Công suất sản xuất xe ô tô điện tại Trung Quốc vẫn đang tăng lên với tốc độ chóng mặt dù thị trường nội địa đã không còn đủ sức tiêu thụ hết. Điều này khiến cho nhiều nhà sản xuất trên thế giới lo lắng xe Trung Quốc xuất khẩu sẽ khiến thị trường của họ lung lay.
Tại triển lãm ô tô Bắc Kinh vừa diễn ra, một sự việc có thể cho thấy sức hấp dẫn của sản phẩm giá rẻ. Tại gian trưng bày của Xiaomi, người tham quan triển lãm dồn tới liên tục, khiến cho người tham quan luôn cảm thấy ngột ngạt, nhưng điều này lại không xảy ra với gian của Nissan - đặt ngay tại lối vào. Điều được cho tạo nên sức hấp dẫn của xe Xiaomi chính là mức giá thấp hơn đối thủ Tesla tới gần một trăm triệu đồng.
Lý do khiến cho xe Trung Quốc có chi phí sản xuất có giá rẻ là vì chuỗi cung ứng làm pin xe điện tập trung chủ yếu tại nước này. SNE Research của Hàn Quốc cho rằng có đến 6 trên 10 nhà sản xuất pin ô tô điện lớn nhất thế giới tới từ Trung Quốc. Một nghiên cứu khác cho thấy có đến 80% vật liệu làm điện cực catốt được sản xuất tại Trung Quốc.
Pin được xem là bộ phận đơn lẻ có chi phí cao nhất trên một chiếc ô tô điện, chiếm từ khoảng 30% đến 40% chi phí sản xuất. Theo nghiên cứu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (International Energy Agency - IEA) giá pin trung bình tại Trung Quốc chỉ bằng khoảng 80% so với giá tại châu Âu hoặc tại Mỹ. Không chỉ pin, giá thép và một số thành phần khác tại Trung Quốc cũng có thể cho ra được với giá thấp, bên cạnh đó còn có thể cả hỗ trợ từ chính phủ.
Tại Trung Quốc, công suất nhà máy ô tô vẫn đang tiếp tục tăng lên dù đã vượt xa khả năng tiêu thụ của thị trường. Truyền thông Trung Quốc cho biết rằng năng lực sản xuất xe năng lượng mới của nước này vào năm 2025 được dự báo sẽ vượt 36 triệu chiếc, sức tiêu thụ của thị trường nội địa là 17 triệu chiếc.
Dự đoán này thể hiện nhiều điều: Thị trường nội địa Trung Quốc có tính cạnh tranh kinh khủng, và Trung Quốc sẽ có khoảng 20 triệu chiếc xe xuất khẩu.
Nhà máy của các hãng xe thường có điểm hòa vốn ở khoảng 80% công suất, nhưng với nhiều nhà máy xe năng lượng mới của Trung Quốc thì công suất của họ mới chỉ đạt mức 50%. Điều này thu hẹp lợi nhuận từ xe bán ra, khiến nhiều nhà sản xuất rơi vào tình cảnh có thể phá sản.
Thống kê cho thấy biên lợi nhuận ở ngành xe trong tháng 1 và 2 đạt khoảng 4,3%, thấp hơn nhiều so với con số 8,7% của năm 2015.
Nhằm cứu vãn tình hình, tăng sản xuất xe rồi mang đi xuất khẩu đã và đang là chiến lược trọng điểm của nhiều nhà sản xuất ô tô Trung Quốc, bất kể quy mô lớn hay nhỏ. Chiến lược xuất khẩu của các hãng xe Trung Quốc có thể khiến nhiều hãng xe Nhật Bản và châu Âu phải lo lắng. BYD và nhiều hãng xe Trung Quốc đang tập trung khai phá các thị trường tại khu vực Đông Nam Á như Thái Lan - nơi mà các hãng xe Nhật Bản chiếm tới 80% thị phần.
Tại Việt Nam, thị trường nước ta đã, đang và sẽ đón nhận nhiều thương hiệu và nhiều mẫu xe hoàn toàn mới tới từ Trung Quốc.
Gần đây nhất, JAECOO&OMODA (thuộc Chery của Trung Quốc) đã ký kết hợp tác với tập đoàn Geleximco (Việt Nam) để xây dựng nhà máy sản xuất và phân phối xe. Không chỉ vậy, BYD - nhà sản xuất ô tô điện lớn nhất thế giới - cũng đã có ý định phân phối xe tại Việt Nam. Cùng với đó, nhiều thương hiệu xe Trung Quốc khác cũng đã bán ra tại Việt Nam, có thể kể tên như Haval, Lynk & Co hay Hồng Kỳ.
Với giá bán thấp hơn đối thủ, có ý kiến cho rằng xe Trung Quốc có thể sẽ kéo tụt mặt bằng giá thị trường Việt Nam; tuy nhiên, điều này chỉ có thể thành hiện thực khi xe Trung Quốc có sức nặng với thị trường - tức là có nhiều người ủng hộ và chiếm được thị phần.