Tần Thủy Hoàng họ Doanh tên Chính, vốn là con trai của Tần Trang Tương Vương. Ông là một nhà chính trị, chiến lược gia, nhà cải cách nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc, đồng thời cũng là người đầu tiên hoàn thành sự nghiệp thống nhất Trung Hoa và lên ngôi đế.
Trong suốt thời kỳ trị vị của mình, một trong những di sản lớn nhất mà Tần Thủy Hoàng để lại cho hậu thế chính là công trình đồ sộ mang tên Vạn Lý Trường Thành.
Hậu thế đều tin rằng, Vạn Lý Trường Thành được xây dựng với mục đích ngăn ngừa kẻ địch, bởi đây là một công trình phòng ngự kiên cố. Vì vậy chúng ta đều cho rằng Tần Thủy Hoàng xây dựng Vạn Lý Trường Thành là để chống giặc ngoại xâm.
Nhưng nguyên nhân sâu xa khiến Vạn Lý Trường Thành được xây dựng vốn dĩ bắt nguồn từ sự tin tưởng của Tần Thủy Hoàng với một lời bịa đặt.
Lời sấm truyền trong "sách tiên" khiến Tần Thủy Hoàng xây Trường Thành
Sinh ra trong thời đại phong kiến, Tần Thủy Hoàng cũng có phần mê tín và tin vào những câu chuyện về thần tiên. (Tranh minh họa).
Từ sự kiện Tần Thủy Hoàng phái Từ Phúc vượt biển đi tìm thuốc trường sinh, có thể thấy vị Hoàng đế này vốn là một người mê tín.
Nếu Tần Thủy Hoàng đã tin vào thuốc trường sinh bất lão, thì việc ông đặt niềm tin vào những lời tiên đoán bịa đắt hoàn toàn là điều có thể.
Năm Thủy Hoàng thứ 32, Hoàng đế phái Lô Sinh đi tìm thần tiên để dự liệu về tương lai. Thế nhưng chuyến đi ấy của Lô Sinh "xôi hỏng bỏng không".
Khi trở về, người họ Lô này chỉ đành nói ra những lời tâng bốc, thêu dệt về tương lai tốt đẹp của Tần Triều, mà Tần Thủy Hoàng từ sớm đã nghe chán mấy câu nịnh nọt ấy.
Điều mà ông cần không phải là vài lời thổi phồng tâng bốc. Thứ khiến Tần Thủy Hoàng khao khát là những tiên liệu có lợi cho việc củng cố chính quyền.
Vì vậy, Lô Sinh lại một lần nữa bị nhà vua phái đi tìm thần tiên. Sau nhiều lần phí công vô ích, cuối cùng họ Lô này cũng mang về được một cuốn "Lục Đồ Thư".
Cuốn sách ấy có ghi lại một dòng chữ khiến Tần Thủy Hoàng lúc bấy giờ không khỏi kinh sợ. Đó là câu: "Vong Tần giả Hồ dã" (Tần mất là do Hồ).
Việc xây dựng Vạn Lý Trường Thành được Tần Thủy Hoàng quyết định vì tin tưởng vào một lời "sấm truyền". (Tranh minh họa).
Vào thời nhà Tần, "Hồ" vốn là cách gọi chỉ Hung Nô. Các sử liệu thời nhà Tần cũng đã ghi chép lại nhiều cuộc đấu tranh với Hung Nô.
Lời tiên liệu trong cuốn sách kia đã khiến một người luôn khao khát có đối thủ xứng tầm như Tần Thủy Hoàng tìm được mục tiêu mới.
Cũng chính bởi một câu không rõ thật giả trong cuốn sách ấy, Thủy Hoàng đã lập tức phái Mông Điềm dẫn 30 vạn đại quân chinh phạt Hung Nô, đuổi kẻ địch của mình tới tận Âm Sơn.
Nhưng ngay cả khi đã dành được ưu thế như vậy, vị Hoàng đế này vẫn chưa thể yên tâm. Do đó, ông đã hạ lệnh xây dựng Trường Thành.
Với sức lao động của hơn 70 vạn nhân công, công trình vĩ đại ấy sau nhiều năm rốt cục cũng hoàn thành, tạm chấm dứt mối họa "Hồ diệt Tần" mà Thủy Hoàng lo sợ.
Kết cục bi thảm cho nhà Tần vì tin vào... "sách tiên"
Dù cho toan tính sâu xa đến đâu, Tần Thủy Hoàng cũng không ngờ rằng nguyên nhân khiến nhà Tần diệt vong vốn không bắt nguồn từ Hung Nô. (Tranh minh họa).
Kỳ thực, kế hoạch tiêu diệt Hung Nô vốn đã nhen nhóm trong đầu Doanh Chính từ trước khi Trường Thành được xây dựng.
Sau khi hoàn thành công cuộc thống nhất lục quốc, Tần Thủy Hoàng đã lên kế hoạch chuẩn bị "diệt cỏ tận gốc" đối với Hung Nô, nhưng lại bị Thừa tướng Lý Tư cật lực phản đối.
Bấy giờ, nguyên nhân khiến giấc mộng "làm cỏ" Hung Nô của Tần Thủy Hoàng không thành xuất phát từ các lý do sau:
Thứ nhất, Hung Nô vốn không có chỗ cư ngụ nhất định, rất khó bắt giữ. Nếu tiến đánh, quân Tần sẽ rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan.
Thứ hai, Hung Nô vốn ở vùng hoang vu, mọi mặt đều vô cùng lạc hậu, cho dù có đánh bại cũng không thu về được nhiều lợi ích mà còn gây tiêu hao lực lượng.
6 năm trôi qua kể từ khi thống nhất lục quốc, giang sơn của Tần Thủy Hoàng vẫn chưa phát triển được như kỳ vọng của ông.
Ngược lại, Tần Thủy Hoàng luôn cảm nhận được một sự uy hiếp vô hình. Việc không biết trước tương lai đất nước sẽ ra sao càng khiến ông lo lắng, bất an.
Đúng lúc đó, trong sách tiên mà Lô Sinh mang về lại có một câu "Vong Tần giả Hồ dã". Lời "sấm truyền" kia vừa hay đã giúp Tần Thủy Hoàng giải tỏa tất cả những lo lắng, bất an mà ông đã đè nén xuất nhiều năm trời, cũng khiến ông có động lực bắt tay vào xây dựng Trường Thành.
Thế nhưng sau này, kẻ tìm ra cuốn sách tiên ấy là Lô Sinh lại bị chính Tần Thủy Hoàng triệt hạ do tội cấu kết với đám phương sĩ lừa dối Hoàng đế.
Vì vậy, rất có thể cuốn sách có lời sấm khiến Hoàng đế cất công tin tưởng và xây dựng Trường Thành cũng chỉ là một lời bịa đặt của họ Lô mà thôi.
Thực tế lịch sử cũng chứng minh rằng, nhân tố khiến nhà Tần diệt vong sau này không đến từ người Hồ ở phương Bắc mà lại xuất phát từ chính người con trai thứ hai của Tần Thủy Hoàng - Hồ Hợi.