Sự phát triển kinh ngạc của đường sắt cao tốc Trung Quốc: Châu Âu mất nhiều thập kỷ, TQ chỉ mất vài năm

An An |

Trung Quốc hiện là quốc gia duy nhất trên thế giới sở hữu đường sắt tốc độ cao 350km/h.

Từ KHÔNG thành CÓ

Theo CNN, vào đầu thế kỷ 21, Trung Quốc không có đường sắt cao tốc.

Những chuyến tàu chậm chạp và bất tiện trải rộng trên khắp đất nước rộng lớn. Tốc độ trung bình thấp khiến các hành trình như Thượng Hải-Bắc Kinh trở thành một bài kiểm tra về sự bền vững của giao thông .

Ngày nay, đó là một bức tranh hoàn toàn khác: Quốc gia đông dân nhất thế giới sở hữu mạng lưới đường sắt cao tốc lớn nhất thế giới.

Mặc dù khởi công muộn hơn các nước phát triển hơn 40 năm, nhưng kể từ khi tuyến đường sắt liên tỉnh Bắc Kinh-Thiên Tân đầu tiên với tốc độ thiết kế 350 km/h được hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2008, việc xây dựng đường sắt cao tốc của Trung Quốc đã có những bước tiến nhảy vọt.

Hơn 40.000 km đường sắt chằng chịt trên khắp đất nước, nối tất cả các cụm thành phố lớn, bắt đầu từ năm 2008.

Một nửa trong tổng số đó đã được hoàn thành chỉ trong 5 năm qua.

Mạng lưới đường sắt cao tốc Trung Quốc dự kiến ​​sẽ tăng gấp đôi chiều dài lần nữa, lên 70.000 km vào năm 2035.

Với tốc độ tối đa 350 km/h trên nhiều tuyến, giao thông liên tỉnh đã được chuyển đổi và sự thống trị của các hãng hàng không đã bị phá vỡ.

Đến nay, 93% thành phố của Trung Quốc với dân số 500.000 người trở lên đã được kết nối bằng hệ thống đường sắt tốc độ cao.

Quốc gia duy nhất trên thế giới có đường sắt cao tốc với tốc độ 350km/h

Hãng thông tấn Trung Quốc Tân Hoa Xã cho biết, mới đây, đoạn tuyến Bắc Kinh-Vũ Hán thuộc tuyến đường sắt cao tốc Bắc Kinh-Quảng Châu đã được nâng cấp từ hoạt động tiêu chuẩn 310km/h lên tiêu chuẩn cao 350km/h. Kể từ năm 2017, đây là tuyến đường sắt cao tốc thứ năm ở Trung Quốc đạt tốc độ thực tế 350km/h, sau tuyến đường sắt cao tốc Bắc Kinh-Thượng Hải, Bắc Kinh-Thiên Tân, Bắc Kinh-Trương Gia Khẩu và Thành Đô-Trùng Khánh.

Người phụ trách bộ phận điện lực của Tập đoàn Đường sắt Quốc gia Trung Quốc cho biết, tốc độ càng cao thì yêu cầu về chất lượng hạ tầng đường dây và môi trường bên ngoài càng cao. Theo ông này, Trung Quốc là quốc gia duy nhất trên thế giới vận hành thương mại đường sắt cao tốc với tốc độ 350 km/h.

Để đạt được mức tăng tốc độ này, tuyến đường sắt cao tốc Bắc Kinh-Quảng Châu đoạn Bắc Kinh-Vũ Hán đã đưa vào sử dụng công nghệ tàu điện động lực phân tán (EMU) Phục Hưng nổi tiếng.

Sự phát triển kinh ngạc của đường sắt cao tốc Trung Quốc: Châu Âu mất nhiều thập kỷ, TQ chỉ mất vài năm - Ảnh 1.

