Chuyện về một sạp hàng đắt khách dù không có biển hiệu
Trong tiểu khu nọ có một sạp bán đồ ăn nhỏ rất đặc biệt. Sạp hàng này không hề có bảng hiệu, cũng không hề lớn, không được bài trí công phu, ngay tới mặt tiền để xe cũng chẳng có, chỉ có một mình ông chủ bán hàng.
Sạp hàng ấy được dựng tạm bợ trên một chiếc xe đẩy, có mái che. Người nói dễ nghe thì sẽ đánh giá rằng chỗ này quá đỗi đơn sơ, khắt khe một chút thì sẽ cho là nơi đây sơ sài vô cùng.
Thế nhưng sạp hàng nhỏ ấy ngày nào cũng vô cùng đông khách, đông tới nỗi chỉ đến 6 rưỡi chiều mỗi ngày, người nào muốn mua đồ ăn ở đây còn khó hơn lên trời.
Kỳ thực, so với những quán ăn có biển hiệu trong tiểu khu ấy, đồ ăn ở nơi này vốn ít hơn nhiều, thậm chí có mấy món còn không ngon bằng đồ ở nơi khác.
Thế nhưng dù vậy, mọi người trong tiểu khu dường như chỉ thích mua hàng ở sạp nhỏ đơn sơ kia. Lý do là bởi, ông chủ của sạp đồ ăn này rất biết cách "làm người".
Mỗi khi có khách tới, ông chủ đều sẽ mỉm cười và hỏi thăm sức khỏe của họ. Dù lúc vãn khách hay khi đông đúc, ông chẳng bao giờ quên dành lời hỏi thăm cho bất cứ người nào ghé tới sạp hàng của mình.
Cũng bởi sạp nhỏ làm ăn rất khá, khách đến mua thường xuyên phải xếp hàng. Nhưng mỗi khi đến lượt một người nào, ông chủ luôn mang vẻ mặt đầy áy náy nói với họ: "Thật xin lỗi, đã để cô/chú phải đợi lâu rồi".
Suốt từng ấy năm bán hàng, ông chủ chưa bao giờ tính toán chi li với khách đến từng đồng tiền lẻ. Chẳng biết mỗi ngày sạp hàng ấy lãi được bao nhiêu, nhưng mỗi khi thấy có người đưa tiền lẻ, ông thường sẽ làm tròn và giảm giá cho khách. Gặp phải người cương quyết đưa đủ tiền, ông liền chủ động "bù" cho họ thêm vào món ăn.
Khi khách chuẩn bị rời đi, ông đều dành cho họ một lời cảm ơn chân thành. Nếu gặp phải người quên mang ví hay không mang đủ tiền, ông chủ cũng sẽ cười xòa và để họ thanh toán vào lần sau.
Cứ như vậy, sạp hàng nhỏ chẳng có biển hiệu của ông trở thành nơi đông khách nhất tiểu khu cho tới tận bây giờ…
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Bài học rút ra:
Có một sự thật luôn hiện hữu trong cuộc sống, ai trong số chúng ta cũng có thể hiểu được nhưng lại không mấy khi thực hiện: Người có thái độ tốt luôn dành được nhiều cảm tình hơn so với người chỉ cậy, khoe tài năng.
Chân lý ấy cũng giống như một câu nói của Jim Rohn: "Với thái độ đúng, con người có thể di chuyển cả núi. Với thái độ sai, con người có thể bị nghiền nát bởi hạt cát nhỏ nhất".
Đối với mối quan hệ giữa người với người, thứ quyết định kết quả không gì khác ngoài thái độ. Đó cũng là lý do vì sao thái độ được coi là yếu tố quan trọng hàng đầu tạo nên sự khác biệt.
Ngụ ngôn về chuyện cho và nhận
Có một câu chuyện ngụ ngôn với nội dung như sau: Dưới chân A có tờ 100 ngàn, người này chẳng hề hay biết, thế nhưng người B đi ngang qua lại phát hiện. Vì rất muốn có được tờ tiền kia, B liền nghĩ ra đủ mọi cách khiến A nhấc chân rời đi.
Cuối cùng, B nghĩ ra một biện pháp rất thông minh: Anh ta rút trong túi ra một tờ tiền mệnh giá 50 ngàn, giả vờ vô tình đánh rơi trước mặt A. Quả nhiên, A vừa nhìn thấy tờ 50 ngàn rơi trước mặt liền vội bước đến đó nhặt, còn B nhân cơ hội ấy đã nhanh chóng lấy được tờ 100 ngàn.
Ảnh minh họa.
Bài học rút ra:
Câu chuyện ngụ ngôn trên nói cho chúng ta một đạo lý đơn giản: Nếu như bạn muốn có được thành quả thì nên quen với việc đem đến cho người khác thu hoạch, như vậy sẽ lợi cả đôi bên.
Tạo lập nhiều mối quan hệ xã hội sẽ đem tới cho cuộc sống của chúng ta rất nhiều lợi ích tương quan. Một khi đã cùng có chung một mục đích, đôi bên sẽ càng thêm tích cực hợp tác, thúc đẩy nhau cùng phát triển.
Điều quan trọng hơn cả còn nằm ở chỗ, khi bạn đã nắm được tinh thần hợp tác để cùng nhau có lợi, bạn sẽ chẳng còn vất vả trong việc tạo lập các mối quan hệ xã hội của mình.