Làng ung thư Thạch Sơn, Lâm Thao, Phú Thọ
Thạch Sơn từ lâu đã trở thành làng ung thư nổi tiếng ở nước ta vì từ năm 1991 đến nay, xã Thạch Sơn có tới 106 người chết vì bệnh ung thư các loại như: ung thư gan, phổi, dạ dày, vòm họng. Hơn 70% gia đình ở đây đã có người chết vì ung thư. Trong đó có tới 19 gia đình có ít nhất 2 người chết vì bệnh này (vợ chồng, hoặc bố con, mẹ con), trong đó một số họ có hơn 3 người mất mạng do ung thư.
Vì số người chết và sự ra tăng không ngừng người bệnh ung thư, nên trạm y tế Thạch Sơn phải lập riêng một sổ theo dõi bệnh ung thư. Thống kê của Trạm y tế xã, từ năm 2007 đến năm 2010, cả xã có 58 người chết do ung thư.
Hàng trăm lò gạch xả khói gây hại môi trường tại xã Thạch Sơn, huyện Lâm Thao - Phú Thọ.
Cũng theo đại diện Trạm y tế xã Thạch Sơn, hiện cả xã có 35 người mắc ung thư, với đủ các loại ung thư như: phổi (9 người), tử cung (4 người), dạ dày (3 người), đại tràng (2 người), tuyến giáp (2 người), vòm họng (2 người), ung thư vú (2 người)... Phần lớn bệnh nhân bị ung thư ở độ tuổi 30 - 45.
Tại nơi được mệnh danh là làng ung thư này, không khí, đất, nước mặt, nước ngầm... đều ô nhiễm nặng nề bởi chất độc hóa học. Thậm chí cả mớ rau, con cá ở đây cũng nhiễm kim loại nặng và chất phóng xạ Thalium.
Thôn Cẩm Sơn, xã Bình Lãnh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam
Những thông tin về bệnh ung thư của thôn Cẩm Sơn chưa phải là phổ biến,nhưng đến nay những cái chết liên tiếp bất thường của nhiều người dân ở đây đang trở thành nỗi ám ảnh với nhiều người.
Cả thôn Cẩm Sơn có 165 hộ gia đình với 563 nhân khẩu. Trong vòng 20 năm trở lại đây, trong thôn đã có gần 30 người chết vì căn bệnh ung thư. Từ năm 2010 đến nay, số trường hợp tử vong tăng cao với hơn 10 người, hầu hết đều trẻ tuổi. Có người đang khỏe mạnh bỗng nhiên phát bệnh.
Chỉ trong hai năm 2011, 2012, thôn Cẩm Sơn (xã Bình Lãnh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) đã có 19 người chết vì bệnh ung thư.
Làng ung thư Mẫn Xá (Bắc Ninh)
Liên tiếp nhiều người chết do bệnh ung thư là cái giá phải trả cho sự ô nhiễm môi trường sống nghiêm trọng. Nghề đúc nhôm, chì ở làng Mẫn Xá xuất hiện cách đây gần nửa thế kỷ. Ban đầu người dân đúc xoong nồi, chụp đèn, nay chủ yếu là đúc thanh nhôm. Cũng nhờ nghề này mà nhiều hộ Mẫn Xá trở nên giàu có, nhiều nhà đã sắm được ô tô.
Nhưng cũng nhờ nghề này mà lượng xỉ than, bột nhôm thải được người dân đổ ra ruộng, ao khiến diện tích nông nghiệp dần thu hẹp, dòng sông Ngũ Huyện Khê gần như “chết”, các loại cá tôm không thể sống trong môi trường nước ô nhiễm nặng nề…
Những chất thải độc hại tràn lan đầu đường ngõ xóm đang giết người dân làng Mẫn Xá, Bắc Ninh từng ngày.
Không khí ở làng Mẫn Xá (Văn Môn, Yên phong, Bắc Ninh) hầu như lúc nào cũng đặc quánh khói, bụi nhôm… tỏa ra từ hàng trăm lò đúc nhôm nằm san sát khắp làng.
Kéo theo đó số người mắc bệnh ung thư và chết vì bệnh ung thư cũng tăng nhanh chóng. Những căn bệnh thường gặp nhất tại địa bàn là viêm đường hô hấp cấp, đường tiêu hóa, bệnh phổi... trong đó tỷ lệ ung thư phổi, gan là chủ yếu. Mỗi năm bình quân số bệnh nhân tử vong tại Văn Môn khoảng 30 người, trong đó có khoảng 20 người bị chết do ung thư.
Làng ung thư Phước Thiện (Quảng Ngãi)
Số người chết vì ung thư ở Phước Thiện trong mấy năm vừa qua khiến nhiều người rùng mình. Theo ông Tiêu Viết Thanh, trưởng thôn Phước Thiện, xã Bình Hải (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi), chỉ trong vòng 8 năm (kể từ năm 2000), tại thôn Phước Thiện đã có khoảng 80 người chết vì bệnh ung thư (chủ yếu là ung thư gan).
Hiện nay tại thôn cũng đang có nhiều trường hợp mắc bệnh ung thư như anh Võ Mười, Trương Chí Tâm, Trương Văn Thành,… Riêng ở quanh khu vực giếng Tre, xóm 2 đã có 9 người chết vì ung thư. Nhiều người dân nghi ngờ nguyên nhân dẫn đến ung thư là do nguồn nước của thôn bị ô nhiễm.
Bên cạnh đó cũng theo Ô. Thanh, thôn Phước Thiện có hơn 5.900 nhân khẩu thì hiện đã có trên 60% bị nhiễm viêm gan siêu vi B.
Người dân thôn Phước Thiện đang vô cùng hoảng loạn, sợ hãi trước tình trạng bệnh ung thư và viêm gan siêu vi B liên tục xảy ra và mong muốn cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ căn nguyên gây bệnh.
Xóm Đồn (thôn An Hòa, xã Tịnh Giang, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi)
Hàng chục năm nay, người dân xóm Đồn (thôn An Hòa, xã Tịnh Giang, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) sống thấp thỏm, âu lo khi trong xóm có quá nhiều người chết vì ung thư.
Dòng sông Nhuệ (ở Từ Châu) bị ô nhiễm nặng bởi rác và chất thải công nghiệp
Ông Trần Phước Hòa, chủ tịch UBND xã Tịnh Giang, nhẩm tính hơn hai thập niên nay, xóm Đồn có đến 41 người mắc bệnh ung thư gan, đại tràng, ung thư máu... trong lúc xóm chỉ có 90 hộ dân sinh sống. Từ năm 2006 đến nay đã có 17 người chết, riêng năm 2009 có 5 người chết vì căn bệnh quái ác này.
Theo người dân, xóm Đồn khan hiếm nước sạch, việc đào giếng rất tốn kém nên cả xóm chỉ đào được hai giếng dùng chung. Cách đây vài chục năm, một hợp tác xã (nay đã giải thể) xây dựng kho thuốc trừ sâu cách miệng giếng chỉ vài chục mét. Thời gian sau đó, xóm Đồn bắt đầu có người chết vì bệnh ung thư. Dân xóm Đồn nghi ngờ do thuốc trừ sâu ngấm vào lòng đất, ảnh hưởng đến nguồn nước, gây bệnh ung thư.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Thái - phó chủ tịch UBND huyện Sơn Tịnh - cho biết từ phản ảnh của người dân địa phương, bốn năm trước ngành y tế đã kiểm tra nguồn nước tại đây và khẳng định những người bị ung thư ở xóm Đồn không liên quan đến nguồn nước.
“Trước bức xúc của dân khi bệnh ung thư không thuyên giảm, huyện sẽ có văn bản kiến nghị tỉnh chỉ đạo ngành y tế kiểm tra, xét nghiệm tìm hiểu nguyên nhân khiến nhiều người dân xóm Đồn bị ung thư, trả lời cho dân rõ.”
Làng Từ Châu (Thanh Oai, Hà Nội)
Theo thống kê của ông trưởng thôn Từ Châu, chỉ tính riêng trong năm 2011, có 12/21 người chết vì ung thư ở làng Từ Châu (Thanh Oai, Hà Nội).
Trong 20 năm trở lại đây, làng có gần 100 người chết vì bệnh ung thư. Số người mắc ung thư đa phần là đàn ông và hầu hết đều chưa quá tuổi 60. Có gia đình bốn người thì hai bố con bị mắc ung thư. Lại có gia đình hai mẹ con chết vì căn bệnh quái ác này chỉ trong vòng chưa đầy hai năm.
Khủng khiếp hơn, trong cùng một dòng họ, có tới gần chục người đi xét nghiệm đều mắc ung thư. Và người dân Từ Châu bị “dính” hầu hết các loại bệnh ung thư “vô phương cứu chữa” như dạ dày, phổi, gan, vòm họng, xương…
Những người còn lại không đi khám, hoặc giấu bệnh nên không rõ nguyên nhân chết có phải do ung thư hay không. Thật khó có thể tưởng tượng những thống kê đau lòng ấy lại là về một làng ngoại thành Hà Nội, cách trung tâm Thủ đô chưa đầy 40 km.