Squid Game "phơi bày" cuộc khủng hoảng nợ của Hàn Quốc

Thanh Bình |

Theo Guardian, bộ phim điện ảnh Hàn Quốc Squid Game (Trò chơi con mực) đang đạt kỷ lục về lượt xem trên nền tảng phát trực tuyến Netflix.

Bộ phim “kinh dị đen tối” đã lôi kéo hàng triệu khán giả trên khắp thế giới đến với màn ảnh. Trong đó, những người chơi có khoản nợ khổng lồ cạnh tranh với nhau trong một cuộc chạy đua đẫm máu để tồn tại và có được giải thưởng trị giá 45,6 tỉ won (khoảng 38,7 triệu USD).

Đồng thời, theo Guardian các diễn biến trong phim được mô tả trong đó phần lớn phản ánh thực tế mà người dân Hàn Quốc hiện đang sống.

Squid Game phơi bày cuộc khủng hoảng nợ của Hàn Quốc - Ảnh 1.

Đằng sau cơn sốt toàn cầu của Squid Game là một bức tranh kinh tế - xã hội đầy bất ổn. (Ảnh: Reuters)

Những người sáng tạo ra Squid Game đã cho thấy, mức độ đào thải bất ngờ, một khoản đầu tư tồi tệ hoặc chỉ ra một loạt các hành động sai lầm có thể khiến mọi người ôm khoản nợ với lãi suất cao.

Theo Guardian, gánh nặng nợ của người dân ở Hàn Quốc đã tăng lên đáng kể trong những năm gần đây và hiện tương đương với 100% GDP. Chỉ số này không được tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác ở châu Á.

Trong bối cảnh đó, sự khác biệt về thu nhập của dân số cũng ngày càng gia tăng. Tình hình càng trở nên trầm trọng hơn do tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên và giá bất động sản tăng cao, những thứ đã trở nên khó tiếp cận đối với hầu hết những người lao động bình thường. Do đó, số người có vấn đề về nợ đang tăng lên theo cấp số nhân.

Một trong số họ là anh Choi, một cựu kỹ sư phần mềm, người đã lâm vào cảnh nợ nần chồng chất nhanh chóng như các nhân vật trong Squid Game. Anh thường xuyên phải làm việc ngoài giờ, sức khỏe suy giảm, sau đó vợ chồng anh quyết định dành dụm tiền mở quán bar ở quê.

Squid Game phơi bày cuộc khủng hoảng nợ của Hàn Quốc - Ảnh 2.

Squid Game là tựa phim trò chơi sống còn của Hàn Quốc trên Netflix. (Ảnh: Netflix)

Công việc kinh doanh của họ có một khởi đầu đầy hứa hẹn, nhưng nhanh chóng trở thành nạn nhân của đại dịch Covid-19. Do những hạn chế được chính quyền áp dụng, số lượng khách hàng đã giảm đi đáng kể. Họ không có đủ tiền để trả tiền thuê nhà, đó là lý do tại sao họ bắt đầu vay vốn tại các ngân hàng thương mại, rồi phải lấy căn nhà đang ở làm tài sản thế chấp và sau đó bắt đầu lấy chính số tiền vừa thế chấp để trả các khoản vay trước đó.

“Đến lúc này, tôi không còn lo lắng về việc lãi suất sẽ cao như thế nào nữa”, Choi nói.

“Tôi đã nhận được một số lượng lớn các cuộc gọi và tin nhắn với yêu cầu trả nợ. Vợ tôi nói rằng cô ấy đã nghe tôi lẩm bẩm về lãi suất trong giấc ngủ”, Choi nói thêm.

Trong một nỗ lực cuối cùng để thoát khỏi cảnh nợ nần, vợ của anh đã đi làm việc trong một nhà hàng ở vùng khác và họ giao con cho ông bà nội nuôi dưỡng. Anh Choi nói rằng, anh ấy đã nghe nói nhiều về Squid Game, nhưng chưa bao giờ có thể xem nó.

“Bạn phải trả tiền để xem nó và tôi không biết bất kỳ ai cho phép tôi sử dụng chung tài khoản trên Netflix. Dù sao đi nữa, tại sao tôi lại nhìn vào một đám đông với những món nợ khổng lồ như trong Squid Game? Tôi chỉ có thể nhìn vào gương với bản thân mình trong đó”, Choi chia sẻ.

Squid Game là tác phẩm xoay quanh nhân vật Seong Gi-hun (Lee Jung-jae thể hiện) - một kẻ nghiện cờ bạc được mời chơi trò chơi cùng với 455 người thiếu tiền khác với giải thưởng hấp dẫn là 45,6 tỉ won. Đối với mỗi vòng của một trò chơi trẻ em khác nhau, những người tham gia sẽ phải chiến đấu đến chết để lọt vào vòng tiếp theo và người tồn tại đến cuối cùng là người chiến thắng. Đây được xem là phim sinh tồn hiếm hoi trên màn ảnh ở thời điểm hiện tại.

Ngay sau khi ra mắt, Squid Game đã ngay lập tức thu hút sự chú ý của khán giả trên toàn thế giới. Thậm chí, bộ phim này còn đứng trong top 1 bảng xếp hạng thịnh hành toàn cầu trên Netflix. Tại thị trường Mỹ, Squid Game vẫn tiếp tục giữ ngôi vị đầu bảng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại