Startup có bằng MBA xịn, 10 năm kinh nghiệm lãnh đạo ở các tập đoàn quốc tế, vẫn bị từ chối đầu tư chỉ vì là... phụ nữ

Vân Đàm |

Lần đầu tiên khi Huong Tran – nhà sáng lập của startup bán lẻ mỹ phẩm làm đẹp Epomi được thành lập năm 2014 thuyết trình gọi vốn trước một nhóm các nhà đầu tư Việt Nam, cô hoàn toàn bị sốc với phản ứng của họ.

"Họ nói với tôi rằng phụ nữ bị ảnh hưởng quá nhiều bởi cảm xúc trong quá trình điều hành doanh nghiệp và họ không thích đầu tư vào công ty chúng tôi. Đây là một trong những công ty đầu tư quốc tế hàng đầu tại Việt Nam và tôi hoàn toàn bị sốc về phản ứng đó".

Huong Tran vốn có tấm bằng MBA từ đại học Duke và có kinh nghiệm 10 năm làm lãnh đạo tại những công ty lớn, mang tầm quốc tế như Samsung và GSK chính vì vậy có thể nói Huong Tran vốn khá dày dạn trên con đường kinh doanh.

Tại thời điểm gọi vốn thất bại kể trên, Epomi đã đạt tốc độ tăng trưởng doanh thu đáng kể và có một cơ sở khách hàng nhất định, những hợp đồng béo bở với các nhà cung cấp và một kế hoạch rõ ràng để giành lấy vị trí dẫn đầu trong thị trường bán lẻ mỹ phẩm đang tăng trưởng tại Việt Nam.

Huong Tran cuối cùng đã tìm được người đầu tư vào startup của cô, nhưng những trải nghiệm khó khăn ban đầu không mấy dễ chịu của cô lại khá phổ biến hiện nay. Kể cả ở những nền kinh tế đang hay đã phát triển, vấn nạn phân biệt giới tính là một thử thách mang tầm toàn cầu. Vì vậy, nạn phân biệt giới tính – một vấn đề đã trở nên đáng lo ngại hơn sau hàng loạt bê bối trong thế giới công nghệ vừa được đưa ra ánh sáng.

So với những quốc gia châu Á khác, Việt Nam đang thực hiện khá tốt về việc thúc đẩy cân bằng giới tính. Ví dụ, phụ nữ hiện nắm 17,6% số ghế trong hội đồng quản trị tại Việt Nam, hơn bất kỳ quốc gia nào khác trong khi vực châu Á Thái Bình Dương ngoại trừ Australia (20,1%) theo một nghiên cứu gần đây của Deloitte.

Được biết, nghiên cứu này thực hiện tại 64 quốc gia trên toàn thế giới và nó cho thấy Việt Nam cũng đang thực hiện việc này tốt hơn so với mức trung bình toàn cầu là 15%, hoặc một số quốc gia láng giềng phát triển như Singapore (9,4%) và Trung Quốc (9,2%).

Phụ nữ cũng đang điều hành một số lượng đáng kể những doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam. Gần 25% doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam hiện thuộc sở hữu của nữ giới theo một báo cáo vào năm 2016 của Tổ chức sáng kiến kinh doanh MBI. Trong khi đó, con số tương tự tại Nam Á chỉ 8%.

Hiện nay cũng có một vài phụ nữ cũng dẫn dắt một trong những công ty đáng ngưỡng mộ nhất tại Việt Nam. Đầu tiên có thể kể đến là bà Nguyễn Thị Phương Thảo – nhà sáng lập và CEO của Vietjet Air – hãng hàng không giá rẻ của quốc gia này. Bà Thảo hiện cũng là nữ tỷ phú đôla duy nhất của Đông Nam Á.

Ngoài bà Thảo, có thể kể đến nhiều cái tên khác – những nhà lãnh đạo nữ tới từ các lĩnh vực như bán lẻ, nông nghiệp cũng như khởi nghiệp.

Trong một vài lĩnh vực, phụ nữ nắm vai trò lãnh đạo chủ chốt, giữ nhiều vị trí. Giữa năm 2014 và 2016, khi một phóng viên của tờ Techcrunch làm việc với công ty dữ liệu chăm sóc sức khỏe có trụ sở tại Singapore để ra mắt một dịch vụ mới tại Việt Nam. Trong suốt quá trình thực hiện dự án, người phóng viên này đã thực hiện những cuộc gọi chào hàng tới gần như hầu hết các công ty dược phẩm tại quốc gia này. Dù đa phần các công ty này vẫn đang được lãnh đạo bởi các vị sếp người nước ngoài nhưng hầu hết danh sách người liên lạc tới các đơn vị này đều là nữ giới.

Dẫu vậy, không phải ngành công nghiệp nào cũng như nhau. Năm 2015, trong quá trình thực hiện loạt bài viết về lĩnh vực IT mới được hình thành tại Việt Nam, qua hàng tá bài phỏng vấn và tiếp xúc với những công ty dịch vụ IT ở trong nước, nhưng phóng viên tờ TechCrunch hầu như không tiếp xúc được với bất kỳ người phụ nữ nào.

Tại hầu hết các quốc gia, phụ nữ vẫn chưa hiện diện nhiều trong ngành công nghiệp công nghệ mặc dù một vài tổ chức giáo dục đang lưu tâm tới điều này cũng như tìm cách cải thiện tình hình.

"Việt Nam có một vài lãnh đạo nữ tiềm năng nhưng điều đó không có nghĩa là vấn đề cân bằng giới tính đã được thực hiện tốt trên khắp quốc gia này", theo Shuyin Tang - Giám đốc quỹ đầu tư Patamar chi nhánh Việt Nam nói. Để giúp thu hẹp khoảng cách này, Patamar Capital mới đây đã cho ra đời khoản đầu tư đặt biệt dành cho những doanh nghiệp thuộc sở hữu của nữ giới tại Đông Nam Á.

Những tổ chức khác cũng đang làm việc tích cực để ủng hộ các doanh nhân nữ Việt Nam. Ví dụ, MBI gần đây đã cho ra mắt Women’s Initiative for Startup and Entrepreneurship – một chương trình cung cấp nhiều dịch vụ và đào tạo để ủng hộ các doanh nghiệp sở hữu bởi nữ giới tại Việt Nam – với mong muốn mở rộng ra khu vực Mekong. Một tổ chức khác là Womne of Vietnam – một cộng đồng cá nhân được thành lập bởi một doanh nhân người Australia Việt Nam vào năm 2015.

"Nhắc đến vấn đề giới tính tại nơi làm việc chẳng khác nào lội xuống bùn sâu", Sheryl Sandberg viết trong "Lean In" - cuốn sách bán chạy nhất về giới tính và công việc trong thời hiện đại. "Bản thân chủ đề đưa ra một nghịch lí: Buộc chúng ta thừa nhận sự khác biệt trong khi cố gắng đạt được mục tiêu là được đối xử như nhau", bà nhận định.

Hiện trên khắp thế giới, phong trào khuyến khích bình đẳng giới và ngăn chặn nạn phân biệt đối xử với phụ nữ trong kinh doanh đang lan rộng. Trong bối cảnh phong trào này bắt đầu nóng lên ở Việt Nam, rất có thể sắp tới đây sẽ có thêm nhiều nữ tướng đóng vai trò quan trọng trong việc đưa nền kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại