Những cuộc tranh hùng
Ít người biết rằng, nguồn gốc của những điệu khèn, điệu nhảy của người Mông ở rẻo cao Bắc Hà lại bắt nguồn từ một môn võ học từ rất lâu đời, mà không ai còn nhớ rõ nó xuất xứ.
Người được cho là cao thủ, am hiểu đầy đủ nhất về dòng võ này là ông Giàng Sao Diu, trú tại thôn Cốc Ly 1, xã Cốc Ly, huyện Bắc Hà (tỉnh Lào Cai).
Chân dung võ sư Giang Sao Diu
Ông Diu vốn có gốc gác ở huyện Xín Mần (tỉnh Hà Giang). Mới 12 tuổi, đã được một người tên Giàng Sao Sinh, người Mông bên Trung Quốc dạy võ.
Trong số đệ tử của ông Giàng Sao Sinh, Diu được phong là sư huynh “nhí”. Cách thi triển võ công của cậu bé tuổi 12 khiến ngay cả thầy dạy cũng phải ngạc nhiên.
Nhờ bén duyên với nghiệp võ, Diu được nhiều cô gái thầm thương, trộm nhớ. Đặc biệt, Diu được thiếu nữ xinh đẹp nhất bản là Thò Thị Máy để ý.
Máy hơn Diu 5 tuổi, nhưng khi được hai bên gia đình tác hợp, Diu vẫn đồng ý để Máy “bắt” chồng.
Những năm chiến tranh biên giới, cả nhà Diu chạy giặc về định cư ở vùng đất Bắc Hà. Cuộc sống mới tại đây khốn khó, bữa đói bữa no nên vợ Diu chán nản bỏ về nhà ngoại.
Một tháng sau, Diu về quê tìm vợ nhưng thất vọng vì biết người từng “má ấp môi kề” với mình đã bỏ sang Trung Quốc làm thuê.
Diu hỏi han, có người nói Máy đang bán hàng cho một tiệm bánh bên đó, cũng có người bảo Máy đã lấy một người đàn ông khác ở bên kia biên giới.
Hơn một tháng quăng quật vùng biên tìm vợ trong vô vọng, Diu lủi thủi như con cuốc lạc bầy.
Ông Diu nhớ lại, từ ngày trở lại Bắc Hà, không ngày nào ông ngừng luyện võ.
Thời điểm vợ bỏ đi, Diu rơi vào khủng hoảng, chán chường. Diu lang thang đi tìm một cô gái để thay thế vị trí người vợ. Từ đây, cuộc đời Diu rẽ sang một hướng khác đầy cay đắng.
Chẳng là trong một lần đi "tán gái" ở bản bên, Diu bị một đám thanh niên hơn chục người vây đánh. Với võ nghệ tài giỏi, một mình Diu đánh gục nhóm thanh niên đó.
Mỗi khi ngồi kể chiến tích với bạn bè, Diu càng được tung hô là cao thủ đệ nhất.
Bữa đó, ở Cốc Ly cũng có một cao thủ một mình giải vây được cả chục thanh niên, Diu nghe nói vậy liền đến tận nhà để thách đấu. Đối thủ lần đó của Diu là Lý Seo Đẳng, một võ sư thiên về quyền cước hơn Diu 10 tuổi.
Đẳng có sư phụ là một người Dao ở huyện Si Ma Cai (Lào Cai).
Địa điểm mà hai người thách đấu có tên là Cổng Đá, một khu vực bằng phẳng, đồng thời có địa thế cao nhất ở xã Cốc Ly.
Trận đấu diễn ra công khai trước hàng trăm người hiếu kỳ. Diu đã đấu liền hai hiệp với Đẳng này nhưng vẫn bất phân thắng bại. Đến phút chót, Diu mới thắng đối thủ bằng tuyệt kỹ song đao.
Ngạo mạn, vỗ ngực cho mình là nhân vật huyền thoại, Diu đi dọc miền đất võ Tây Bắc, nơi từng là cái nôi đào tạo võ sĩ bảo vệ “vua Mèo” Đèo Văn Long.
Quá trình tìm hiểu, Diu phát hiện Lý Phổng là một nhân vật xuất chúng, người mà ngay cả giới anh chị thời bấy giờ cũng phải khiếp sợ.