Đường sắt cao tốc hiện đại ở Trung Quốc. Ảnh: News.cn

"Phục Hưng là đoàn tàu EMU với quyền sở hữu trí tuệ hoàn toàn độc lập và đạt trình độ tiên tiến của thế giới. Nó là một tấm danh thiếp tuyệt hoàn mĩ về công nghệ sản xuất đường sắt cao tốc Trung Quốc. Trong số đó, đoàn tàu Phục Hưng mang công nghệ thông minh EMU đã đạt được chức năng vận hành tự động với tốc độ 350 km/h lần đầu tiên trên thế giới", quan chức Trung Quốc cho biết.

Trong khi đó, hãng tin CNN cho hay, Tây Ban Nha, quốc gia nổi tiếng có mạng lưới đường sắt cao tốc lớn nhất châu Âu, chiếm thứ 2 thế giới nhưng cũng chỉ hơn 3.000km đường sắt hoạt động ở tốc độ hơn 250 km/h.

Bên cạnh đó, Vương quốc Anh có khoảng 107 km trong khi Mỹ chỉ có một tuyến đường sắt (gần như) đủ tiêu chuẩn đường sắt cao tốc - Hành lang Đông Bắc của Amtrak, nơi các chuyến tàu Acela hiện đạt vận tốc 240 km/h.

Hiện đại và tiện lợi

Theo "Quy hoạch mạng lưới đường sắt trung và dài hạn" mới được sửa đổi, một trong những mục tiêu quy hoạch của tiến trình xây dựng mạng lưới đường sắt tốc độ cao Trung Quốc là đạt được kết nối giao thông từ 1-4 giờ giữa các thành phố lớn và vừa liền kề, và 0,5-2 giờ giao thông trong cụm thành phố. Sau khi mạng lưới đường sắt cao tốc được xây dựng, khoảng cách giữa các điểm đến trong vùng Bắc Kinh-Thiên Tân-Hà Bắc, Đồng bằng sông Dương Tử, Đồng bằng sông Châu Giang, Vành đai Bột Hải đã được rút ngắn hơn nữa. Đồng thời, tác động đối với phát triển kinh tế khu vực ngày càng rõ nét.

Trước đây, đường sắt cao tốc không đến được thành phố Cao Bưu, tỉnh Giang Tô. Nhưng đến cuối năm 2020, toàn bộ tuyến đường sắt cao tốc liên đô thị đã được thông xe, giúp thành phố kết nối toàn bộ với đồng bằng sông Dương Tử và nằm trong "Vòng tròn đô thị một giờ" của Nam Kinh. Kể từ khi khai trương ga đường sắt cao tốc, lượng khách du lịch ở Cao Bưu đã tăng lên đáng kể hàng năm.

Thị trấn Thập Tứ Bát, thành phố Thượng Nhiêu, tỉnh Giang Tây có ga đường sắt cao tốc nhỏ nhất Trung Quốc. Ga Ngũ Phủ Sơn nằm trên một ngọn đồi, có diện tích hơn 2.000m2 này chính thức được thông xe vào tháng 6/2015, đưa khu vực bước sang kỷ nguyên đường sắt cao tốc từ chỗ không có đường sắt. .

Hàng năm vào lễ Thanh minh, nhà ga nhỏ này đều đón lượng hành khách thường xuyên là những công nhân lên núi Vũ Di ở tỉnh Phúc Kiến để hái trà. Một công nhân họ Lý cho biết, gần 10.000 công nhân từ các thị trấn và làng mạc xung quanh đổ sang Phúc Kiến hái chè, trước đây trong làng chỉ có một con đường đất để đi. Nhóm công nhân phải thuê xe rồi men theo đường núi gồ ghề mất 2 tiếng đồng hồ mới đến được đồi chè. Sau khi đường sắt cao tốc khai trương, họ chỉ mất 17 phút để đến núi Vũ Di. Buổi sáng, họ thư thái ăn sáng rồi bắt chuyến tàu cao tốc mà không cần vội vã.

Đường sắt cao tốc cũng đã làm cho tài nguyên du lịch phong phú của núi Ngũ Phủ trở nên nổi tiếng. Hà Kim Văn, một người dân địa phương, đã mở một trang trại ở khu thắng cảnh vào năm 2014 cho biết, kể từ khi đường sắt cao tốc được kết nối, lượng khách tăng vọt khiến việc kinh doanh thuận lợi, thu nhập một tháng còn nhiều hơn thu nhập 1 năm trong quá khứ.

Cô Ren, làm việc tại Thượng Hải, thường đi công tác Bắc Kinh. Từ ga Hồng Kiều Thượng Hải đến ga Nam Bắc Kinh, cô không biết đã đi tuyến Bắc Kinh - Thượng Hải bao nhiêu lần. Những năm gần đây, cô thấy mình ngày càng thích đi đường sắt cao tốc hơn, vì "nhanh hơn, đỡ phiền phức, ngồi cũng thoải mái hơn". "Trước đây, tôi mất bảy hoặc tám tiếng để đi từ Thượng Hải đến Bắc Kinh, sau đó chỉ mất 5 tiếng, giờ thì chỉ mất 4 tiếng 28 phút. Bạn có thể mua vé và chọn chỗ ngồi bằng điện thoại, ghế ngồi cũng lớn hơn do tàu được thiết kế rộng rãi hơn, cũng như có thể đặt đồ ăn trực tuyến...", cô Ren nói.

Đường sắt cao tốc Bắc Kinh-Thượng Hải, chính thức khai trương vào năm 2011, là tuyến đường sắt cao tốc dài nhất và đạt tiêu chuẩn cao nhất trên thế giới. Vào tháng 2/2013, tổng số hành khách được vận chuyển bằng đường sắt cao tốc Bắc Kinh-Thượng Hải lần đầu tiên vượt 100 triệu lượt. Đến năm 2021, con số đó đã vượt qua 1,3 tỷ lượt. Đằng sau sự tăng trưởng liên tục và nhanh chóng của lưu lượng hành khách là sự vận hành an toàn và chất lượng cao của tuyến đường sắt cao tốc Bắc Kinh-Thượng Hải trong hơn mười năm.

Sự phát triển kinh ngạc của đường sắt cao tốc Trung Quốc: Châu Âu mất nhiều thập kỷ, TQ chỉ mất vài năm - Ảnh 2.

Tiện nghi bên trong các đoàn tàu cao tốc Trung Quốc. Ảnh: News.cn

Ông Thiệu Trường Hồng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đường sắt cao tốc Bắc Kinh-Thượng Hải cho biết, nhằm mang đến cho hành khách trải nghiệm đi lại tốt hơn, đường sắt cao tốc Bắc Kinh-Thượng Hải đã đang nỗ lực cải thiện dịch vụ và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải. Ngoài việc tăng tốc độ, mua vé qua điện thoại di động, chọn chỗ ngồi và đặt bữa ăn trực tuyến mà cô Ren đề cập, các dịch vụ như kết nối đường sắt - đường không hay toa tàu yên lặng cũng đã được tung ra trong những năm gần đây v.v...

Đường sắt Trung Quốc hiện đặt mục tiêu xây dựng thương hiệu đường sắt cao tốc với chất lượng vận hành đẳng cấp thế giới.

Một biểu tượng của sức mạnh kinh tế

Tham vọng của Trung Quốc là biến đường sắt cao tốc trở thành phương thức được lựa chọn cho các chuyến đi đường dài trong nước, nhưng những tuyến đường sắt mới này có ý nghĩa lớn hơn nhiều.

Giống như Shinkansen của Nhật Bản vào những năm 1960, chúng là biểu tượng của sức mạnh kinh tế, sự hiện đại hóa, sức mạnh công nghệ và sự thịnh vượng vượt bật của quốc gia.

