Cả Nga và Đức đều đối mặt với không ít sức ép từ nhiều bên về dự án gây tranh cãi này nhưng hai bên đều khẳng định cam kết sẽ hoàn thiện Dòng chảy phương Bắc 2.
Vì sao Dòng chảy phương Bắc 2 là một dự án quan trọng?
Đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 dài 1.230 km sẽ tăng gấp đôi công suất hệ thống đường ống dưới biển hiện tại từ các mỏ năng lượng của Nga tới châu Âu. Tập đoàn Gazprom là nhà điều hành dự án cùng với Royal Dutch Shell Plc và 4 nhà đầu tư khác đã đóng góp một nửa trong tổng số tiền đầu tư 9,5 tỷ euro (tương đương 11,6 tỷ USD). Ban đầu dự án được cho là sẽ hoàn thiện vào cuối năm 2019 nhưng việc này đã bị trì hoãn sau khi các lệnh trừng phạt của Mỹ buộc nhà thầu Thụy Sĩ Allseas Group SA phải rút các tàu lắp đặt đường ống khỏi dự án giữa bối cảnh Dòng chảy phương Bắc chỉ còn 160 km nữa sẽ hoàn thành. Khi Dòng chảy phương Bắc 2 bắt đầu được thi công lại, các tàu của Nga đã được triển khai để lắp đặt 2,6 km đường ống trong vùng đặc quyền kinh tế của Đức. Hồi tháng 1/2021, việc thi công đường ống cũng được nối lại ở Đan Mạch.
Đường ống dẫn khí trên cũng sẽ giúp Đức đảm bảo nguồn cung khí đốt với chi phí tương đối thấp giữa bối cảnh việc sản xuất ở châu Âu đang giảm dần. Đây cũng là một phần trong nỗ lực hàng thập kỷ của Gazprom để đa dạng hóa các lựa chọn xuất khẩu tới châu Âu khi khu vực này dần dịch chuyển khỏi việc sử dụng các nguồn năng lượng như than đá và hạt nhân. Trước khi Dòng chảy phương Bắc 1 hoạt động, Nga vận chuyển 2/3 lượng khí đốt xuất khẩu tới châu Âu qua hệ thống đường ống của Ukraine. Tuy nhiên, sau khi Liên Xô sụp đổ, mối quan hệ giữa Ukraine và Nga xấu đi khiến Gazprom gặp phải một vài gián đoạn. Cụ thể, những tranh cãi về giá cả đã khiến việc vận chuyển khí đốt từ Nga tới châu Âu qua hệ thống đường ống của Ukraine bị trì hoãn 13 ngày vào năm 2009.
Dòng chảy phương Bắc 2: Kết nối Nga – Đức nhưng chia rẽ châu Âu
Thủ tướng Đức Angela Merkel đứng trước sức ép từ các nghị sĩ Đức và phe đối lập về việc rút khỏi dự án này sau vụ nhân vật đối lập Nga Alexey Navalny bị đầu độc. Trong khi Đức chỉ trích quyết định bắt giữ ông Navalny vào giữa tháng 1/2021 khi người này quay lại Moscow thì chính quyền Thủ tướng Merkel vẫn kiên quyết bảo vệ lập trường liên quan đến Dòng chảy phương Bắc 2. Đường ống đi qua biển Baltic này cũng bị Ukraine, Ba Lan và Slovakia phản đối - những quốc gia nằm giữa Nga và Đức, vốn nhận được phí trung chuyển qua hệ thống đường ống đi qua lãnh thổ của họ. Dù vậy, những mối lo ngại này phần nào đã giảm bớt sau khi tập đoàn Gazprom đạt được một thỏa thuận tiếp tục trung chuyển khí đốt qua Ukraine ít nhất là cho tới năm 2024.
Cựu Tổng thống Donald Trump, với sự ủng hộ từ các thành viên trong Quốc hội Mỹ đã khẳng định trong thời gian ông đương nhiệm rằng Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ khiến châu Âu phụ thuộc lớn vào nguồn cung năng lượng từ Nga và cho rằng Đức sẽ bị Nga "nắm thóp". Hồi tháng 6/2020, một nhóm thượng nghị sĩ trong lưỡng đảng Mỹ đã đề xuất mở rộng lệnh trừng phạt nhằm chống lại Dòng chảy phương Bắc 2 nhắm đến các công ty bảo hiểm và các bên liên quan đến dự án này.
Chính quyền Tổng thống Biden đã xác nhận sẽ tiếp tục các lệnh trừng phạt nhằm vào các tàu lắp đặt đường ống Fortuna và KVT-RUS, các đối tượng từng bị Bộ Ngoại giao thông báo trừng phạt ngày 19/1, 1 ngày trước khi ông Trump rời nhiệm sở. Một bản báo cáo đã được gửi lên Quốc hội hôm 19/2 liệt kê 18 thực thể được miễn trừng phạt do không còn hoạt động trong Dòng chảy phương Bắc 2 nữa. Điều đáng chú ý là những thực thể này đều gồm các công ty của Đức và châu Âu. Đức muốn tiến hành một thỏa thuận với Mỹ để hoàn thiện dự án và đề xuất một cơ chế các quy định nhằm hạn chế khả năng của Nga trong việc thao túng thị trường năng lượng.
