Siêu điệp viên lừng lẫy trong lịch sử KGB: Lấy cắp bí mật quốc gia Anh, dâng cho Liên Xô

Aozora |

Làm thế nào một thư ký văn phòng bình thường lại đóng vai trò then chốt giúp Liên Xô bắt kịp Mỹ trong cuộc chạy đua sản xuất vũ khí nguyên tử thời Chiến tranh Lạnh?

Cuộc sống êm đềm của bà lão Melita Stedman Norwood tưởng như sẽ vẫn tiếp diễn như mọi ngày, cho đến một buổi sáng tháng Chín năm 1999. Lúc bấy giờ đã 87 tuổi và mất chồng được 13 năm, bà Norwood vẫn sống lặng lẽ trong ngôi nhà nhỏ ở vùng Bexleyheath, ngoại ô Đông Nam London, Anh.

Ở cái tuổi mà không nhiều người sống tới được, bà Norwood vẫn yêu thích công việc làm vườn và chăm sóc cây hoa rau cỏ trong sân nhà. Cứ mỗi sáng thứ Bảy, sau khi nhấm nháp hết cốc trà, bà sẽ đi bộ quanh khu mình sống để giao báo. Đó là một tờ báo mang tên "Ngôi sao Buổi sáng" (The Morning Star).

Siêu điệp viên lừng lẫy trong lịch sử KGB: Lấy cắp bí mật quốc gia Anh, dâng cho Liên Xô - Ảnh 1.

Bà Melita Stedman Norwood.

Nhưng buổi sáng thứ Bảy hôm đó, ngày 11 tháng Chín năm 1999, mọi chuyện lại diễn ra hoàn toàn khác, vượt xa mọi sự tưởng tượng của chính bà Norwood. Hôm đó bà không thể đi giao báo được, vì con đường trước nhà đã chật kín cánh phóng viên, những tay săn ảnh và các đoàn làm truyền hình đứng chờ sẵn.

Toàn bộ giới truyền thông đã đổ dồn về Đại lộ Garden sau khi một tin tức "động trời" về người phụ nữ mang tên Melita Norwood được tiết lộ trên một tờ báo phát hành sáng hôm đó.

Bài báo nói rằng bà Norwood chính là một điệp viên làm việc cho Liên Xô và đã làm lộ những thông tin quý giá bậc nhất của nước Anh, trong đó có cả bí quyết phát triển bom nguyên tử. Nhưng điều gây sửng sốt hơn nữa là nữ điệp viên này đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình trong suốt 40 năm trời mà chưa hề bị lật tẩy.

Có thể nói bà Norwood đã "phản bội" đất nước mình nhưng vẫn "thoát tội", như chính bà thừa nhận, một cách cực kỳ ngoạn mục.

Vậy toàn bộ câu chuyện đã bắt đầu ra sao? Và "thế lực" nào đã buộc siêu điệp viên sau gần cả đời người ẩn mình lặng lẽ rốt cuộc phải bước ra ánh sáng?

Câu trả lời có lẽ nằm trong chính những tờ báo mà bà Melita Norwood vẫn đều đặn đi giao mỗi ngày. 

Melita Norwood: Nữ điệp viên người Anh quan trọng nhất trong lịch sử KGB

Alexander Sirnis, cha của Melita Norwood, là người theo chủ nghĩa xã hội, và bất chấp việc đã định cư tại Anh từ năm 1903, ông vẫn luôn muốn chống đối chế độ tư bản đang thống trị đất nước này.

Trong khi đó, mẹ của Norwood là bà Gertrude Stedman cũng tham gia Đảng Lao động, và theo những dòng mà Tiến sỹ sử học David Burke đã viết trong tiểu sử của Melita Norwood, thì tư tưởng của bà Gertrude cũng "không kém phần tiến bộ so với người chồng".

Như vậy ngay từ lúc mới chào đời vào năm 1912 tại Bournemouth, Melita Norwood đã được nuôi lớn trong bầu không khí chống đối chế độ tư bản. Melita Norwood không chỉ nhận ảnh hưởng từ cha mẹ mà còn tiếp thu tư tưởng chính trị từ nhiều nhân vật cánh tả khác giống như họ.

Trong số đó người có tác động mạnh mẽ nhất là Theodore Rothstein, một nhà văn, nhà báo và đồng thời là "môn đồ" của Lenin. Cũng chính ông là người lập ra Đảng Cộng sản Anh (CPGB) vào năm 1920 trước khi bị trục xuất khỏi đất nước cũng trong năm đó.

Sau khi cha mất do bệnh lao, cô bé Norwood sáu tuổi được mẹ đưa tới sống với dì tại vùng Bitterne gần Southampton. Việc bà Gertrude vẫn tiếp tục duy trì mối liên hệ với phe cánh tả hiển nhiên đã góp phần quan trọng khiến cô con gái quyết định gia nhập CPGB.

Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Norwood được nhận vào Đại học Southampton, nhưng đã bỏ dở giữa chừng và đến sống ở Đức một thời gian. Chính lúc này cô đã có dịp tận mắt chứng kiến sự trỗi dậy của Đức Quốc xã ngay từ buổi sơ khai.

Siêu điệp viên lừng lẫy trong lịch sử KGB: Lấy cắp bí mật quốc gia Anh, dâng cho Liên Xô - Ảnh 3.

Bà Melita Norwood hồi trẻ.

Năm 1932, Norwood khi đó 20 tuổi bắt đầu làm việc trong bộ phận văn thư của Hiệp hội Nghiên cứu Các kim loại ngoài sắt của Anh (British Non-Ferrous Metals Research Association - BN-FMRA). Đó chính là bước ngoặt thay đổi cuộc đời của Melita Norwood, và có lẽ là cả cán cân quân sự của thế giới nữa.

Tập đoàn chuyên nghiên cứu về luyện kim BN-FMRA không lâu sau đã trở thành mắt xích quan trọng tham gia vào dự án tối mật của chính phủ Anh nhằm phát triển một loại vũ khí hạt nhân được đặt mật danh là "Ống Hợp Kim" (Tube Alloys).

Ban đầu cô thư ký Melita Norwood không hề có ý định đánh cắp các bí mật về bom nguyên tử, mà chỉ tự hỏi liệu những công việc bình thường đang được tập đoàn này nghiên cứu thực hiện có thể mang lại lợi ích gì chăng.

Nhưng chỉ hai năm sau đó, như chính cụ bà cựu điệp viên đã thừa nhận với chuyên gia viết tiểu sử David Burke vào năm 2000, bà đã chủ động tìm đến bắt liên lạc với NKVD – tiền thân của Ủy ban An ninh Quốc gia Liên Xô (KGB) – và được giao trọng trách trở thành điệp viên "nằm vùng".

Thú vị ở chỗ, người ra quyết định "chiêu mộ" Norwood chính là Andrew Rothstein, con trai của người sáng lập Đảng Cộng sản Anh, Theodore Rothstein.

Kể từ thời điểm đó, Melita Norwood bắt đầu cuộc sống "hai mặt" dưới vỏ bọc là một công dân trung lưu bình thường như bao người khác. Năm 1935 cô kết hôn với Hilary Norwood, một giáo viên dạy hóa học. Hai năm sau đó họ chuyển đến sống tại ngôi nhà trên Đại lộ Garden, và đến năm 1943 gia đình nhỏ đón chào thêm một thành viên mới là cô con gái Anita.

Chính trong khoảng thời gian vừa bắt đầu làm mẹ này, "Đặc vụ Hola" - biệt danh mà cấp trên tại Liên Xô đặt cho Melita Norwood – đã chuyển đi những tài liệu vô cùng giá trị liên quan đến chương trình "Ống Hợp Kim" của Anh.

Cô mở két an toàn của các lãnh đạo, chụp hình những thứ được cất giữ bên trong và gửi các bản sao cho phía Liên Xô thông qua một "đường dây" liên lạc nhiều bước.

"Đôi khi nếu đang đánh máy thứ gì đó, tôi sẽ đánh thêm một bản sao nữa," bà lão Norwood tiết lộ về công việc năm xưa của mình. "Tôi đánh máy lại biên bản các cuộc họp. Tôi chuyển các bản sao đi bằng cách thỏa thuận trước, đặt chúng ở chỗ đã được dàn xếp trước hoặc gặp ai đó và đưa tận tay cho họ."

Với lòng trung thành tuyệt đối khi thực hiện nhiệm vụ, không ngạc nhiên khi Melita Norwood dần trở thành cái tên gây chú ý trong đội ngũ của KGB. Bà được nhận xét là "tận tụy, đáng tin cậy và có kỷ luật", luôn "nỗ lực để hỗ trợ đến mức tối đa".

Theo hồ sơ tại KGB, "Đặc vụ Hola" đã chuyển giao một lượng lớn tài liệu khoa học và kỹ thuật giúp ích rất nhiều cho các ứng dụng trong thực tế, mà quan trọng nhất phải kể đến một vấn đề về chế tạo vũ khí nguyên tử lúc bấy giờ đang khiến các nhà nghiên cứu tại Liên Xô phải đau đầu vắt óc.

Vốn dĩ việc xây dựng các lò phản ứng hạt nhân để tinh luyện plutonium đến mức đủ chế tạo bom là không hề dễ dàng. Một trong những thách thức lớn là ngăn chặn sự ăn mòn xảy ra đối với các thanh hợp kim nhôm dùng làm vỏ bọc cho lõi phóng xạ khi chúng được làm nguội trong nước.

Đó là câu đố nan giải mà các nhà khoa học Liên Xô không thể tìm được câu trả lời, cho đến khi Norwood "ra tay". 

Như một cấp trên của cô là Pavel Sudoplatov thuộc Bộ an ninh Quốc gia Nga sau này đã thừa nhận, lời giải cho những vấn đề kiểu như vậy đến từ "những nguồn tin tại Anh", rõ ràng là đang ám chỉ "Đặc vụ Hola".

Nhờ sự đóng góp mang tính then chốt của nữ điệp viên này, Liên Xô đã cho nổ thử nghiệm thành công quả bom nguyên tử đầu tiên của mình vào năm 1949, sớm hơn dự kiến ban đầu tới 4 năm.

Siêu điệp viên lừng lẫy trong lịch sử KGB: Lấy cắp bí mật quốc gia Anh, dâng cho Liên Xô - Ảnh 5.

Hình minh họa.

Đáng chú ý là, không như nhiều điệp viên khác chỉ phục vụ cho chế độ của Stalin khi nhân vật này còn cùng phe với nước Anh, Melita Norwood vẫn tiếp tục làm việc cho Liên Xô sau khi Chiến tranh Thế giới thứ hai đã kết thúc.

Sứ mệnh kép của nữ điệp viên Anh

Thậm chí lòng trung thành của bà đã vượt ra khỏi hoạt động đánh cắp tài liệu đơn thuần: Điệp viên kỳ cựu này còn giúp Liên Xô chiêu mộ thêm những đặc vụ mới nữa.

Một ví dụ là vào năm 1967, bà đã "tuyển" được một công dân Anh với mật danh "Hunt" về làm việc, với nhiệm vụ khai thác các thông tin liên quan đến hoạt động kinh doanh vũ khí của nước Anh trong suốt 14 năm. Cho đến nay danh tính thật sự của "Hunt" vẫn là một bí ẩn lớn.

Điều đáng khâm phục nhất là suốt gần bốn thập kỷ hoạt động bí mật, Melita Norwood chưa hề bị lật tẩy một lần nào, dù đã phải trải qua bảy cuộc điều tra trong giai đoạn từ năm 1938 đến năm 1965.

Thậm chí Cơ quan Mật vụ Anh vào năm 1965 đã được cảnh báo thẳng thừng về mối nguy hiểm đến từ cô thư ký có vẻ ngoài rất bình thường này, nhưng rốt cuộc vẫn "để yên" – mà theo một giả thuyết là vì họ không muốn mất công làm ảnh hưởng đến những vụ việc điều tra khác.

Sự sơ suất đó đã giúp nữ điệp viên tài ba cuối cùng đã "hạ cánh an toàn" vào năm 1972. Đó là thời điểm cô thư ký Melita Norwood nghỉ hưu tại công ty, đồng thời "Đặc vụ Hola" cũng thôi làm gián điệp cho Liên bang Xô viết.

Bị phản bội....

Toàn bộ câu chuyện ly kỳ về cuộc đời và sự nghiệp của bà có lẽ sẽ chìm vào lớp bụi thời gian, nếu không xảy ra một sự phản bội khác, lần này là tại chính KGB. Một nhân vật của cơ quan này là Vasili Mitrokhin vào năm 1999 đã đánh cắp khối tài liệu khổng lồ và loan đi khắp châu Âu, khiến danh tính của "Đặc vụ Hola" được đưa ra ánh sáng.

Hiển nhiên sự kiện này là một cú sốc lớn đối với chính phủ và Cơ quan Mật vụ Anh. Để tránh bẽ mặt trước công chúng, giới chức nước này đã phải khăng khăng rằng điệp viên Norwood chỉ đóng vai trò "bên lề" mà thôi.

Nhưng đáng chú ý hơn nữa là bà Norwood đã không hề bị truy tố về tội phản bội đất nước, bởi theo lời Ross Cranston, một quan chức cấp cao về tư pháp của chính phủ Anh, thì "rõ ràng là bất kỳ sự truy tố nào cũng sẽ thất bại thôi".

Rốt cuộc bà cụ Melita Norwood đã được thanh thản sống hết những năm tháng cuối cùng. Qua đời vào tháng Sáu năm 2005, nữ điệp viên hàng đầu của Liên Xô vẫn không một lần bị xử tội.

Dấu ấn của Melita Norwood để lại đối với lịch sử thế giới đã khiến chuyên gia sử học đầu ngành, giáo sư Christopher Andrew phải công nhận bà là "nữ đặc vụ người Anh quan trọng nhất trong lịch sử KGB và phục vụ lâu năm nhất trong số tất cả các điệp viên Liên Xô tại Anh".

Và thay cho sự trừng phạt, cái tên Melita Norwood đã trở thành nguồn cảm hứng cho một bộ phim tiểu sử mang tên "Red Joan" được làm phỏng theo cuộc đời của bà, với nữ minh tinh Judi Dench thủ vai chính.

Cả cuộc đời sống trong bí mật, cuối cùng bà cụ Norwood đã có thể yên lòng nơi trời xa.

Đọc các bài hồ sơ Liên Xô, tại đây.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại