Ý là một quốc gia có bề dày lịch sử với các đế chế và nền văn minh cổ đại được xây dựng tầng tầng lớp lớp chồng lên nhau như những lát bánh gato. Những người nông dân tại đây trong lúc làm đồng vẫn thường đào được những cổ vật bằng gốm từ nền văn minh cổ Etrusca.
Các địa điểm khai quật nằm tại các thành phố cổ như Rome và những công trình xây dựng hiện đại hay hệ thống tàu điện ngầm cũng phải bị đình chỉ theo luật bảo vệ các di tích văn hóa lịch sử bên dưới lòng đất.
Người đàn ông đến từ Lecce, Ý vốn chỉ định mua lại một tòa nhà cũ, sửa sang nhẹ nhàng để mở một nhà hàng nhỏ. Tòa nhà được Luciano mua chỉ là một công trình cũ không có một chút gì đặc biệt.
Vấn đề duy nhất khiến cho ông lăn tăn chỉ là việc nhà vệ sinh luôn bị trào ngược nước lên, và ông quyết định bắt tay vào sửa chữa đầu tiên.
Luciano gọi hai người con trai lớn đến phụ giúp ông đào sâu xuống nền nhà để tìm xem đường ống nước hư hỏng ở chỗ nào. Có điều rằng ống nước đâu không thấy, gia đình ông Luciano lại phát hiện ra cả một kho báu lịch sử hàng thế kỷ của nước Ý.
“Càng đào xuống, chúng tôi lại phát hiện ra các dãy hành lang rồi các phòng khác nữa. Chúng tôi cứ tiếp tục đào mãi như vậy”, ông Luciano kể lại.
Cuộc tìm kiếm bắt đầu từ năm 2000, sau đó trở thành một hành trình khám phá kho báu bất tận của cả gia đình.
Họ đã tìm thấy cả một thế giới ngầm với niên đại xác định từ trước khi chúa Jesus được sinh ra bao gồm một ngôi mộ của người Messapii - một nhóm bộ tộc di cư từ Illyria (một khu vực ở
phía Tây bán đảo Balkan) vào khoảng năm 1.000 TCN, một kho thóc từ thời La Mã, một nhà nguyện Thánh Phanxicô, thậm chí là những bản khắc của các Hiệp sĩ dòng Đền…
Bước ngoặt lớn lao biến căn nhà hàng mơ ước của ông Luciano trở thành một bảo tàng lịch sử và là một trong những địa điểm tham quan đặc biệt khi đến Ý cho đến tận hôm nay.
Từ dự định sửa ống nước chỉ gói gọn trong khoảng một tuần, bố con nhà ông Luciano đã kéo dài công trình đào xới của mình đến hàng tháng trời.
Ban đầu Luciano không dám nói cho vợ nghe vì sợ quá nhiều người phát hiện ra bí mật này thì nhà hàng của ông sẽ không thể mở cửa hoạt động được.
Một phần nữa là vì ông làm việc này không hề có một thứ đồ nghề bảo hộ nghiêm chỉnh nào, thậm chí ông còn dùng dây thừng quấn ngang ngực cậu con trai 12 tuổi thả xuống bên dưới hầm để giúp ông thực hiện công việc đào bới của mình.
Tuy vậy sự việc cũng không giữ kín được lâu, vợ của Luciano, bà Anna Maria Sanò rất nhanh chóng cảm thấy nghi ngờ. “Ngày nào họ cũng bỏ ra cả đống quần áo đóng đầy vết bẩn. Tôi thật sự chẳng hiểu có chuyện gì nữa”, bà nói.
Những người hàng xóm bắt đầu để ý khi thấy gia đình ông Luciano mỗi ngày đều lén lút chất đất đá đầy ra phía sau xe đem đổ và họ đã báo cho chính quyền.
Công trình đào bới của ông Luciano và các con sau đó bị phong tỏa một năm trời vì họ khai quật di tích lịch sử bất hợp pháp. Tuy nhiên ông Luciano phản đối và nói ông chỉ muốn sửa ống nước mà thôi.
Một năm sau đó, cuối cùng ông Luciano lại được cấp phép tiếp tục khai quật bên dưới tòa nhà của mình với điều kiện phải có sự giám sát của những chuyên gia.
Ông Luciano cũng có thể hưởng tất cả lợi ích hợp pháp từ di tích lịch sử này nhưng mọi chi phí khai quật đều phải do ông gánh hết.
Những năm tiếp theo, họ tiếp tục đào được rất nhiều kho báu vừa mang giá trị lịch sử, vừa vô cùng quý giá như những chiếc bình cổ, chiếc nhẫn cổ có biểu tượng Kitô giáo, các món đồ tạo tác thời Trung Cổ, tranh tường và rất nhiều thứ khác…
Ông Giovanni Giangreco, một cựu quan chức về di sản văn hóa phát biểu: “Ngôi nhà của ông Luciano có chứa những tầng lớp đại diện cho hầu hết các giai đoạn lịch sử của thành phố, từ thời người Messapii cho đến người La Mã, từ thời trung cổ cho tới thời Byzantine”.
Hiện nay, tòa nhà đã trở thành Bảo tàng Faggiano, một bảo tàng khảo cổ độc lập được ủy quyền bởi chính phủ Lecce.
Họ xây những cầu thang bằng kim loại xoắn ốc cho phép du khách đi xuống tham quan những căn phòng dưới lòng đất, trong khi các phần của sàn nhà được lát bằng kính giúp người xem có thể khám phá từng lớp lịch sử của tòa nhà.
Ông Luciano mặc dù rất hạnh phúc với bảo tàng lịch sử của mình nhưng chưa bao giờ quên được mong ước mở được một nhà hàng. Không thể mở nhà hàng tại chỗ cũ, ông quyết tâm mua lại một tòa nhà khác để thực hiện mơ ước của mình.
(Nguồn: nytimes)