Chắc hẳn có rất nhiều người có niềm tin rất lớn đối với sức mạnh của sự đồng cảm - khả năng đặt mình vào vị thế, hoàn cảnh của người khác, để xem và cảm nhận từ quan điểm của họ.
Đây là một phẩm chất quan trọng của trí thông minh cảm xúc, cũng là một trong những "nhiên liệu" giúp kết nối bạn với những người khác.
Tuy nhiên, trong khi đồng cảm có thể cải thiện đáng kể chất lượng các mối quan hệ của bạn, nó cũng như một con dao hai lưỡi đưa bạn vào nguy hiểm khi mọi thứ đi quá xa, vượt ngoài tầm kiểm soát của bạn nếu bạn có quá nhiều sự đồng cảm.
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh đồng cảm có thể đạt đến một mức độ cực đoan, thậm chí đến mức làm hại bạn và những người khác.
Trong các tài liệu khoa học, điều này thường được gọi là "ranh giới thấu cảm" hay "siêu đồng cảm", và nó liên quan đến một hội chứng gọi là rối loạn nhân cách ranh giới (BPD).
Một bài báo năm 2014 đã tóm tắt từ nhiều cuộc nghiên cứu:
"Một số cá nhân mắc phải hội chứng BPD có vẻ cực kỳ nhạy cảm với hoàn cảnh và trạng thái tinh thần, tiềm thức của người khác, dù cho họ không có khả năng kết hợp các thông tin của người khác một cách mạch lạc vào các khái niệm quen thuộc của bản thân".
Nói cách khác, những cá thể này được chứng minh có một mức độ đồng cảm bất thường; tuy nhiên, họ thường thiếu khả năng điều chỉnh sự đồng cảm ấy và cuối cùng dẫn đến những thói quen và mối quan hệ không lành mạnh, làm tổn thương chính bản thân họ và những người khác.
Nhiều người đã trở thành nạn nhân của "cái bẫy đồng cảm" - khi khả năng chia sẻ cảm xúc với người khác quá nhiều dẫn đến bản thân kiệt sức về cả thể chất lẫn tâm lý.
Ví dụ, nghiên cứu cho thấy rằng những người y tá làm việc với những bệnh nhân mắc bệnh nan y có nguy cơ cao bị mệt mỏi bởi lòng trắc ẩn, bị suy giảm về thể chất và tinh thần khi họ thường chú ý đến nhu cầu của bệnh nhân hơn là nhu cầu của chính họ, điều này cuối cùng sẽ đưa họ vào một con đường kiệt sức.
Nếu bạn không cẩn thận, tiếp xúc thường xuyên với các vấn đề của người khác có thể khiến bạn luôn dễ bị căng thẳng cao hơn, cạn kiệt về cảm xúc và một loạt các vấn đề sức khỏe khác.
Hãy là một người có trí thông minh cảm xúc: đồng cảm vừa đủ, biết giới hạn của mình ở đâu và không quá bi quan!
Rõ ràng, đồng cảm rất có ích khi chúng ta xây dựng các mối quan hệ với người khác, nhưng nó cũng sẽ phản tác dụng trong những trường hợp nhất định.
Vậy làm thế nào để bạn điều chỉnh cảm xúc của mình một cách hợp lý?
Trong cuốn sách mới của nhà văn Justin Bariso, EQ Applied, tác giả đã phác thảo cách phát triển sự đồng cảm của trí thông minh cảm xúc - khả năng khiến lòng đồng cảm làm việc cho bạn, mang lại cho bạn lợi ích thay vì chống lại bạn, làm hại bạn.
Điều quan trọng là bạn phải tìm được điểm cân bằng hợp lý, không quá đồng cảm nhưng cũng đừng vô cảm.
Dưới đây là một số mẹo trong những trường hợp thực tế có thể giúp bạn điều chỉnh cảm xúc để nuôi dưỡng lòng đồng cảm của bản thân:
1. Tại nơi làm việc
Nếu công việc của bạn yêu cầu bạn phải ở trong trạng thái "sẵn sàng làm việc" trong một thời gian dài, thì bạn sẽ dễ dàng gặp phải tình trạng "cạn kiệt" cảm xúc.
Để tránh kết quả đó, bạn có thể quyết định có những khoảng nghỉ ngơi ngắn nhưng thường xuyên hơn để cho phép bản thân nạp thêm năng lượng và nuôi dưỡng cảm xúc.
Bạn cũng có thể làm việc cùng với đồng nghiệp hoặc thậm chí ông chủ của bạn để phân bổ lại các công việc, nhiệm vụ để giúp tất cả mọi người cùng có một ngày làm việc cân bằng và hiệu quả hơn.
2. Khi ở nhà
Giả sử người chồng (vợ) của bạn trở về nhà sau một ngày làm việc tồi tệ.
Bạn cũng đã có một ngày khủng khiếp như vậy và bạn cảm thấy không còn tâm trạng nào để có thể thoải mái hay đồng cảm với người ấy; trong thực tế, chính bạn cũng là người đang khao khát sự đồng cảm đó cho mình.
Trong tình huống này, bạn có thể nói điều gì đó như: "Em rất buồn khi biết anh có một ngày khó khăn, hôm nay công việc của em cũng rất tệ.
Chúng ta có thể dành chút thời gian để thư giãn (hoặc tập thể dục, thưởng thức bữa ăn cùng nhau) không?
Có lẽ sau này chúng ta sẽ đi dạo với nhau, nhớ lại và nói về tất cả những kỷ niệm này".
Sự hưởng ứng này cần cho bạn và cũng đồng thời giải quyết nhu cầu của đối phương, cả hai cần được giải tỏa cảm xúc tiêu cực của cả một ngày dài.
Và trong khi chỉ mất vài giây để nói, bản thân bạn và một nửa của bạn đều thoải mái hơn thì tại sao phải ngần ngại không nói? Hãy luôn biết lắng nghe, thấu hiểu và chia sẻ cảm xúc lẫn nhau.
3. Khi vui chơi, thư giãn
Hãy bắt đầu theo dõi xem rằng bạn dành bao nhiêu thời gian cho các phương tiện truyền thông xã hội.
Sau đó, tự đánh giá trung thực về cảm giác của bạn khi bạn hoàn thành. Bạn có thấy rằng các phương tiện truyền thông xã hội "bòn rút" cảm xúc của bạn?
Nếu có, hãy giảm thiểu thời gian bạn dành cho thiết bị của mình. Đặt báo thức kết thúc, lên kế hoạch cho điều gì đó tiếp diễn sau khi bạn cảm thấy mình đã sử dụng đủ.
Hãy nhớ rằng đồng cảm có thể giúp bạn xây dựng mối quan hệ mạnh mẽ hơn với những người khác - nhưng chỉ khi bạn không tự đắm mình trong quá trình này.
Nếu bạn đã từng đi máy bay, chắc hẳn bạn phải biết một quy tắc: bảo vệ mặt nạ oxy của riêng bạn trước khi cố gắng giúp đỡ người khác.
Nếu không bảo vệ được chính mình, vậy bạn còn có thể giúp được cho ai?
Tương tự, nếu bạn hiểu cảm xúc và nhu cầu của chính mình trước, và hành động để đáp ứng những nhu cầu đó, bạn sẽ ở một nền tảng tốt hơn để giúp đỡ người khác.
Hãy biết đồng cảm với những người gặp khó khăn, tuy nhiên, đừng quá nhạy cảm với trạng thái cảm xúc và thể chất của người khác vì có thể bạn sẽ đánh mất chính mình, cái gì quá cũng không bao giờ tốt!