Thông tin trên thực ra không hề mới vì từ lâu tiêm kích thế hệ 4++ Su-35S, hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-400, hay xe tăng chiến đấu chủ lực T-90 dường như được xem là đã nằm trong "tầm ngắm" của Việt Nam. Nay khi hợp đồng mua xe tăng T-90S/SK đã bắt đầu được thực hiện thì sự chú ý dồn vào hai loại vũ khí còn lại là điều dễ hiểu.
Chiến đấu cơ Su-35S nếu có mặt tại Việt Nam sẽ tạo ra lực lượng không quân hỗn hợp rất mạnh khi kết hợp cùng Su-30MK2 và Su-27SK/UBK do chúng cùng thuộc hệ Flanker, chia sẻ với nhau nhiều điểm tương đồng về trang bị cũng như kỹ - chiến thuật sử dụng.
Nhưng để thực hiện tốt hơn nữa việc liên kết trong tác chiến, việc thu hẹp khoảng cách giữa Su-35S với Su-30MK2 là điều cần thiết, nhất là khi tiềm năng hiện đại hóa Su-30MK2 tiệm cận tính năng của Su-35S đã được chứng minh.
Tiêm kích đa năng Su-30M2 của Không quân Nga
Hiện tại Không quân Nga đang vận hành vài chục chiếc Su-30M2 - phiên bản nội địa hóa từ biến thể Su-30MK2 dùng cho xuất khẩu. Ngoài vai trò trực chiến thì nhiệm vụ chính của số Su-30M2 trên là làm máy bay huấn luyện phi công lái Su-35S nhờ kết cấu 2 chỗ ngồi của nó.
Cấu hình cơ bản của Su-30M2 hiện bao gồm radar mảng pha quét thụ động N001 VE-Pero có tính năng cao hơn N001 VEP lắp trên Su-30MK2, đi kèm động cơ AL-31FM1 sở hữu lực đẩy lớn, độ tin cậy cao hơn AL-31F.
Tuy nhiên trước đó Nga đã tích hợp thành công cả radar N035 Irbis cho một chiếc Su-30MK thử nghiệm, phiên bản này nhận tên định danh không chính thức là Su-35UBM, nó chỉ kém Su-35S ở chỗ không có động cơ kiểm soát vector lực đẩy 3 chiều AL-41F1S nhưng không hề lép vế ở khả năng không chiến tầm xa.
Radar mảng pha quét thụ động N035 Irbis được thử nghiệm trên chiếc Su-30MK số hiệu 503
Cấu hình nâng cấp trên có thể dễ dàng triển khai trên Su-30MK2, mang lại sức mạnh mới vượt trội cho chiếc tiêm kích đa năng nhưng thiên về đánh biển này. Tuy nhiên đáng tiếc rằng Nga không cho thấy ý định sẽ nhân rộng mô hình trên vì sợ ảnh hưởng tới doanh số bán Su-35S.
Nhưng nếu trong tương lai, khi Việt Nam mua Su-35S với số lượng vài phi đội thì chúng ta liệu có thể đàm phán với Nga về gói hiện đại hóa này cho những chiếc Su-30MK2 thuộc lô nhận năm 2004 đã sắp đến hạn nâng cấp giữa vòng đời?
Khả năng này theo nhận định cũng tương đối khó xảy ra vì dây chuyền sản xuất Su-35S vẫn còn hoạt động thêm nhiều năm nữa, chưa đến mức phải tận thu bằng cách bán linh kiện hiện đại hóa các thế hệ tiêm kích Flanker cũ hơn.
Ngoài ra nếu muốn nhận cái gật đầu từ phía Nga thì có lẽ Việt Nam phải mua lượng Su-35S nhiều hơn hoặc chí ít cũng ngang bằng với Su-30MK2.
Điều này là bất khả thì vì Su-35S đắt hơn Su-30MK2 nhiều trong khi chiến đấu cơ thế hệ 5 Su-57 đã chuẩn bị đi vào hoạt động, việc trang bị thêm vài phi đoàn Su-35S chỉ có ý nghĩa tạm thời lấp khoảng trống thế hệ mà thôi.
Với những lý do trên, cấu hình tiêm kích Su-30 trang bị radar N035 Irbis gần như chắc chắn là "đặc sản" của riêng Không quân và Hải quân Nga chứ không xuất khẩu cho nước ngoài.
Tiêm kích Su-30M2 số hiệu 30 triển khai tại căn cứ không quân trên bán đảo Crimea