Sự trỗi dậy, cái chết, và màn tái sinh của điện thoại trượt

Minh.T.T |

Người hâm mộ điện thoại trượt đang chứng kiến một màn tái sinh ngoạn mục khi loại hình điện thoại này tìm được một công dụng mới.

Vào thời kỳ đầu xuất hiện, thiết kế trượt được ứng dụng để tạo ra những chiếc điện thoại có kích thước nhỏ và bảo vệ bàn phím khỏi bị vô tình bấm nhầm (bàn phím lúc này được đặt lên phần trượt ra của điện thoại).

Còn ngày nay, thiết kế trượt lại được sử dụng để tối đa hóa tỉ lệ màn hình so với thân máy - và trên phần trượt ở thời điểm hiện tại không còn chứa bàn phím nữa mà chứa camera selfie.

Sự trỗi dậy, cái chết, và màn tái sinh của điện thoại trượt - Ảnh 1.

Thiết kế điện thoại trượt bước vào thời kỳ đỉnh cao vào năm 2007 - 2009. Trong năm 2009, có đến 109 mẫu điện thoại trượt khác nhau được tung ra thị trường. Tuy nhiên, ngay sau thời điểm đó, thiết kế này nhanh chóng bị thất sủng và tụt dốc không phanh.

Loại hình điện thoại này cũng đạt được mức độ phổ biến đỉnh điểm vào cùng thời kỳ đó - trong năm 2007, số lượt tìm kiếm điện thoại trượt chiếm đến 32% lưu lượng truy cập trang so sánh thông số điện thoại nổi tiếng GSMArena. Về cơ bản, cứ 3 người ghé thăm trang này để tìm điện thoại thì có 1 người đang tìm điện thoại trượt.

Sự trỗi dậy, cái chết, và màn tái sinh của điện thoại trượt - Ảnh 2.

Lý do khiến cơn sốt điện thoại trượt đạt đỉnh cao để rồi lao dốc trong khoảng thời gian từ 2007 - 2009 thì ai cũng biết.

Vào năm 2007, Apple giới thiệu chiếc iPhone đầu tiên và đã thuyết phục được cả thế giới rằng gõ phím trên màn hình cảm ứng cũng tuyệt chẳng kém gì bàn phím vật lý, thậm chí còn tuyệt hơn. Năm 2008, các điện thoại Android bắt đầu bùng nổ, gửi một thông điệp đến mọi người dùng di động rằng hệ điều hành Symbian đã hết thời.

Tất nhiên, vẫn có một vài mẫu điện thoại Android với bàn phím QWERTY trượt ra, bao gồm cả "ông tổ" Android là T-Mobile G1. Thế nhưng, khi màn hình cảm ứng chuyển sang công nghệ điện dung với độ chính xác cao hơn, và tính năng sửa lỗi văn bản trở nên thông minh hơn, bàn phím vật lý dần trở thành một thứ cồng kềnh không cần thiết.

BlackBerry Priv vào năm 2015 chính là hậu duệ cuối cùng của loại hình điện thoại này - chiếc điện thoại trượt với bàn phím cứng cuối cùng còn tồn tại.

Hai năm im ắng trôi qua, và đột nhiên vào năm 2018, chúng ta chứng kiến sự xuất hiện của đến 4 mẫu điện thoại trượt khác nhau - thực ra chỉ 3 mẫu thôi, nếu không tính chiếc Oppo Find X vốn được trang bị một mô-tơ để tự động trượt thay vì bạn phải tự tay mình đẩy phần trượt ra.

Sự trỗi dậy, cái chết, và màn tái sinh của điện thoại trượt - Ảnh 3.

Nhưng Oppo Find X nên được tính là một chiếc điện thoại trượt, bởi cả 4 mẫu điện thoại mới này đều có chung một mục tiêu - đưa camera selfie ra khỏi phần viền màn hình để nó có thể trở nên mỏng hơn và không có "tai thỏ". Nếu bạn sẵn sàng mở rộng khái niệm "điện thoại trượt" ra một chút, bạn có thể tính thêm cả 2 chiếc Vivo NEX, cũng có mục tiêu như trên.

Dù sao đi nữa, có lẽ sẽ khá thú vị nếu chúng ta thêm cả những chiếc điện thoại màn hình lật vào biểu đồ.

Chúng từng khá phổ biến trước thời điện thoại trượt và đã đạt đỉnh điểm từ 2003 - 2005. Những thành viên đáng chú ý nhất của loại hình điện thoại này là những chiếc Motorola RAZR.

Biểu đồ cho thấy rõ những chiếc điện thoại trượt đã trỗi dậy để chiếm ngôi vua của điện thoại màn hình lật như thế nào.

Và chỉ vài năm sau đó, điện thoại màn hình cảm ứng cũng đã làm điều tương tự đối với chúng.

Sự trỗi dậy, cái chết, và màn tái sinh của điện thoại trượt - Ảnh 4.

Nhưng hiện nay, điện thoại trượt đã trở lại, dù không như thời kỳ huy hoàng trước đây. Màn hình "tai thỏ" đã khiến người tiêu dùng phẫn nộ kêu gào đến mức các hãng điện thoại phải nhanh chóng bắt tay vào phát triển các điện thoại trượt (và điện thoại với camera pop-up) một lần nữa, dù điều đó khiến điện thoại trở nên phức tạp và đắt đỏ hơn.

Tuy nhiên, cơn phẫn nộ có vẻ đã hạ nhiệt sau khi những chiếc điện thoại với "tai thỏ" hình giọt nước xuất hiện, và mới đây, điện thoại với màn hình "đục lỗ" chứa camera selfie dường như đã trở thành thiết kế yêu thích mới (đối với các hãng sản xuất điện thoại, còn với người tiêu dùng, có lẽ chúng ta phải chờ thêm một thời gian để xem liệu họ có thực sự mua chúng hay không).

Năm 2019 sẽ là một năm đầy thú vị đối với ngành công nghiệp điện thoại - liệu điện thoại trượt có bùng nổ và phổ biến trở lại? Và đừng quên điện thoại màn hình gập - chúng chính là những chiếc điện thoại màn hình lật tái sinh!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại