Vào ngày 12/4/1961, phi hành gia Yuri Gagarin đã thực hiện chuyến bay có người lái đầu tiên vào vũ trụ, đưa Liên Xô dẫn đầu trong cuộc đua vũ trụ. Với chiến công này, Liên Xô đã thiết lập sự thống trị của mình trong không gian trước Mỹ. Sáu thập kỷ sau, Nga một lần nữa hy vọng sẽ ghi dấu ấn trong không gian một lần nữa bằng cách phóng tàu vũ trụ Luna-25 vào sáng ngày 11/8/2023.
Đây cũng chính là tàu thăm dò Mặt Trăng đầu tiên của Nga kể từ năm 1976, sau khi nhiệm vụ vụ Luna-24 của Liên Xô mang thành công 170 g mẫu vật Mặt Trăng trở về Trái Đất.
Nếu theo đúng kế hoạch, tàu Luna-25 sẽ mất 5 ngày để tới Mặt Trăng và sau đó tiếp tục bay vòng quanh hành tinh này trong 5 – 7 ngày tiếp theo. Sau đó, con tàu này sẽ thực hiện hạ cánh xuống khu vực cực nam của Mặt Trăng, gần với miệng hố Boguslawsky. Tàu Luna-25 dự kiến hoạt động trên bề mặt Mặt Trăng ít nhất 1 năm.
Quá trình phóng tàu Luna-25 bị trì hoãn gần 2 năm. Nguyên nhân một phần do những căng thẳng giữa Nga và Ukraine, bắt đầu vào tháng 2/2022. Sau đó, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) đã dừng hợp tác chế tạo camera định vị Pilot-D nhằm giúp tàu Luna-25 có thể hạ cánh chính xác trên Mặt Trăng, và nhiều dự án vũ trụ khác.
Nga vừa phóng thành công tàu Luna-25 vào sáng 11/8. Ảnh: Roscosmos
Tuy nhiên, trong chuyến thăm sân bay vũ trụ Vostochny vào tháng 4/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định việc đưa Luna-25 tới Mặt Trăng vẫn là nhiệm vụ ưu tiên của quốc gia này.
Nhiệm vụ quan trọng của tàu vũ trụ Luna-25 chính là kiểm tra công nghệ để hạ cánh nhẹ nhàng xuống bề mặt Mặt Trăng, đồng thời thực hiện phân tích bụi và đá bề mặt, tiến hành các nghiên cứu khoa học khác. Ngoài ra, nếu hạ cánh thành công, con tàu này sẽ tìm hiểu lớp trên cùng của tầng phong hóa trên Mặt Trăng và đánh giá khí quyển siêu mỏng, tìm kiếm dấu hiệu của băng nước tại vùng cực nam.
Theo kế hoạch, tàu Luna-25 sẽ đáp xuống bề mặt Mặt Trăng vào ngày 23/8, cùng ngày với sự xuất hiện của tàu Chandrayaan-3 của Ấn Độ.
"Tham vọng" của Nga trong cuộc đua vào vũ trụ
Nga quyết tâm trở lại Mặt Trăng sau 47 năm. Ảnh: AP
Các chuyên gia nhận định, Nga đang tìm cách để khôi phục lại hình ảnh là một cường quốc vũ trụ.
Ông Xavier Pasco, một chuyên gia nghiên cứu chiến lược người Pháp, nhận định: "Luna-25 là một phần của chương trình được thiết kế để chuẩn bị cho cuộc đổ bộ lên Mặt Trăng. Nga muốn sử dụng chương trình này để chứng tỏ rằng họ đang ở trong cuộc đua vào không gian, bất chấp tình hình căng thẳng ở Ukraine".
Các chuyên gia cho rằng, Nga đang đánh một "canh bạc lớn" với sứ mệnh Luna-25. Bởi nếu thành công, Nga sẽ có thể lấy lại được ánh hào quang của thời kỳ hoàng kim năm xưa. Nhưng nếu thất bại, Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga (Roscosmos) chắc chắn phải đối mặt với hàng loạt khó khăn, trong khi thực tế cơ quan này cũng đang phải vật lộn để đưa các dự án của mình trở thành hiện thực.
Trên thực tế, trong những năm gần đây, rõ ràng Nga đã đánh mất vị thế cạnh tranh trong cuộc đua vào vũ trụ. Theo đó, sứ mệnh không gian gần nhất được Nga thực hiện vào tháng 2/2022 đã thất bại, khi tàu vũ trụ Soyuz bị rò rỉ chất làm mát và không thể cất cánh.
Được phát triển vào năm 1997, Luna-25 đã phải đối mặt với một số trở ngại kể từ khi nó được lên kế hoạch ban đầu vào những năm 2010. Ông René Pischer, đại diện của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) tại Nga, cho biết: "Tôi không thể đếm được đã bao nhiêu lần Nga lên kế hoạch phóng tàu Luna-25".
Đâu là động cơ khiến Nga quyết tâm tái khởi động cuộc thám hiểm Mặt Trăng?
Tàu Luna-25 của Nga và tàu Chandrayaan-3 của Ấn Độ trong cuộc đua tới Mặt Trăng. Ảnh: Timesofindia
Theo tờ DayFR Euro, có 4 động cơ khiến Nga tái khởi động cuộc thám hiểm Mặt Trăng sau 47 năm.
