Không quân Ấn Độ (IAF) được đánh giá là một trong bốn lực lượng không quân mạnh nhất trên thế giới. Quốc gia này từng tham gia phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm Sukhoi/HAL (FGFA) dựa trên Sukhoi Su-57 của Nga, nhưng vào năm 2018 Ấn Độ đã rút khỏi chương trình FGFA. Tuy nhiên có thể họ sẽ quay trở lại và tham gia phát triển giai đoạn cuối của dự án.
FGFA dự kiến sẽ có 43 cải tiến so với Su-57, bao gồm các cảm biến, kết nối mạng và hệ thống tác chiến điện tử tiên tiến. Phiên bản Ấn Độ thiết kế là loại máy bay hai chỗ, gồm một phi công ngồi và một người điều khiển hệ thống vũ khí.
Trong khi đó, Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng phi đội máy bay chiến đấu J-20 với gần 250 chiếc đang hoạt động. Những chiếc J-20 đã được phát hiện tại các căn cứ không quân dọc theo đường kiểm soát thực tế (LAC) ở Tân Cương và Tây Tạng, giáp với biên giới Ấn Độ.
Ấn Độ cũng đang phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm của riêng mình, loại máy bay chiến đấu hạng trung tiên tiến (AMCA). Tuy nhiên, Su-57 vẫn là một lựa chọn hàng đầu, do Ấn Độ đã mua hệ thống phòng không S-400 của Nga cho nên họ không thể mua được F-35 của Mỹ.
Chiến đấu cơ Su-57
Su-57 là máy bay chiến đấu tàng hình đa năng hai động cơ, được phát triển vào năm 1999 với tên gọi T-50. Đây là máy bay tàng hình đầu tiên được thiết kế cho Quân đội Nga.
Năm 2009, thiết kế của máy bay đã chính thức được phê duyệt, chuyến bay đầu tiên diễn ra vào ngày 29/1/2010. Đến tháng 7/2017 thì T-50 được đặt tên là Su-57, đến năm 2020 được đưa vào sử dụng trong Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga. Tính đến thời điểm hiện tại, 32 chiếc đã được chế tạo, bao gồm 10 mẫu thử nghiệm và 22 chiếc sản xuất.
Su-57 được thiết kế cho các nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không, nhưng cũng có thể tấn công các mục tiêu trên mặt nước và trên biển. Su-57 được đánh giá cao nhờ công nghệ tàng hình, khả năng cơ động cao, khả năng hành trình ở tốc độ cao mà không cần đốt sau, hệ thống điện tử hàng không tiên tiến và mang được tải trọng lớn.
Tuy nhiên, dự án đang phải đối mặt với một số vấn đề về công nghệ và kinh phí. Trong các thử nghiệm ban đầu, đã xuất hiện các vết nứt cấu trúc, cho thấy khung máy bay cần được thiết kế lại.
Su-57 có thiết kế thân cánh rộng, được trang bị hai động cơ mạnh mẽ, giúp máy bay di chuyển ngang và dọc ổn định. Thân Su-57 sử dụng vật liệu tổng hợp composite nên nhẹ và chắc chắn, chiếm 22 - 26% trọng lượng kết cấu và khoảng 70% bề mặt bên ngoài.
Các chuyên gia cũng đã nỗ lực cắt giảm tiết diện radar (RCS) và hồng ngoại (IR) để cải thiện khả năng tàng hình cho máy bay. Ngay cả vòm buồng lái máy bay cũng được phủ các lớp oxit kim loại để tăng khả năng hấp thụ sóng rada. Tuy nhiên, khả năng tàng hình ở phần sau thân máy bay không được đánh giá cao như các máy bay Mỹ.
Hệ thống điện tử sử dụng các kênh cáp quang tiên tiến, bao gồm một radar chính gắn ở mũi với 1.514 mô-đun T/R và hai radar nhìn hai bên với 404 mô-đun T/R mỗi cái, được gắn vào má thân máy bay phía trước để tăng độ bao phủ.
Ăng-ten mũi đặt nghiêng về phía sau để tăng khả năng tàng hình. Nó cũng có dãy băng tần L N036L-1-01 ở các cạnh phía trước. Hệ thống máy tính trên máy bay có khả năng quản lý cả tín hiệu radar, cải thiện đáng kể việc xử lý thông tin.
Su-57 còn được trang bị hệ thống theo dõi và quan sát ban đêm, hệ thống đối phó để chống lại tên lửa hồng ngoại và các cảm biến có thể phát hiện các vụ phóng tên lửa. Máy bay cũng được trang bị thêm một camera nhiệt dành cho các chuyến bay ở độ cao thấp, cũng như hệ thống định vị và nhắm mục tiêu.
Su-57 có thể phóng pháo sáng và mồi nhử radar để gây nhầm lẫn cho tên lửa của đối phương. Su-57 cũng được thử nghiệm với trí tuệ nhân tạo AI và các công nghệ tiên tiến dành cho máy bay không người lái.
Chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 của Nga còn được trang bị hai động cơ NPO Lyulka-Saturn AL-41F1, những động cơ này tạo ra lực đẩy 88,3 kN khi không có bộ đốt sau và có thể lên tới 142,2 kN với bộ đốt sau, công suất tối đa là 147,1 kN.
Su-57 có hai khoang vũ khí chính bên trong, mỗi khoang dài khoảng 4,4 m và rộng 0,9 m. Ngoài ra còn có hai khoang vũ khí bên dưới thân máy bay gần cánh. Các khoang này có thể mang 4 tên lửa ngoài tầm nhìn R-37M và 2 tên lửa tầm ngắn R-74 nâng cấp. Ngoài ra nó có thể mang bom và tên lửa tấn công mặt nước.
Khi thực hiện các nhiệm vụ không tàng hình, Su-57 có thể gắn các loại vũ khí khác nhau vào 6 giá treo bên ngoài, trong đó có tên lửa đạn đạo phóng từ trên không Kh-47M2 Kinzhal.
Su-57 có thùng nhiên liệu lớn, giúp máy bay có thể hoạt động trong phạm vi 1.500 km, gấp hơn hai lần so với Su-27. Máy bay cũng có một đầu dò tiếp nhiên liệu để mở rộng phạm vi hoạt động.
Su-57 trên thực tế
Năm 2011, Bộ Quốc phòng Nga dự kiến mua 10 máy bay đầu tiên và sau đó mua thêm 60 chiếc nữa vào năm 2015. Kế hoạch sẽ mua 52 máy bay vào năm 2020 và 150–160 chiếc khác vào năm 2025.
Đến tháng 6/2018, đơn đặt hàng cho 12 máy bay đã được thực hiện. Việc giao hàng phải lùi lại sang năm 2019 khi hợp đồng mua 76 chiếc máy bay này chính thức được ký kết, ấn định giao hàng vào năm 2028. Quá trình sản xuất hàng loạt máy bay này bắt đầu vào tháng 7/2019.
Với việc mở dây chuyền sản xuất mới vào năm 2022, 12 chiếc Su-57 có thể được giao cho Không quân Nga vào cuối năm 2023. 20 chiếc khác dự kiến sẽ được chế tạo vào năm 2024, khiến Su-57 trở thành máy bay phản lực được sản xuất nhiều nhất máy bay chiến đấu ở Nga.
Năm 2018, Nga triển khai 2 chiếc Su-57 cùng với 4 máy bay chiến đấu Sukhoi Su-35, 4 máy bay Sukhoi Su-25 và một máy bay Beriev A-50 AEW&C tới căn cứ không quân Khmeimim ở Syria. Một chiếc Su-57 được cho là đã bắn một tên lửa hành trình có thể là Kh-59MK2. Theo báo cáo, Su-57 đã thực hiện khoảng 10 phi vụ ở Syria.
Đơn vị đầu tiên sử dụng Su-57 là Trung đoàn hàng không tiêm kích cận vệ 23, đóng tại Dzyomgi thuộc Quân khu phía Đông. Việc triển khai bắt đầu vào năm 2023 và tất cả 24 máy bay dự kiến sẽ được giao vào năm 2025.
Nga được cho là đã sử dụng máy bay chiến đấu Su-57 để tấn công các mục tiêu ở Ukraine bằng tên lửa tầm xa, nằm ngoài khu vực phòng không của Ukraine. Su-57 cũng được sử dụng để vô hiệu hóa hệ thống phòng không của đối phương.
Một số báo cáo cho rằng, khả năng hiển thị radar thấp của Su-57 đã được chứng minh trong chiến đấu, tấn công thành công cả mục tiêu trên không và mặt đất, bao gồm cả việc bắn hạ một chiếc Su-27 của Ukraine bằng tên lửa tầm xa R-37.
Đến tháng 5/2024, các nguồn tin Ukraine cho biết, Nga đã tăng cường sử dụng tiêm kích Su-57 để tấn công các mục tiêu ở Ukraine. Vào ngày 9/6/2024, Tổng cục Tình báo Ukraine đã công bố các hình ảnh vệ tinh cho thấy một chiếc Su-57 được cho là bị hư hại tại Sân bay Akhtubinsk sau một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine vào căn cứ không quân cách biên giới 600 km.
Tương lai của Su-57
Các biện pháp trừng phạt liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine đã làm chậm việc Nga nhập khẩu chất bán dẫn và thiết bị công công nghệ cao từ Liên minh châu Âu. Mặc dù vậy, Tập đoàn Máy bay Thống nhất (UAC) cho biết, phiên bản Su-57 nâng cấp đã thực hiện chuyến bay đầu tiên vào ngày 21/10/2022.
Su-57M nâng cấp sẽ được trang bị động cơ AL-51F-1 tiên tiến hơn, lực đẩy lên tới 167 kN với bộ đốt sau. Có các bộ phận bằng nhựa sợi thủy tinh và vòi phun được thiết kế đặc biệt để giảm khả năng phát hiện của radar và tia hồng ngoại.
Một biến thể Su-57 hoạt động trên tàu sân bay cũng đang được phát triển Ngoài ra, có thông tin cho rằng, một cuộc thử nghiệm đã được tiến hành bằng cách sử dụng một nhóm Su-35, trong đó một chiếc Su-57 đóng vai trò là máy bay chỉ huy và điều khiển.
Máy bay chiến đấu J-20 của Trung Quốc
Chengdu J-20 là máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm, hai động cơ phản lực của Trung Quốc. J-20 được thiết kế như một máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không với khả năng tấn công chính xác.
Chiếc máy bay này thực hiện chuyến bay đầu tiên vào tháng 1/2011 và bắt đầu hoạt động vào tháng 2/2018. Như vậy, Trung Quốc là quốc gia thứ hai trên thế giới và là quốc gia đầu tiên ở châu Á sản xuất được máy bay tàng hình và đưa vào hoạt động với gần 250 chiếc.
J-20 được trang bị radar mảng pha điện tử chủ động (AESA) Type 1475 với hơn 1.800 mô-đun. J-20 cũng có 6 cảm biến được gọi là “Hệ thống khẩu độ phân tán”, có thể cung cấp phạm vi bao phủ đa hướng, giúp phi công bao quát hoàn toàn. Hệ thống này kết hợp hình ảnh radar và hồng ngoại giúp mang lại nhận thức tình huống tốt hơn.
J-20 ban đầu sử dụng động cơ WS-10C sản xuất trong nước với lực đẩy 142-147 kN được cải tiến bằng vòi phun đặc biệt để tàng hình. Sau đó được thay thế bằng động cơ WS-15 với lực đẩy 180 kN, điều này rất quan trọng để J-20 có tốc độ cao hơn và khả năng cơ động tốt hơn.
Khoang vũ khí chính chứa các tên lửa không đối không tầm xa (PL-12, PL-15 và PL-21) và đạn dẫn đường chính xác. Hai khoang vũ khí bên nhỏ hơn, nằm phía sau cửa hút gió, dành cho tên lửa tầm ngắn như PL-10. Lầu Năm Góc cho biết, Trung Quốc có kế hoạch nâng cấp khoang vũ khí để có thể chứa 6 tên lửa. Máy bay cũng có bốn điểm cứng bên ngoài cho các nhiệm vụ không tàng hình.
