Bạn đã nghe câu chuyện "chim bói cá dời tổ" chưa?
Có một câu chuyện kể rằng, chim bói cá nọ thích xây tổ trên cao để tránh nguy hiểm. Sau khi chim con nở ra, chim mẹ thấy tổ cao quá, sợ con rơi xuống nên đã dời tổ xuống thấp hơn một chút.
Sau khi chim con mọc lông, chim mẹ càng lo lắng cho sự an toàn của chim con nên tiếp tục dời tổ xuống dưới. Sau nhiều lần như vậy, tổ chim ở vị trí rất thấp, những người đi đường nhìn thấy đã bắt chim con đi.
Có con rồi, một số người trở thành những "bà mẹ bói cá" lúc nào không biết, luôn canh cánh trong lòng không thể rời xa con mình.
Khi con còn nhỏ thì người mẹ sợ con đói, lạnh, không biết gì nên làm mọi thứ thay con. Khi con lớn hơn một chút, người mẹ bắt đầu lo lắng không ngừng về việc học hành, bạn bè, thói hư tật xấu… nên càng muốn bên cạnh chỉ bảo con nhiều hơn.
Lo lắng quá nhiều là một "lời nguyền”
Một người mẹ có cô con gái học lớp 2 than thở con mình không chịu ăn cơm ở trường, phải mang đồ ăn ở nhà đến trường mỗi ngày. Khi giáo viên chủ nhiệm tìm hiểu nguyên nhân, hóa ra lại có liên quan tới người mẹ.
Ngay từ ngày đầu tiên đi học, người mẹ đã liên tục hỏi con mình rằng: "Hôm nay ở trường con ăn gì, món đó gồm có cái gì, nấu có ngon không". Ngay cả món trứng xào cà chua người mẹ cũng hỏi cà chua có nhiều hay ít hơn trứng.
Chính sự lo lắng quá mức về chuyện ăn uống của con mình, sợ con không chịu ăn ở trường, ăn không ngon đã dẫn tới tình trạng cô bé này biếng ăn.
Theo định luật Murphy, khi bạn càng lo lắng về điều gì đó thì khả năng nó xảy ra càng cao. Bởi vì mỗi khi bạn lo lắng, bạn đang truyền sự lo lắng cho con mình.
Những lo lắng và chỉ dẫn không ngớt của người mẹ đang gợi ý cho trẻ rằng: Con kén ăn, con cần được bảo vệ và con không thể làm gì nếu không có mẹ.
Trẻ sẽ ghi nhớ những điều này trong lòng, dần dần trở nên lo lắng, không tin tưởng vào bản thân.
Sự lo lắng và sợ hãi quá mức của người mẹ đã làm suy yếu sức mạnh ban đầu của trẻ, khiến chúng thường xuyên gặp rắc rối, dần dần trở nên yếu đuối và bất tài.
Lo lắng quá mức khiến trẻ "mắc nghẹn"
Một cư dân mạng Zhihu đã từng chia sẻ kinh nghiệm của chính mình.
Từ khi còn nhỏ, cô đã nghe nhiều nhất những từ "không, không, không an toàn".
Khi 18 tuổi, cô muốn đi leo núi với bạn bè nhưng người mẹ nói: "Con có biết hàng năm có bao nhiêu người ngã chết trên ngọn núi này không?".
Khi đến trường đại học, cô mỗi lần ra ngoài đều phải báo cáo với mẹ, cứ 1-2 tiếng lại phải gọi điện hoặc nhắn tin báo địa điểm, nếu không sẽ nhận được hàng loạt cuộc từ mẹ.
Mẹ cô thường gửi những bài viết có nội dung liên quan đến "nhảy lầu tự tử, nữ sinh đại học bị lừa gạt". Càng lớn, cô càng chán ghét và chán ghét sự quan tâm này. Cô cảm thấy thế giới thật u ám, hay lo lắng, nghi ngờ, mất ngủ thường xuyên.
Trong nhiều trường hợp, xuất phát điểm của cha mẹ là tình yêu thương nhưng cách biểu hiện lại biến thành sự kiểm soát.
Lo lắng cho con cái là một bản năng của các bà mẹ, nhưng lo lắng và kiểm soát thái quá chính là kiểu cha mẹ "trực thăng" điển hình. Người mẹ giống như chiếc trực thăng, luôn lơ lửng trên đầu con cái, sẵn sàng can thiệp bất cứ lúc nào.
Tin tưởng và buông tay là món quà quý giá nhất dành cho con cái
Có một người mẹ là hiệu trưởng, nhiều năm gắn bó với công tác giáo dục nhưng lại bất lực trước việc trưởng thành của con gái.
Là người mạnh mẽ, cô đã sớm hoạch định con đường tương lai cho con gái mình. Để tìm được một ngôi trường tốt cho con, cô đã làm việc chăm chỉ và nhiều lần cho con chuyển trường. Thế nhưng, điểm số của con gái cô cứ tụt dốc không phanh.
Sự bất lực trong việc học của con đã khiến cô nhận ra một bài học, sau đó cô quyết định "trả lại" sự tự do cho con mình.
Con gái cô sau đó đã tự mình hoàn thành hồ sơ xin học ở các trường nước ngoài, chọn chuyên ngành thiết kế thời trang mà mình yêu thích, vượt qua kỳ thi một cách suôn sẻ và được một số trường thông báo nhập học.
Sau khi tốt nghiệp, con gái cô sớm bắt đầu kinh doanh riêng và thành lập thương hiệu quần áo của mình.
Khi cô buông tay và mọi thứ chuyển biến theo chiều hướng tốt hơn, cô mới nhận ra những việc lo lắng của mình là không cần thiết, thậm chí còn đang cản trở sự trưởng thành của con gái.
Người mẹ cứ nghĩ mình cần chọn cho con những thứ tốt nhất nhưng lại quên mất rằng, sự tin tưởng và buông bỏ mới là thái độ quan trọng nhất mà cha mẹ nên có.
Đứa trẻ được tin tưởng hoàn toàn sẽ có niềm tin mãnh liệt "con giỏi, con làm được, con sẽ làm được", chúng thường tỏ ra mạnh mẽ, không sợ hãi trước những thất bại.
Nhà tâm lý học Chris Menor đã nói rằng, trẻ không thể học cách giải quyết vấn đề khi chúng không có không gian để đối mặt với chính mình.
Nếu mẹ đút cho con ăn, con sẽ không học được cách tự ăn.
Nếu mẹ sợ con bị ngã, bị thương, không cho làm việc này, không cho chơi, trẻ sẽ không có khả năng tự lo cho bản thân.
Nếu mẹ cứ vội vàng giúp con giải quyết mâu thuẫn hết lần này đến lần khác, con sẽ quen ỷ lại vào mẹ.
Nếu mẹ lo lắng con sẽ đi đường vòng và lên kế hoạch cho mọi thứ, con không bao giờ có thể học được tính trách nhiệm.
Trên thực tế, những vấn đề lo lắng thường thấy của người mẹ thực chất là "món quà" cần thiết trong quá trình trưởng thành của trẻ. Trẻ cần tích lũy kinh nghiệm, học cách lựa chọn, sau đó trở thành một người biết tự lập trong quá trình không ngừng thử nghiệm, khám phá, mắc lỗi và sửa lỗi.