Răng miệng - ổ nhiễm khuẩn của hàng tá bệnh
Thông tin trên được PGS.TS Trịnh Đình Hải, Chủ tịch Hội Răng Hàm Mặt Việt Nam, Giám đốc BV Răng Hàm Mặt Trung ương công bố tại buổi lễ hưởng ứng Ngày sức khỏe răng miệng Thế giới 2013.
Theo PGS.TS Hải, do các bệnh răng miệng có tỷ lệ người mắc cao tới trên 90% dân số cho nên việc diều trị cho cả cộng đồng là rất khó khăn, tốn kém và thực tế cho thấy không nước nào có thể đáp ứng được nhu cầu điều trị.
“Trên thực tế, ở Việt Nam có tới 50% chưa quan tâm đến đến vấn đề chăm sóc sức khỏe răng miệng. Chính vì thế dù tỷ lệ người dân mắc các bệnh về răng rất cao nhưng chỉ có một số ít được điều trị và chăm sóc đúng cách”, PGS.TS Trịnh Đình Hải nói.
Trong khi các bệnh răng miệng còn là các ổ nhiễm khuẩn tiềm tàng trong khoang miệng, là nguyên nhân gây ra các bệnh nội khoa toàn thân như viêm cầu thạn, viêm nội tâm mạc, viêm khớp, các bệnh đường tiêu hóa …
Chính vì thế theo PGS.TS Hải việc tăng cường hoạt động chăm sóc răng miệng cho trẻ em và cộng đồng có ý nghĩa rất quan trọng. Hiện Việt Nam đang triển khai các chương trình chăm sóc răng miệng tại cộng đồng như nha khoa học đường, dự phòng sâu răng cho cộng đồng với dự án đưa flour vào muối ăn cho cộng đồng …
Báo động tình trạng sâu răng sữa ở trẻ em
PGS.TS Trịnh Đình Hải còn cảnh báo, tình trạng sâu răng sữa ở trẻ em Việt Nam đang có xu hướng ngày càng tăng cao. Có những trẻ mới 3 tuổi đã bị sâu tới 6 cái răng sữa. Nguyên nhân của thực trạng trên là người lớn chưa thực hiện đúng cách chăm sóc răng miệng cho mình và cho con trẻ.
BS Phạm Như Hải, Trưởng khoa Răng, BV Việt Nam – Cu Ba (Hà Nội) cho biết, nhiều trẻ bị sâu răng sữa đến viện khám khi bác sĩ hỏi thì gần như 100% các bà mẹ không thực đúng việc chăm sóc răng miệng cho trẻ.
Theo BS Phạm Như Hải việc vệ sinh răng miệng cho bé phải được thực hiện thường xuyên và ngay từ lúc còn nhỏ. Với những bé chưa có hoặc mới nhú răng, chưa biết cách súc miệng và nhổ nước, các bà mẹ có thể chăm sóc răng miệng cho bé bằng cách cho bé uống nước để làm sạch miệng ngay sau ăn. Đồng thời trong ngày ít nhất 1 lần dùng gạc quấn đầu ngón tay nhúng vào nước sạch để lau lợi cho bé. Lưu ý phải lau cả 2 bề mặt trong và ngoài của lợi.
Khi bé phát triển đến tuổi biết nhổ nước, không nuốt kem đánh răng (thường là lúc 3 tuổi) các mẹ nên bắt đầu tập cho bé đánh răng. Bàn chải cho bé phải là bàn chải có lông mềm, cấu trúc và kích cỡ phù hợp với lứa tuổi của bé. Thuốc đánh răng phải không cay, hơi ngọt và có mùi thơm để tạo cảm giác thích thú cho bé khi đánh răng. Trẻ sau 6 tuổi có thể dùng các loại kem đánh răng của người lớn.
“Đánh răng đúng cách mới có tác dụng làm sạch răng và phòng ngừa các bệnh về răng miệng. Tuy nhiên, hầu hết người Việt Nam, kể cả người lớn và trẻ nhỏ mới chưa thực hiện đúng, đủ việc đánh răng đúng cách. Nhiều người tưởng chỉ cần đánh răng ít nhất 2 lần/ngày là đã chăm sóc tốt răng miệng. Trên thực tế, dù đánh răng nhiều lần nhưng nếu đánh không đúng cách thì vẫn có thể mắc các bệnh răng miệng”, BS Phạm Như Hải cảnh báo.
Do đó, các chuyên gia đưa ra lời khuyên về cách đánh răng đúng. Với mặt ngoài răng, nghiêng bàn chải để lông bàn chải ép nhẹ lên lợi và răng, rung nhẹ để lông chui vào kẽ răng và di chuyển hết mặt ngoài theo chiều lên và xuống. Với mặt trong răng, làm giống như mặt ngoài nhưng chú ý để bàn chải thẳng đứng và cũng di chuyển lên xuống. Với mặt nhai, để lông bàn chải thẳng đứng, chải ngang từng đoạn ngắn.
Bàn chải phải được cầm theo góc nghiêng 45 độ và đánh dọc theo đường viền cơ lợi. Tuyệt đối không được đánh răng quá mạnh vì các mảng bám rất mềm chỉ cần chải nhiều lần nhẹ nhàng là tan hết. Việc đánh răng quá mạnh có thể làm xước lợi, tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công gây viêm nhiễmkhông đánh răng quá mạnh. Ngoài ra, không đánh răng theo kiểu kéo ngang tới lui, vì sẽ làm răng bị bào mòn.