Theo PGS-TS Trần Hậu Khang, bệnh “ghẻ cóc” là căn bệnh quá thông thường, bác sĩ nào cũng có thể loại trừ ngay từ đầu.
Việc tung tin thiếu cơ sở khoa học sẽ khiến người dân hoang mang thêm. Hiện Bộ Y tế đã ghi nhận 16 trường hợp bị nhiễm bệnh viêm da dày sừng tại Quảng Ngãi, trong đó 1 trường hợp tử vong.
Tại cuộc hội chẩn trực tuyến mới đây giữa bệnh viện Bạch Mai cùng 8 bệnh viện vệ tinh và bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi, các chuyên gia đã nhận định, bệnh viêm da dày sừng tại Quảng Ngãi có liên quan đến yếu tố thời tiết, gia tăng ca bệnh theo quy luật.
PGS-TS Phạm Duệ - Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, theo thống kê, cứ từ tháng 2 đến tháng 4 hàng năm là tỷ lệ người mắc bệnh viêm da dày sừng lại tăng lên.
Như vậy, bệnh có liên quan đến yếu tố thời tiết nóng ẩm. Theo TS Duệ, các ca mắc bệnh đều có liên quan nhiều đến yếu tố nhiễm độc.
Nghiên cứu của đoàn công tác Bộ Y tế và Bệnh viện Bạch Mai cho thấy, bà con dân tộc huyện Ba Tơ thường ăn gạo lúa ủ bị nấm mốc, khoảng 20% các mẫu gạo và ngũ cốc của bà con bị nhiễm nấm aspergillus, loại nấm sản sinh ra aflatoxin, độc tố có thể gây độc cho gan và làm tổn thương da.
Các chuyên gia cũng đã nghiên cứu bệnh án của một đôi vợ chồng người dân tộc H’rê, nhập viện đa khoa Quảng Ngãi với cùng các dấu hiệu giống nhau: Da vùng quanh móng tay, chân dày, bong vảy; da vùng rìa bàn tay, bàn chân và kẽ các ngón chân dày sừng, thâm đen, không ngứa, không đau, ở 2 gan bàn chân, tay, lòng bàn tay, chân cũng thâm đen, dày sừng.
Gia đình của hai vợ chồng này gồm 5 người và đều có truyền thống ăn gạo ủ.
Bác sĩ Đặng Thị Phượng - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi), cho biết: Trong 14 bệnh nhân mắc viêm da dày sừng trên địa bàn huyện, có 6 ca bệnh tái phát từ năm 2012. Qua khảo sát tập quán, thói quen và lối sống, nhiều hộ dân trong vùng vẫn dùng gạo từ lúa ủ hoặc gạo để quá lâu, sinh nấm mốc.
GS-TS Ngô Quý Châu - Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, nhấn mạnh, cần tiếp tục tuyên truyền để bà con phơi khô lúa trước khi bảo quản để tránh nấm mốc, không ăn gạo ủ và các loại ngũ cốc bị mốc. Đồng thời, nâng cao sức khỏe cho người dân, vệ sinh sạch sẽ, tăng cường dưỡng chất để người dân loại, nâng cao sức đề kháng cho người dân.