Tiến sĩ Olivia Cheung, thành viên nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Phương Đông và Châu Phi (SOAS) của Đại học London cho rằng, việc xây dựng những tuyến đường sắt mới này là một phần trong kế hoạch lớn của Trung Quốc về việc tích hợp thị trường quốc gia rộng lớn.

Kế hoạch này nổi bật ở chỗ nó không chỉ đơn giản là kết nối các thành phố hiện có, mà còn kết nối các thành phố với các siêu đô thị mới đang được xây dựng từ đầu.

Theo nghĩa đó, có thể lập luận rằng Trung Quốc đang lặp lại lịch sử đường sắt; nhiều tuyến đường sắt sơ khai ở Bắc Mỹ, châu Âu đã được xây dựng với những mục tiêu tương tự.

Sự phát triển của mạng lưới đường sắt ở Nga - đáng chú ý nhất là Đường sắt xuyên Siberia , Pháp, Ý... chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi các nhu cầu chính trị và quân sự cũng như phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, những gì các nước đã mất nhiều thập kỷ trong thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 để đạt được thì Trung Quốc chỉ cần vài năm.

"Người Trung Quốc đã tạo ra toàn bộ mạng lưới đường sắt cao tốc trên quy mô chưa từng có...", chuyên gia du lịch đường sắt Mark Smith nói.

"Thật khó để không bị ấn tượng bởi quy mô tuyệt đối của một số nhà ga mới và hiệu quả của hệ thống vận chuyển số lượng lớn, khi tất cả hành khách đều có thể đặt chỗ ngồi trước và không cần vé giấy, chỉ cần quét thẻ căn cước hoặc hộ chiếu tại cửa soát vé".

Xuất khẩu công nghệ ra nước ngoài

Trung Quốc ban đầu dựa vào công nghệ tốc độ cao nhập khẩu từ Châu Âu và Nhật Bản để thiết lập mạng lưới của mình. Những gã khổng lồ về kỹ thuật đường sắt toàn cầu như Bombardier, Alstom và Mitsubishi đều rất muốn hợp tác, do quy mô tiềm năng của thị trường mới và các kế hoạch đầy tham vọng của Trung Quốc.

Tuy nhiên, trong thập kỷ qua, chính các công ty Trung Quốc đã phát triển thành những công ty hàng đầu thế giới về công nghệ và kỹ thuật tàu cao tốc nhờ vào sự phát triển đáng kinh ngạc của mạng lưới đường sắt nội địa.

Trung Quốc hiện đang phát triển công nghệ ở một số nước Đông Nam Á như tuyến đường sắt Lào-Trung. Mặc dù không phải là đường sắt tốc độ cao nhưng tuyến này là một phần mở rộng đáng kể ảnh hưởng của đường sắt Trung Quốc, cung cấp các liên kết được cải thiện từ miền nam Trung Quốc đến thủ đô Viêng Chăn của Lào.

Trung Quốc cũng đang tìm cách phát triển công nghệ đường sắt ở các nước châu Phi.

"Ngành công nghiệp đường sắt cao tốc của Trung Quốc đã trở thành một trong những ngành công nghiệp trụ cột kinh tế của quốc gia và mạng lưới đường sắt cao tốc đã mang lại sự di chuyển và thịnh vượng hơn cho người dân", Chủ tịch Bombardier Transportation China, Jianwei Zhang, cho biết trong một tuyên bố năm 2020.

Các tuyến đường sắt mới được đề xuất qua dãy Himalaya đến Ấn Độ và Pakistan, hoặc tới Nga và các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ ở Trung Á, sẽ không chỉ cung cấp các tuyến đường thương mại tốt hơn cho hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc mà còn mang lại cho nước này những hợp đồng lớn.

Được hỗ trợ bởi các quỹ đầu tư và các khoản vay, các dự án cũng củng cố vị thế siêu cường của Trung Quốc trong khu vực, thu hút các nước đang phát triển bằng cách gia tăng sự phụ thuộc kinh tế của các nước này với Bắc Kinh thông qua công nghệ đường sắt cao tốc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại