Bãi biển Tunnel là một trong những nơi không thể không đến khi đặt chân đến New Zealand. Khung cảnh ở đây không những như tranh vẽ mà còn đem lại một cảm giác cực kỳ đặc biệt đối với những người thích khám phá.
Tuy nhiên không giống như những bãi biển khác, đường đến bãi biển Tunnel phải đi thông qua một con đường hầm dài 60m với 72 bậc thang xuyên qua những vách đá. Chỉ cần đi theo đường này thì bạn đã có thể chiêm ngưỡng một bãi biển riêng biệt tuyệt vời, tách ra hẳn sự bao la hùng vĩ của đại dương.
Bãi biển Tunnel nổi tiếng ở New Zealand. (Ảnh: Internet)
Tương truyền rằng, đường hầm này bắt nguồn từ một bi kịch vào năm 1870, khi đó con trai của thuyền trưởng William Cargill - John Cargill vì quá đau buồn khi con gái nhỏ bị chết đuối, nên đã xây dựng đường hầm này để tưởng nhớ về đứa con gái vốn rất yêu thích biển.
Vì đây cũng là nơi kỷ niệm buồn nên ông bố cũng quyết định bỏ xứ và không bao giờ trở lại. Câu chuyện này được truyền đến tai nhiều người với nhiều phiên bản khác nhau và không ít người ngưỡng mộ về món quà đặc biệt mà ông bố dành tặng cho con gái đã khuất của mình.
Lối vào đường hầm ra biển Tunnel. (Ảnh: Internet)
Đường hầm có 72 bậc thang. (Ảnh: Internet)
Trong một phiên bản khác của câu chuyện cảm động này, vào những năm 1870, John Cargill - con trai của thuyền trưởng William Cargill, là một trong những người thành lập thành phố Dunedin vốn có rất nhiều tiền.
Ông có những cô con gái rất xinh đẹp, ai nấy cũng đều thích tắm biển. Nhưng vì không cảm thấy thoải mái khi con gái bị chú ý ở những bãi biển công cộng tại Dunedin nên ông đã sai người đào một đường hầm xuyên qua những hòn đá lớn để ra đến một bãi biển riêng tư, và đây là bãi biển Tunnel.
Ông đã âm thầm làm những việc này và tạo sự bất ngờ với những đứa con của mình.
Đây là một bãi biển tách biệt hẳn với xung quanh. (Ảnh: Internet)
Sau khi đường hầm được xây dựng xong, những cô con gái đã đến đây tắm biển và ông cấm người làm không được lui tới vì không muốn con gái bị soi mói. Tuy nhiên, những người ngư dân đã vô tình nhìn thấy được và ví họ như những nàng tiên cá.
Đáng buồn, trong một lần tắm biển đứa con gái nhỏ đã bị chết đuối do thủy triều dâng cao. Cargill quá đau buồn nên ông đã rời khỏi New Zealand và không bao giờ trở lại.
Du khách được nghe nhiều phiên bản câu chuyện khác nhau và được thêm thắt nhiều chi tiết. Tuy nhiên, một số du khách thích khám phá đã cố gắng tìm ra câu trả lời xác đáng về đường hầm bí ẩn này.
Họ đã tra cứu những tài liệu về thành phố Dunedin cũng như lịch sử gia đình nhà Cargill và phát hiện ra rằng, đúng là Cargill có xây đường hầm để gia đình ông có thể vào bãi biển riêng tư trong những năm 1870, nhưng chi tiết đường hầm tạo ra vì đứa con gái dường như do dân địa phương thêm thắt.
John Cargill có 4 người con gái từ cuộc hôn nhân đầu tiên. Tất cả họ đều sống đến tuổi trưởng thành, tuyệt nhiên không có đứa con gái nào bị chết đuối. Vào những năm 1880, ông đã rời khỏi New Zealand vì những trở ngại tài chính kinh tế, không liên quan gì đến việc con gái qua đời vì chết đuối.
Bãi biển dần được nhiều người biết đến và sử dụng công khai. (Ảnh: Internet)
Dù câu chuyện được thêu dệt như thế nào đi nữa thì đây cũng được xem là công trình vĩ đại của ông John Cargill. Vào những năm 1900, bãi biển được nhiều người biết đến và được sử dụng công khai cho đến ngày nay.