Chỉ có thể tìm hiểu các hoạt động nội bộ phức tạp của quá trình hội nhập Á - Âu qua việc theo dõi những gì diễn ra hàng năm tại Diễn đàn kinh tế phương Đông ở Vladivostok.
Trong khối BRICS, sự phát triển của Brazil còn nhiều điều bất ổn, nhưng RIC, Nga - Ấn Độ - Trung Quốc - vẫn phát triển tốt và mạnh mẽ.
Điều đó đã được chứng minh rõ ràng hơn sau hội nghị thượng đỉnh song phương Putin-Modi ở Vladivostok. Có rất nhiều điều được đưa lên bàn thảo luận, từ hàng không đến năng lượng, bao gồm khả năng thành lập công ty liên doanh ở Ấn Độ, nơi sẽ thiết kế và chế tạo máy bay chở khách, về công nghệ phòng thủ và hợp tác quân sự - cơ sở cho một mối quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt, một thỏa thuận dài hạn về nhập khẩu dầu thô của Nga - có thể sẽ sử dụng tuyến đường biển phía Bắc và hệ thống đường ống ở đây.
Tất cả những điều đó dường như phản ánh một sự hồi sinh phương châm thời Liên Xô là Rusi-Hindi bhai bhai (người Nga và người Ấn Độ là anh em). Và những diễn biến này cũng có thể là một cú hích mới cho Con đường tơ lụa trên biển Nga-Ấn Độ - sự hồi sinh của hành lang hàng hải Chennai-Vladivostok.
Từ Bắc Cực đến Ấn Độ Dương
Chennai-Vladivostok có thể dễ dàng kết nối với Con đường tơ lụa trên biển do Trung Quốc dẫn đầu từ Biển Đông đến Ấn Độ Dương và xa hơn nữa, một phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường BRI. Đồng thời, tuyến đường trên có thể tạo thêm sức nặng cho chiến lược xoay trục châu Á của Nga.
Chiến lược xoay trục này chắc chắn đã được thảo luận chi tiết tại Vladivostok. Làm thế nào nó có thể tạo được tầm ảnh hưởng trên khắp châu Á? Người châu Á muốn mua gì từ Nga? Làm thế nào để kết nối vùng Viễn Đông Nga vào nền kinh tế châu Á?
Là các hành lang năng lượng và thương mại, cả Chennai-Vladivostok và BRI trên thực tế đều là về sự hội nhập Á-Âu. Ấn Độ trong trường hợp cụ thể này sẽ thu lợi từ các nguồn tài nguyên của Nga đi từ Bắc Cực và Viễn Đông của Nga, trong khi Nga sẽ thu lợi từ nhiều công ty năng lượng Ấn Độ đầu tư vào Viễn Đông Nga.
Mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Nga và Trung Quốc cũng được thảo luận nhiều ở Vladivostok. Một yếu tố quan trọng là cũng như Trung Quốc, cả Nga và Ấn Độ đều muốn duy trì mối quan hệ thương mại và kinh tế của họ với Iran - một nút thắt quan trọng của dự án hội nhập Á-Âu phức tạp đang diễn ra.
Nga và Ấn Độ đã nhấn mạnh: "Các bên thừa nhận tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Kế hoạch hành động toàn diện chung đối với chương trình hạt nhân Iran để đảm bảo hòa bình, an ninh và ổn định khu vực và quốc tế. Họ xác nhận cam kết đầy đủ với Nghị quyết 2231 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc".
Trên hết, Nga và Ấn Độ đã tái khẳng định một cam kết thiết yếu kể từ khi BRICS được thành lập hơn một thập kỷ trước. Họ sẽ tiếp tục thúc đẩy một hệ thống giao dịch với nhau bằng các loại tiền tệ quốc gia, bỏ qua đồng đô la Mỹ.
Thu hút vốn từ Trung Quốc
Về mặt hội nhập Á-Âu, những gì diễn ra ở vùng Viễn Đông của Nga hoàn toàn phù hợp với một báo cáo đặc biệt về chiến lược lớn của Trung Quốc trên khắp vùng trung tâm Á-Âu được trình bày tại Moscow vào đầu tuần này.
Còn đối với chiến lược xoay trục châu Á của Nga, thì một điều cốt yếu trong đó là sự hội nhập ra bên ngoài của vùng Viễn Đông Nga, điều bị ràng buộc bởi vấn đề phức tạp. Một báo cáo của câu lạc bộ Valdai – một nhóm tham vấn hàng đầu ở Nga đã đề ra những cạm bẫy của quá trình này. Dưới đây là những điểm nổi bật:
- Hiện tượng suy giảm dân số: Nhiều người trẻ có học thức và tham vọng sẽ di chuyển tới Moscow, St. Petersburg hoặc Thượng Hải với hy vọng tìm kiếm cơ hội thăng tiến nghề nghiệp và thỏa mãn những mục tiêu cá nhân. Phần lớn trong số họ không quay trở lại.
- Ai được hưởng lợi? "Các dự án lớn, chẳng hạn như đường ống dẫn dầu Đông Siberia-Thái Bình Dương, đường ống khí đốt Power of Siberia hoặc Vostochny Cosmodrom tạo ra sự gia tăng tổng sản phẩm khu vực nhưng không tác động nhiều đến mức sống của phần lớn người địa phương vùng Viễn Đông".
- Có nguồn đầu tư mới? Các dự án dầu và khí đốt tại Sakhalin chiếm tỷ trọng lớn trong vốn FDI. Và đây cũng không phải là những khoản đầu tư mới - chúng được thực hiện vào cuối những năm 1990 - 2000, trước khi công bố chiến lược "chuyển sang phương Đông".
- Vai trò của vốn từ Trung Quốc: Chưa có gì nhiều cho Viễn Đông, một phần vì các công ty Trung Quốc muốn khai thác tài nguyên thiên nhiên ở đây theo các điều khoản tự do tương tự như ở các nước thuộc thế giới thứ ba, những nơi họ được mang lực lượng lao động tới và không quá quan tâm đến các quy định về môi trường.
- Vấn đề nguyên liệu thô: Tài nguyên ở Viễn Đông Nga không độc nhất, ngoại trừ kim cương Yakutian. Những tài nguyên này có thể được nhập khẩu từ nhiều quốc gia khác: than từ Úc, quặng sắt từ Brazil, đồng từ Chile và gỗ từ New Zealand.
- Các lệnh trừng phạt: Nhiều nhà đầu tư tiềm năng sợ hãi trước lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Nga.
Dù vùng Viễn Đông Nga chưa xây dựng một mô hình hợp tác hiệu quả với Trung Quốc, điều đó chắc chắn sẽ thay đổi trong trung hạn và theo đó, Vladivostok cuối cùng có thể trở thành một trung tâm phát triển lớn cho Nga và Ấn Độ.