Thứ nhất, Nga muốn thoát khỏi lệnh trừng phạt của phương Tây. Theo đó, việc các nước phương Tây liên tiếp áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga đã làm ảnh hưởng tới các mối quan hệ đối tác khám phá không gian của quốc gia này.
Do đó, việc Nga quyết tâm phóng tàu Luna-25 lên Mặt Trăng là một sự tái khẳng định vị thế là cường quốc công nghệ hàng đầu, độc lập với phương Tây. Chỉ vài tháng sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định nước này sẽ tiếp tục thực hiện chương trình khám phá Mặt Trăng vào tháng 4/2022, Nga tuyên bố rời khỏi Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) vào năm 2024. Ngoài ra, Nga sẽ thành lập trạm vũ trụ của riêng mình và dự kiến đưa vào quỹ đạo năm 2030.
Bà Isabelle Sourbès-Verger, nhà địa lý học và giám đốc nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS), giải thích rằng: "Bằng cách tạo ra những sứ mệnh khám phá Mặt Trăng, Nga đang tìm cách để tạo ra những sứ mệnh của riêng mình. Chúng độc lập với sứ mệnh Artemis (do NASA thực hiện – PV) và các đồng minh của họ".
Năm 1961, phi hành gia Yuri Gagarin trở thành người đầu tiên bay vào không gian, mở ra một kỷ nguyên mới trên hành trình chinh phục không gian của loài người. Ảnh: History
Thứ hai, các chương trình khám phá Mặt Trăng đã và đang thu hút sự quan tâm của nhiều quốc gia trong những năm gần đây. Cụ thể, Hàn Quốc phóng tàu thăm dò Mặt Trăng Danuri vào tháng 8/2022. Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất đưa xe tự hành Rashid vào vũ trụ hồi tháng 4/2023. Hay mới đây nhất là Ấn Độ đã đưa thành công tàu Chandrayaan-3 lên quỹ đạo của Mặt Trăng vào ngày 5/8 vừa qua.
Bên cạnh đó, Mặt Trăng cũng là "miền đất hứa" của các công ty tư nhân. Chẳng hạn, công ty Moon Express muốn tiến hành khai thác helium-3 trên hành tinh này. Còn công ty Synergie Moon lại muốn trở thành nhà cung cấp dịch vụ phóng tàu vũ trụ ít tốn kém nhất hành tinh.
Thứ ba, Nga muốn trở thành quốc gia tiên phong trong việc khám phá vùng cực Nam của Mặt Trăng. Roscosmos cho biết: "Các nhà khoa học Nga muốn tiến hành kiểm tra các tảng đá mới từ các vùng Mặt Trăng khác nhau. Đây cũng chính là lý do khiến tàu Luna-25 phải hạ cánh xuống vùng cực Nam, nơi có địa hình hiểm trở trên Mặt Trăng".
Bà học Isabelle Sourbès-Verger nhận định, Nga đang dựa vào vùng lãnh thổ ít được khám phá này trên Mặt Trăng nhằm thực hiện các khám phá khoa học có tác động tới quốc tế.
Cụ thể, vào tháng 7 vừa qua, ông chủ của Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga (Roscosmos) đã thể hiện tham vọng này bằng cách tuyến bố rằng, tương lai của những chuyến bay có người lái của Nga sẽ dựa vào một chương trình khoa học cân bằng, đồng thời có hệ thống để mỗi chuyến bay làm giàu thêm kiến thức cho chúng ta. Một trong những tài nguyên mà Nga hướng tới chính là nước đá được lưu giữ trong hàng tỷ miệng núi lửa nhỏ ở Mặt Trăng.
Nga đã tìm được đồng minh là Trung Quốc trong cuộc đua trở lại Mặt Trăng lần này. Ảnh: Peter Jones Dela Cruz.
Thứ tư, trong cuộc đua trở lại khám phá Mặt Trăng lần nay, Nga đã tìm được một đồng minh. Đó là Trung Quốc. Thực tế vào tháng 8/2021, Nga và Trung Quốc đã ký một bản ghi nhớ về việc cùng nhau xây dựng một trạm vũ trụ trên bề mặt hoặc trên quỹ đạo của Mặt Trăng. Nếu hai quốc gia này hợp tác trong lĩnh vực thám hiểm không gian, dự án trên sẽ có quy mô chưa từng có.
Sự hợp tác giữa hai quốc gia rất hứa hẹn, bởi Trung Quốc có một chương trình không gian rất tốt, mở cửa cho quốc tế, nhà địa chất Jessica Flahaut tại Trung tâm nghiên cứu địa hóa và thạch học Nancy, nhận định. Trung Quốc trở thành quốc gia thứ ba (sau Mỹ và Liên Xô) mang về các mẫu vật từ Mặt Trăng nhờ tàu thăm dò Hằng Nga 5 vào tháng 12/2020.
Ông Lev Zeleny, Giám đốc Khoa học của Viện Nghiên cứu Vũ trụ Nga, cho biết, họ đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho lần hạ cánh này.
Trước khi buổi phóng tàu Luna-25 diễn ra, ông Lev Zeleny cho biết: "Các kỹ sư của sứ mệnh ước tính rằng chúng tôi có khoảng 80% cơ hội để thành công".
Sau tàu Luna-25, Nga có kế hoạch phóng tàu Luna-26 và Luna-27 lần lượt trong năm 2024 và 2025.
Bài viết tham khảo nguồn: France24, Theguardian, Euro.dayfr