Năm 2022, Trung Quốc sản xuất khoảng 40 đến 50 khung máy bay và dự kiến sẽ tăng lên 100 đến 120 chiếc mỗi năm vào năm 2024. Hiện tại, Lực lượng Không quân Trung Quốc (PLAAF) hiện có khoảng 240 máy bay J-20. Mục đích là để đối trọng với số lượng máy bay chiến đấu F-35 ngày càng tăng mà Mỹ triển khai ở Tây Thái Bình Dương. Đến đầu những năm 2030, phi đội J-20 có thể lên tới 1.000 chiếc.
Truyền thông Trung Quốc đưa tin J-20S, phiên bản mới của họ đang được phát triển cho các nhiệm vụ ném bom chiến thuật, tác chiến điện tử và tấn công tàu sân bay. Điều này khiến J-20S trở thành máy bay chiến đấu tàng hình có hai chỗ ngồi đầu tiên trên thế giới.
Ghế phụ cho phép phi công phụ hỗ trợ tấn công và trinh sát, đồng thời quản lý các máy bay chiến đấu không người lái (UCAV) được liên kết thông qua hệ thống cảm biến. Ngoài ra, Trung Quốc đang nghiên cứu UCAV tàng hình AVIC Dark Sword và UCAV Hongdu GJ-11 để hỗ trợ các vai trò này.
Khoảng 10 phi đội đã hoàn thành quá trình chuyển đổi sang sử dụng máy bay chiến đấu mới. J-20 đã bắt đầu tuần tra thường xuyên ở Biển Đông. Tuy nhiện, J-20 vẫn chưa rời khỏi lãnh thổ Trung Quốc, ngay cả khi tham gia các cuộc triển lãm hàng không hay tập trận chung với các nước khác. J-20 đã được nhìn thấy tại các căn cứ không quân trên Đường kiểm soát thực tế Ấn Độ - Trung Quốc.
Lựa chọn của Ấn Độ
J-20 cho thấy nỗ lực tự chủ và thoát khỏi sự phụ thuộc vào công nghệ Nga của Trung Quốc. Tuy nhiên, Su-57 đã được sử dụng tham chiến ở Syria và Ukraine còn J-20 vẫn chưa rời khỏi Trung Quốc.
Ấn Độ vẫn là khách hàng tiềm năng hàng đầu của Nga, nhưng họ cũng đang phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 của riêng mình. Sau khi rời khỏi chương trình FGFA, Ấn Độ đã biết được những hạn chế của Su-57. Ngoài ra, Ấn Độ không muốn phụ thuộc quá nhiều vào vũ khí Nga. Tuy nhiên, nếu chương trình máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 của nước này tiếp tục bị trì hoãn và Pakistan có được máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm, Ấn Độ có thể sẽ suy nghĩ lại.
Máy bay Trung Quốc và Nga sẽ cạnh tranh tại các thị trường ở Châu Phi, Tây Á và Đông Nam Á, nơi giá cả phải chăng sẽ là một lợi thế lớn.
Vào ngày 27/12/2019, Algeria đã ký thỏa thuận mua 14 máy bay Su-57, đây là một phần của gói thầu quân sự lớn hơn, bao gồm cả việc mua máy bay chiến đấu Su-34 và Su-35. Algeria dự kiến sẽ nhận được Su-57E đầu tiên vào năm 2028.
Có thông tin cho rằng Việt Nam, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Iraq cũng bày tỏ sự quan tâm đến Su-57. Tuy nhiên cho đến nay, chưa có máy bay chiến đấu Su-57 nào được xuất khẩu.
Với việc Trung Quốc đang tích cực phát triển phi đội máy bay chiến đấu tàng hình J-20 và Pakistan bày tỏ sự quan tâm đến máy bay chiến đấu tàng hình (FC-31) của Trung Quốc. Ấn Độ cần phải hành động nhanh chóng và cần một giải pháp tạm thời. Lựa chọn phù hợp nhất cho IAF là Su-57 và thậm chí cả Su-75 Checkmate mà Nga đang đề xuất.