Sáng sớm 11/8, Cơ quan vũ trụ Nga (Roscosmos) đã phóng thành công tàu vũ trụ Luna-25, mở ra giai đoạn mới đối với chương trình thám hiểm Mặt Trăng của Moscow. Đây cũng là sứ mệnh Mặt Trăng đầu tiên của Nga kể từ năm 1976.
Việc Nga phóng thành công tàu Luna-25 thám hiểm Mặt trăng đã đốt nóng nóng cuộc không gian giữa một bên là Nga và Trung Quốc, một bên là Mỹ và NATO.
Nga phóng thành công tàu vũ trụ Luna-25 thám hiểm Mặt Trăng sáng 11/8. Ảnh: Sputnik
Sứ mệnh của Luna-25 trên Mặt Trăng
Dự kiến, Luna-25 sẽ hạ cánh xuống cực nam của Mặt Trăng vào ngày 21/8. Con tàu sẽ nghiên cứu những khu vực mà con người chưa từng tiếp cận được.
Tàu Luna-25 có nhiệm vụ hoàn thiện công nghệ hạ cánh mềm, thu thập phân tích mẫu đất đá và thực hiện những nghiên cứu khoa học có tính dài hạn, ở vùng cực Nam cũng như như tầng khí quyển bên ngoài Mặt Trăng.
Sứ mệnh Luna-25 mở ra chương mới trong nghiên cứu về vệ tinh tự nhiên của Trái Đất. Nó cũng cho phép Roscosmos tìm ra các công nghệ mới để hạ cánh xuống bề mặt của Mặt Trăng. Ngoài ra, việc hạ cánh sẽ được thực hiện ở những khu vực trước đây không thể tiếp cận.
Tim Marshall, tác giả cuốn sách “Tương lai của địa lý” về địa chính trị không gian cho biết: “Nếu họ thành công, đó sẽ là một thành tựu khoa học và công nghệ to lớn”.
Ông lập luận rằng một cuộc đổ bộ thành công của Nga và một năm nghiên cứu hiệu quả sẽ đánh dấu một bước tiến lớn trong kế hoạch xây dựng căn cứ trên Mặt Trăng với Trung Quốc vào những năm 2030.
Sứ mệnh Luna-25 được Nga thực hiện để khám phá cực Nam của Mặt Trăng, nơi các nhà khoa học tin rằng có một nguồn cung cấp nước dồi dào bị khóa dưới lớp băng trong vùng tối vĩnh cửu của các rặng núi. Tăng cường dự trữ nước là một yêu cầu quan trọng để hỗ trợ sự sống trên Mặt Trăng bằng nguồn oxy có thể hít thở được, nước uống và thậm chí cả nhiên liệu tên lửa, sẽ giúp các quốc gia du hành vũ trụ khám phá thêm vũ trụ từ bất kỳ tiền đồn nào trên mặt trăng trong tương lai.
Cuộc đua ở cực Nam của Mặt Trăng
Nếu hạ cánh thành công tàu vũ trụ xuống cực Nam của Mặt Trăng, Nga sẽ trở thành quốc gia đầu tiên làm được điều đó. Một sự kiện như vậy cũng sẽ chứng minh cho Trung Quốc thấy rằng Nga vẫn là đối tác hàng đầu khi nói đến công nghệ hàng không vũ trị tiên tiến. Hai nước đã cam kết hợp tác để xây dựng một căn cứ trên Mặt Trăng vào những năm 2030, nhưng hiện nay Bắc Kinh rõ ràng vẫn đang là nước đóng vai trò tiên phong.
Ở phía bên kia của sự phân chia địa chính trị, Mỹ đang có kế hoạch gửi các phi hành gia đến cực Nam của Mặt Trăng vào cuối thập kỷ này như một phần của chương trình Artemis do Canada và các nước châu Âu hỗ trợ.
Hiện mới chỉ có 3 quốc gia, gồm Mỹ, Trung Quốc và Liên Xô, đã hạ cánh thành công tàu vũ trụ trên Mặt Trăng và chỉ có người Mỹ từng đặt chân lên bề mặt Mặt Trăng.
Ấn Độ, Nhật Bản và Israel gần đây đều đã thử và thất bại. Năm 2019, sứ mệnh Chandrayaan-2 của Ấn Độ gặp sự cố, trong khi nỗ lực trước đó cùng năm của các công ty Israel với Beresheet đã thất bại.
