Theo Reuters đưa tin, Nga sẽ phóng tàu vũ trụ hạ cánh xuống Mặt Trăng vào thứ Sáu (ngày 11/8) trong một cuộc đua với Ấn Độ. Chuyến hành trình với mục tiêu nghiên cứu và khai thác nguồn nước tiềm năng trên Mặt Trăng nhằm hỗ trợ cho sự hiện diện của con người trong tương lai.
Theo đó, vụ phóng tàu từ sân bay vũ trụ Vostochny, cách Moskva khoảng 5.550 km về phía đông, sẽ diễn ra 4 tuần sau khi Ấn Độ tiến hành phóng trạm đổ bộ Mặt Trăng Chandrayaan-3, sự kiến sẽ hạ cánh xuống vùng cực vào ngày 23/8.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, địa hình gồ ghề trên Mặt Trăng khiến việc hạ cánh trở nên khó khăn. Nhưng cực nam của Mặt Trăng là một điểm đến được đánh giá cao vì các nhà khoa học cho rằng đây là nơi có thể chứa một lượng băng đáng kể. Chúng có thể được sử dụng để khai thác nhiên liệu, oxy và nước uống.
Nga sẽ phong tàu Luna-25 lên Mặt Trăng vào ngày 11/8. Ảnh: Roscosmos
Theo Cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos, tàu vũ trụ Luna-25 của họ sẽ mất 5 ngày để bay lên Mặt Trăng và sau đó tàu trải qua từ 5 – 7 ngày trên quỹ đạo Mặt Trăng trước khi hạ cánh xuống một trong ba bãi đáp khả thi nằm gần vùng cực.
Khung thời gian này cho thấy Nga có thể bắt kịp hoặc đánh bại đối thủ là Ấn Độ trong nỗ lực hạ cánh xuống bề mặt của Mặt Trăng.
Cơ quan này cho biết thêm, hai nhiệm vụ sẽ không cản trở hay chạm trán nhau bởi chúng có khu vực hạ cánh khác nhau đã được lên kế hoạch.
"Không có nguy cơ hai con tàu cản trở hoặc va chạm với nhau. Bởi có đủ chỗ trống cho tất cả trên Mặt Trăng", Cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos, nhấn mạnh.
Cụ thể, tàu Chandrayaan-3 sẽ tiến hành thử nghiệm trong 2 tuần, trong khi tàu Luna-25 sẽ hoạt động trên Mặt Trăng trong một năm. Trước đó, vào tháng 4/2023, công ty iSpace của Nhật Bản đã thất bại trong nỗ lực thực hiện để trở thành công ty vũ trụ tư nhân đầu tiên hạ cánh xuống Mặt Trăng.
Tàu vũ trụ Chandrayaan-3 của Ấn Độ được phóng vào ngày 14/7/2023. Ảnh: AP
Tàu Chandrayaan-3 có chi phí khoảng 73 triệu USD. Đây là nhiệm vụ Mặt Trăng thứ ba của Ấn Độ. Bãi đáp của Chandrayaan-3 rộng 4 km x 2,5 km, nằm ở 69,367621 độ vĩ nam và 32,348126 độ kinh đông. Bãi đáp này gần với địa điểm hạ cánh dự kiến của tàu Luna 25.
Chandrayaan-3 dự kiến sẽ đáp xuống bề mặt Mặt Trăng vào ngày 23 hoặc ngày 24/8. Nếu thực hiện thành công, nhiệm vụ này sẽ trở thành cột mốc lịch sử, bởi vì những nhiệm vụ hướng đến cực nam đều thất bại. Trên thực tế, vùng cực nam của Mặt Trăng chỉ nhận được ánh sáng tại các góc thấp. Bóng tối ở vùng này khiến việc hạ cánh an toàn của các tàu vũ trụ trở thành thách thức lớn.
Nga sơ tán ngôi làng để chuẩn bị phóng tàu lên Mặt Trăng
Toàn cảnh bệ phóng Soyuz 2.1a của Nga mang theo các vệ tinh Lomonosov, Aist-2D và SamSat-218 cất cánh tại Vostochny bên ngoài thành phố Uglegorsk vào năm 2016. Ảnh: Reuters
Theo nhà nghiên cứu Lev Zeleny ở Viện Hàn lâm Khoa học Nga, với khối lượng 1,8 tấn và mang theo 31 kg thiết bị khoa học, tàu vũ trụ Luna-25 sẽ sử dụng một cái xẻng để lấy các mẫu vật đá từ độ sâu 15 cm. Việc này nhằm kiểm tra về sự tồn tại của nước đóng băng có thể hỗ trợ cho sự sống của con người hay không.
Trên thực tế, buổi phóng tàu lần đầu được lên lịch vào tháng 10/2021, nhưng đã bị trì hoãn gần 2 năm. Bên cạnh đó, Cơ quan Vũ trụ châu Âu cũng từng lên kế hoạch kiểm tra camera định vị Pilot-D của họ, bằng cách gắn nó vào tàu Luna-25. Tuy nhiên, cơ quan này đã rút khỏi dự án sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, tháng 2/2022.
Một quan chức địa phương cho biết, theo kế hoạch, các cư dân ở một ngôi làng ở vùng viễn đông của Nga sẽ được sơ tán khỏi nhà riêng vào 7h30' sáng 11/8 vì có một phần triệu khả năng tầng tên lửa dùng để phóng tàu Luna-25 có thể sẽ rơi trở lại Trái Đất ở đó.
Cụ thể, 26 cư dân của ngôi làng Shakhtinsky sẽ được đưa đến nơi họ có thể quan sát buổi phóng tàu và ăn sáng miễn phí, sau đó trở về nhà trong vòng từ 3 – 3,5 giờ đồng hồ. Ngoài ra, những người thợ săn và ngư dân ở trong vùng cũng đã được cảnh báo về rủi ro có thể xảy ra trong quá trình phóng tàu vũ trụ.
Tàu Luna-25 sẽ được phóng trên tên lửa đẩy Soyuz-2. Đây sẽ là tàu đổ bộ đầu tiên đến khu vực cực nam của Mặt Trăng.
Bài viết tham khảo: Reuters, Space