Nhà thầu của dự án Gazprom hy vọng 1 trong 2 đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ được hoàn thành cơ bản bản vào tháng 7 theo kế hoạch. Các thủ tục xác nhận tiêu chuẩn liên quan và các hoạt động giám sát, kiểm tra đường ống có thể khiến việc này kéo dài thêm 6 - 7 tuần. Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt của Mỹ nhắm vào Dòng chảy phương Bắc 2 có nguy cơ làm trì hoãn việc này. Trước nguy cơ trừng phạt, công ty xác nhận tiêu chuẩn của Na Uy là Det Norske Veritas AS đã rút khỏi dự án. Ngoài ra, tập đoàn Zurich Insurance Group AG của Thụy Sĩ và công ty Munich Re của Đức cùng dừng việc đánh giá rủi ro xây dựng của Dòng chảy phương Bắc 2.
Ukraine là bên thua cuộc rõ ràng trong dự án đường ống dẫn khí giữa Nga và Đức. Phần lớn lượng khí đốt từ Nga tới châu Âu được vận chuyển qua đường ống này. Tuy nhiên, nếu Dòng chảy phương Bắc 2 được hoàn thành và Nga giảm đáng kể lượng khí đốt đi qua Ukraine, Kiev sẽ tổn thất khoảng hơn 1 tỷ USD/năm.
Là một bên ủng hộ Ukraine, đây là chỉ là một trong số những sức ép mà Đức phải đối mặt trước nhiều lời kêu gọi rút khỏi dự án. Hầu như rất ít đồng minh của Đức ở châu Âu ủng hộ dự án này. Nhiều nước châu Âu thậm chí coi đây là minh chứng cho thấy thái độ "đạo đức giả" của Đức bởi trong khi Berlin yêu cầu các nước châu Âu khác tuân thủ các quy tắc của EU thì nước này lại "gạt sang bên" các quy tắc đó để hợp tác với Nga.
Vì sao Đức quyết không “buông” Dòng chảy phương Bắc 2?
Để giải thích cho việc quyết không từ bỏ dự án Dòng chảy phương Bắc 2, Đức cho biết dự án này sẽ cung cấp khí đốt để thay thế than đá và năng lượng hạt nhân, vốn là những nguồn năng lượng mà nước này đang loại bỏ theo từng giai đoạn. Thứ hai, Đức cho rằng việc mua khí đốt từ Nga sẽ tiết chế chính sách đối ngoại của Moscow qua các quy định cụ thể.
Theo Politico, trong những năm qua, Đức tiêu thụ từ 85 - 90 tỷ mét khối khí tự nhiên hàng năm. Nước này nhập khẩu 1/3 trong số đó từ Nga, 1/3 từ Na Uy, 30% từ Hà Lan và phần còn lại là nguồn tự sản xuất trong nước. Điều đó cho thấy việc có thêm 55 tỷ mét khối nguồn cung (công suất của Dòng chảy phương Bắc 2) là điều không cần thiết. Tuy nhiên, cả bản đồ khí đốt châu Âu và bản đồ năng lượng của Đức đều đang thay đổi nhanh chóng.
Hà Lan, nơi những mối lo ngại về môi trường đã gây ra làn sóng phản đối dữ dội với việc khai thác khí đốt, có kế hoạch sẽ dừng sản xuất vào năm 2030. Đức sẽ cần thay thế nguồn cung này giữa bối cảnh nước này cần nhiều khí đốt hơn cho việc sản xuất điện.
Trong khi Đức đang dần từ bỏ nguồn nhiên liệu hóa thạch như một phần trong sự dịch chuyển về nguồn năng lượng trong dài hạn thì quy trình này cần diễn ra dần dần và khí đốt vẫn là một thành phần quan trọng. Đức sản xuất được 1/2 sản lượng điện từ nguồn năng lượng có thể tái tạo và cần khí đốt như một giải pháp thay thế khi nguồn năng lượng từ gió và mặt trời không đáp ứng đủ.
Về trung hạn, có một lý do khác cho việc Đức cần nhiều chất đốt hơn, đó là nước này đang rút dần khỏi việc sử dụng năng lượng hạt nhân, vốn chiếm khoảng 14% việc sản xuất điện vào năm 2019 và than đá, vốn chiếm khoảng 30%. Đức có kế hoạch đóng cửa nhà máy điện hạt nhân cuối cùng vào năm 2022 và chấm dứt sản xuất điện từ than đá vào năm 2038./.