Tháng 4/2023, Hakuto-R Mission 1 của công ty khởi nghiệp ipsace của Nhật Bản cũng gặp sự cố và rơi tự do xuống Mặt trăng.
Sứ mệnh Chandrayaan-3 của Ấn Độ dự kiến sẽ tiếp cận bề mặt Mặt Trăng vào ngày 23/8 để khám phá cực Nam, 2 ngày sau thời điểm tàu Luna-25 dự kiến hạ cánh.
Luna-25 có thiết kế nhỏ gọn hơn các tàu vũ trụ trước đây của Nga nhưng được trang bị nhiều công nghệ hơn. Ảnh: TASS
Benjamin Silverstein, nhà phân tích của Dự án Không gian tại Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế, cho biết: “Thực tế cả Nga và Ấn Độ đều đặt mục tiêu hạ cánh ở cùng một khu vực trên Mặt Trăng cho thấy có những khu vực nhất định có giá trị hơn so với những khu vực khác”.
Mặc dù Roscosmos khẳng định không có khả năng xảy ra va chạm, nhưng việc không có quy định thống nhất ai có thể làm gì trên các thiên thể như Mặt Trăng có nghĩa là các quốc gia đang tự quyết định các quy tắc khi lên kế hoạch cho các sứ mệnh không gian.
Ông Silverstein cho biết những người đầu tiên đổ bộ lên cực Nam Mặt Trăng có thể xây dựng các tiêu chuẩn ưa tiên của riêng họ và mong đợi những người đến sau làm theo thay vì dựa vào quá trình chậm chạp và tốn nhiều công sức để cố gắng sửa chữa các tiêu chuẩn quản lý Mặt Trăng đã được thống nhất.
Hiệp định Artemis do Mỹ hậu thuẫn đặt ra các nguyên tắc ưu tiên của Washington cho một kỷ nguyên mới về khám phá không gian và nó có thể gây tranh cãi khi cho phép các quốc gia tuyên bố quyền tiếp cận độc quyền đối với một số khu vực thương mại xung quanh một căn cứ Mặt Trăng bên cạnh các sông băng hay các mỏ giàu tài nguyên.
Tim Marshall cho rằng: “Số lượng các bên ký kết Hiệp định Artemis tăng lên 29 cho thấy, đây chắc chắn sẽ là khối không gian thống trị của thế kỷ, nhưng trong tương lai gần, Trung Quốc, Nga hoặc các đồng minh của họ sẽ không tham gia hiệp ước này”.
Tầm nhìn của Roscosmos về chương trình thám hiểm Mặt Trăng
Việc hạ cánh một con tàu vũ trụ trên địa hình đồi núi ở các cực tối của Mặt Trăng không hề dễ dàng.
“Cực Nam có rất nhiều miệng núi lửa và rất nhiều đá” Nico Dettmann, trưởng nhóm thám hiểm Mặt Trăng của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (EAS) cho biết. Để đảm bảo hạ cánh mềm, cần phải xác định chính xác mục tiêu trong phạm vi 100-200 mét.
Ông cho biết công nghệ lập bản đồ và động cơ đẩy hiện tại, chẳng hạn như công nghệ được triển khai trên Luna-25, sẽ chỉ có thể xác định vị trí ở cách điểm mục tiêu từ 15-30 km.
“Những phát triển công nghệ vũ trụ này sẽ mất nhiều thời gian”, ông Dettmann nói.
Luna-25 từng được thiết lập để bao gồm các hệ thống camera điều hướng của ESA như một phần của thỏa thuận hợp tác, nhưng đã bị hủy bỏ cùng với một sứ mệnh riêng biệt tới Sao Hỏa có tên là ExoMars do xung đột Nga-Ukraine.
Tầm nhìn của Roscosmos đối với chương trình thám hiểm Mặt Trăng không chỉ dừng lại ở Luna-25. Cơ quan này đang lên kế hoạch phát triển Luna-26, Luna-27 và Luna-28 cho các sứ mệnh Mặt Trăng tiếp theo.
Trong kế hoạch phát triển Luna-28 - đây sẽ là tàu vũ trụ có khả năng quay trở lại Trái Đất sau khi thu thập các mẫu vật từ Mặt Trăng.