Su-33 bay tuần trên không phận ngoài khơi cảng Tartus của Syria
Các tiêm kích hạm Su-33 của Nga đã được trông thấy trên bầu trời cảng Tartus của tỉnh Latakia, có nghĩa là tàu tuần dương mang máy bay chiến đấu “Đô đốc Kuznetsov” (thường được gọi là tàu sân bay) của Nga sắp tiến vào vùng lãnh hải Syria - Defence.ru dẫn nguồn tin từ Syria cho biết.
Cổng thông tin Defence.ru cho biết, những người dân bình thường Syria ở Latakia đã phân biệt rõ chiến đấu cơ Su-33 của Nga bay trên không phận cảng Tartus (Tartous), tức là lực lượng Không quân thuộc Hải quân Liên bang Nga đã bắt đầu hoạt động tuần tra không phận Syria
Ngày 15/10, đội tàu sân bay Nga thuộc Hạm đội Biển Bắc (hay còn gọi là Hạm đội Phương Bắc) đã khởi hành từ quân cảng của hạm đội ở Severomorsk, thẳng tiến đến bờ biển Syria ở Địa Trung Hải, tham gia chiến dịch quân sự chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria.
Biên đội tàu này gồm 8 tàu, dẫn đầu là tàu sân bay “Đô đốc Kuznetsov”, tuần dương hạm “Peter Đại đế”; 2 tàu khu trục chống ngầm Severomorsk, “Phó Đô đốc Kulakov”; cùng 4 tàu bảo đảm khác là tàu vận tải đổ bộ, tàu bổ trợ hậu cần, tàu kéo, tàu dầu khác.
Trong suốt hành trình, đội tàu Nga trở thành mục tiêu quan sát chăm chú của các nước NATO, các phi công Nga thường xuyên thực hành thao tác cất cánh và hạ cánh.
Hôm 21/10, biên đội tàu sân bay Nga do tàu Đô đốc Kuznetsov dẫn đầu đã tiến vào eo biển Manche của Anh. Tại thời điểm tàu Nga đi qua eo biển Manche, chiến hạm của 3 nước NATO đã thực hiện giám sát nhất cử nhất động của biên đội tàu Nga.
Tiêm kích hạm Su-33 trên tàu sân bay “Đô đốc Kuznetsov” của Nga
Nhiệm vụ theo dõi chuyển động của tàu Nga trước đó giao cho khu trục hạm HMS Duncan thuộc Type 45, lớp Daring và tàu hộ vệ Type 23 HMS Richmond. Tuy nhiên, để đề phòng “bất trắc”, Anh đã phải kêu gọi thêm viện binh là những tàu chiến nhỏ của Hà Lan và Bỉ.
Sau khi bơi vòng quanh châu Âu trên biển Đại Tây Dương, biên đội tàu Nga bắt đầu đi vào Địa Trung Hải. Đến sáng hôm 26/10, nhóm tàu Nga đã vượt qua eo biển Gibraltar - eo biển phân cách 2 lục địa châu Âu và châu Phi, nối thông Địa Trung Hải với Đại Tây Dương.
Nhưng NATO đã gây sức ép rất lớn với Tây Ban Nha và Malta để 2 nước này không cho phép biên đội tàu Nga được vào cảng của họ tiếp liệu, dẫn đến việc Nga phải sử dụng 2 tàu dầu đi kèm trong biên đội để tiếp dầu cho nhau ở vùng biển Bắc Phi, rồi tiếp tục tiến về bờ đông Địa Trung Hải.
Đến giai đoan này, Nga đã điều động thêm 3 tàu ngầm của Hạm đội Biển Bắc, bao gồm hai chiếc tàu ngầm hạt nhân của đề án 971 Tshuka-B và một tàu ngầm diesel-điện của đề án 877 Paltus, 3 tàu này hồi cuối tháng 10 đã hiện diện ở vùng biển phía Bắc Đại Tây Dương.
Trước động thái liên tiếp tăng cường lực lượng và vũ khí-trang bị của Nga, ban lãnh đạo NATO lo ngại rằng tham gia vào nhóm tàu còn có tàu ngầm Nga trang bị tên lửa Kalibr và có thể được sử dụng để giáng đòn tấn công vào các mục tiêu ở Syria, đặc biệt là ở Aleppo.
Nhà báo Matthew Chance của kênh truyền hình Mỹ CNN rất ấn tượng trước tính năng của "Đô đốc Kuznetsov" và lưu ý rằng, tàu sân bay có thể chứa đến năm mươi máy bay chiến đấu các loại, bao gồm cả máy bay trực thăng tấn công và máy bay ném bom trên hạm.
Tàu sân bay "Đô đốc Kuznetsov" có thể mang theo Su-33 là phiên bản máy bay tiêm kích hạm thuộc dòng Su-27 - một chiến đấu cơ hạng nặng có khả năng làm chủ bầu trời. Máy bay chiến đấu này được trang bị các loại tên lửa tầm trung và tầm xa, pháo hàng không mạnh.
Ngoài ra, tàu sân bay Nga sẽ mang theo một số chiến đấu cơ hạng nhẹ như MiG-29K, trực thăng Ka-27, Ka-31 và trực thăng tấn công siêu mạnh Ka-52K Katran. Dẫn đầu đội tàu hộ vệ là tuần dương hạm hạng nặng động cơ hạt nhân "Peter Đại đế", trang bị các vũ khí phòng thủ và tấn công hùng hậu.
Biên đội tàu của Hạm đội Thái Bình Dương sẽ hợp với nhóm tàu Nga thuộc Hạm đội Biển Đen, do tuần dương hạm Moskva thống lĩnh, đã hiện diện ở đây từ hồi năm ngoái, cùng tham gia chiến dịch quân sự chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS ở Syria,
Lực lượng này trước hết sẽ đảm nhận nhiệm vụ chống hạm, chống ngầm, lập ô phòng không hạm đội trên toàn bộ vùng biển phía Đông Địa Trung Hải nhằm bảo vệ an toàn tuyệt đối cho căn cứ không quân Nga ở Hmeymim và căn cứ hải quân Tartous, thuộc tỉnh Latakia của Syria.
Các chuyên gia phương Tây cho rằng, cùng với các máy bay ném bom ở trong nước đã sẵn sàng hành động, Nga đã huy động sức mạnh tổng lực lớn nhất cho chiến trường Syria nhằm chuẩn bị cho trận đánh cuối cùng ở Aleppo và răn đe những cái đầu nóng muốn tấn công tiêu diệt quân đội Syria.
Máy bay trực thăng tấn công Ka-52K Katran được triển khai trên tàu sân bay Nga
"Đô đốc Kuznetsov" được điều động tới khu vực ngoài khơi bờ biển Syria nhằm kiểm soát hoàn toàn không phận phía Đông của biển Địa Trung Hải. Nếu cần thiết, nó sẽ có thể chuyển sang chức năng tham gia vào các cuộc không kích vào nhiều mục tiêu trên lãnh thổ Syria.
Theo ý kiến của nhà báo Chance, việc gửi phân hạm đội tàu này là "một thông điệp mang tính biểu tượng quan trọng" của Moscow, nói lên rằng quân đội Nga có thể mang lực lượng quy mô lớn vào bất cứ cuộc chiến nào, ở những khu vực xa xôi đến đâu.
Tình huống này gây ra mối quan tâm của nhiều nhà quan sát phương Tây, bởi vì họ coi đó là một dấu hiệu gia tăng đáng kể trong cường độ hành động của Nga ở Syria, mà đặc biệt là chiến trường Aleppo. Tuy nhiên, ý nghĩa biểu tượng của nó còn cao hơn nhiều.
Với việc gửi biên đội tàu chiến do tàu sân bay "Đô đốc Kuznetsov" dẫn đầu đến vùng nước ven biển của Syria, Moscow đã gửi cho thế giới một thông điệp thể hiện sự sẵn sàng can thiệp đến cùng ở Syria và gửi tới Mỹ-NATO một tín hiệu cảnh cáo mạnh mẽ.
Việc tàu sân bay "Đô đốc Kuznetsov" hiện diện trên bờ biển Syria là thông điệp mang tính biểu tượng quan trọng, thể hiện rằng chính quyền Nga đã thực hiện đúng cam kết với Tổng thống Bashar al-Assad là bảo vệ tính hợp Hiến của chính quyền Syria và tích cực đấu tranh chống khủng bố IS.