về những khu vực bị ảnh hưởng, song đến nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa thể chứng minh được liệu có một chất hóa học bị lỗi hay phương diện tiếp xúc nào đó khiến bệnh gia tăng.
Tại El Salvador, bệnh thận đã trở thành nguyên nhân thứ 2 gây nên cái chết ở nam giới trưởng thành. Các nhóm công nhân mắc bệnh từ các công ty lớn đệ trình việc được đền bù như là một dạng bệnh nghề nghiệp. Tại đồn điền mía Ingenio San Antonio, công nhân đã biểu tình suốt gần một thập kỷ. Họ cáo buộc các công ty rằng, thuốc trừ sâu và tình trạng vắt kiệt sức lao động là nguồn gốc hình thành nên bệnh.
Trong diễn biến khẩn cấp nhằm đối phó căn bệnh lạ, các chính phủ trong đó có Mỹ đang cung cấp các bảng cảnh báo về tỷ lệ tử vong của bệnh lạ. Dạng bệnh CKD mới đã không được chính thức công nhận ở châu Mỹ mặc dù căn bệnh thận đã giết khá nhiều người ở El Salvador và Nicaragua - hơn cả bệnh đái tháo đường, HIV/AIDS và bệnh bạch cầu theo ghi nhận trong vòng 5 năm qua.
Vì căn bệnh chưa được công nhận chính thức nên các nhà nghiên cứu không thể nói chính xác có bao nhiêu người bị mắc, nhưng tỷ lệ tử vong đã tăng lên hàng chục ngàn người. Hơn 16.000 đàn ông đã chết vì suy thận ở Trung Mỹ từ năm 2005 đến năm 2009 với tỷ lệ tử vong hàng năm tăng gấp 3 lần kể từ năm 1990.
Tại Sri Lanka, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thống kê, có ít nhất 8.000 người đã bị suy thận mạn tính mà không biết nguồn cơn, song thực tế, con số trên có thể tăng gấp đôi. Ở bang Andhra Pradesh của Ấn Độ, hơn 1.500 người đã bị bệnh kể từ năm 2007.
Đã tìm được nguyên nhân?
Các giới chức y tế thường hay đổ lỗi cho chế độ ăn uống không lành mạnh và lối sống là nguyên nhân tăng bệnh CKD ở các nước nghèo - các chẩn đoán đều bỏ qua khả năng bệnh nhân tiếp xúc với môi trường. Trong khi đó, hàng ngàn dân làng chết mỗi năm khiến người ta đặt ra nhiều hoài nghi và cần trả lời gấp.
Liệu hóa chất nông nghiệp có phải là nguồn cơn? Sự mất nước nghiêm trọng có thể là do các điều kiện làm việc nguy hiểm? Hay thủ phạm còn từ các nguyên nhân khác ở mỗi vùng? Trong một vùng nông thôn ở Nicaragua, nơi có nhiều đàn ông chết trong cộng đồng khiến người ta gọi nơi đó là “Đảo góa phụ”. Ở vùng Uddanam (Ấn Độ), đàn ông, đàn bà từ chối kết hôn vì sợ lây lan căn bệnh CKD.
Cuối cùng, vào tháng 6/2012, Bộ Y tế Sri Lanka và WHO đã công khai nói rằng các hóa chất là nguyên nhân gây nên CKD. Thủ phạm bao gồm: kim loại nặng cadmium và thạch tín, thông qua việc tiếp xúc qua chuỗi thức ăn. Cadmium và thạch tín là 2 chất độc ảnh hưởng tới sức khỏe con người bao gồm cả tổn thương thận. Cadmium thường hiện diện trong phân bón có phân lân, trong khi thạch tín đã được tìm thấy trong vài loại thuốc trừ sâu ở Sri Lanka và một số vùng ở Nam Á.
Một số bằng chứng cho thấy cadmium và thạch tín thường xuất hiện trong phân bón và thuốc trừ sâu, được tài trợ nhập khẩu bởi Chính phủ Sri Lanka. Ngành công nghiệp hóa chất nông nghiệp của Sri Lanka đang phản đối điều này, cho rằng sản phẩm của họ không có lỗi. Ông Rohitha Nanayakkara, Thư ký của Hội đồng kinh doanh nông nghiệp quốc gia Sri Lanka (SNAC), cho biết: “Chúng tôi có thể đảm bảo rằng các loại thuốc trừ sâu đã được sản xuất bởi nhiều công ty quốc tế và đa quốc gia, họ làm theo các hướng dẫn của WHO và FAO. Chúng tôi tin rằng, những sản phẩm này không gây nguy hại”.
Tháng 6/2011, trong cuộc họp nội bộ, tổ chức WHO đưa ra lời kêu gọi về các quy định mạnh hơn đối với “các hóa chất nông nghiệp gây ngộ độc thận” và cảnh báo rằng bất kỳ sự chậm trễ nào cũng có thể gây ra những “tác nhân độc trong môi trường, gây tổn hại sức khỏe đối với người dân đang sống ở những vùng bị ảnh hưởng”.
Ngân hàng thế giới đã chi ngân sách nghiên cứu cho Đại học Boston và “thủ phạm” được cho là chứng “trầm cảm do nhiệt” và “mất nước” là những nhân tố chính hình thành nên dịch bệnh. Các công nhân mía đường phải quần quật làm việc dưới ánh nắng gay gắt của mặt trời chẳng hạn như lái máy cắt mía, lại bị tổn thương thận nhiều hơn những nhóm việc khác. Tuy nhiên, những cuộc kiểm tra gần đây cho thấy ngay cả các thanh niên chưa từng ra đồng làm việc cũng mắc bệnh CKD mà không hề biết nguyên nhân.