Lý Phổng để tóc dài, khuôn mặt dữ dằn. Diu kể, cái ông thích nhất ở Phổng là nghĩa khí và sự nhiệt thành. Bởi khi Diu đề nghị được thách đấu, Phổng đã đồng ý ngay và còn cam kết nếu thua phải chấp nhận, kết giao bằng hữu.
Qua tìm hiểu, Diu mới biết đối thủ của mình chính là đệ tử chân truyền, cũng là con trai ruột của cao thủ khèn quyền Lý Seo Hồ. Người từng một thời khét tiếng giỏi võ, đào tạo hàng chục võ sư thành danh ở miền Tây Bắc.
Cao thủ khèn quyền huyền thoại Lý Seo Hồ
Diu bảo, quả là khi đấu võ với Phổng, ông mới hay sự lợi hại của quyền cước nức tiếng một vùng. Xét về quyền cước, Diu thua Phổng một cách thảm hại, nhưng khi dùng bất kỳ loại binh khí nào đi nữa Diu đều thắng.
Kết quả chung cuộc, Diu lại thắng đậm, lại hơn tuổi nên Diu được làm sư huynh Phổng.
Thời bấy giờ, giới võ thuật truyền tai một câu, ở Bắc Hà có Giàng Sao Diu thì ở Si Ma Cai (Lào Cai) có Lý Sao Só.
Só là một võ sư người Mông, sư phụ Só cũng là người từng làm khuynh đảo giới giang hồ vùng biên, đánh bại hàng chục cao thủ Tây Bắc. Diu nghĩ, chỉ cần đánh bại Só là ông có thể có đạt danh hiệu “võ lâm chí tôn”.
Trận đấu giữa hai cao thủ võ lâm vùng cao nguyên trắng thời đó không chỉ nhận được sự quan tâm đặc biệt của làng võ, mà cả dư luận phía Bắc.
Nhiều người dân nhớ lại, trước khi trận đấu diễn ra, dưới khán đài người ken đông đến nghẹt thở. Trong số đó có cả những cao thủ võ lâm từ Trung Quốc qua xem.
Trong nhà ông Diu luôn có sẵn rượu thuốc để dùng mỗi khi chấn thương
Ông Diu cho biết, mặc dù đã thu nhận được rất nhiều đệ tử, nhưng đến nay vẫn chưa có người nào đủ đức, đủ tài để ông dạy hết các tuyệt kỹ của mình. Bởi ông chính là tấm gương phản chiếu về một thời nông nổi, hiếu thắng.
Ông Diu cho biết, trận đấu đó thực sự là trận đấu lịch sử đúng nghĩa. Bởi cả hai gần như ngang sức ngang tài, cộng thêm những thế võ giống nhau, chỉ có mỗi cách thi triển là khác.
Đấu quyền, khèn, côn, rồi dao... đủ các loại binh khí mà người Mông hay dùng trong chiến đấu. Nhưng mất gần một ngày mà không phân thắng bại.
Cả hai đều tỏ vẻ mệt mỏi. Cuối cùng, khi đối thủ chủ quan, trong nháy mắt, Diu ra đòn quyết định hạ gục đối thủ
Nhận thấy bản thân đã “đốt” hết tuổi xuân vào những trò đấm đá, có được danh hiệu võ lâm đệ nhất Tây Bắc nhưng trong tay chẳng có gì. Cuối cùng Diu hạ quyết tâm rút chân khỏi làng võ, nhưng chuyện đó không đơn giản.
Bà Ly Thị Dính (vợ ông Diu) cho hay, tuy hai người đã về sống ẩn bên bờ hồ Cốc Ly nhưng vẫn phải chứng kiến chồng mình bị người ta đánh, hoặc bị thách đấu bằng mọi thủ đoạn.
Như lần bà làm cỏ ngô trên nương, có một võ sĩ tên Lý Seo Trắng, ở tận Pha Long (huyện Mường khương) về thách đấu, bà đã cố ngăn ông ta lại nhưng không được. Kết cục kẻ sứt đầu, người mẻ trán.
Rồi một người tên Vàng Chư ở xã Phong Hải (huyện Bảo Thắng) cũng tìm về thách đấu. Mặc dù, ông Diu đã từ chối nhưng Chư vẫn lao vào đá đấm túi bụi.
Ngôi nhà võ sư Diu đang ở ẩn cùng người vợ
Tất cả những người tìm đến Diu chẳng một ai thắng ông, nhưng cho dù có ở ẩn như thế nào, ông Diu vẫn khó lòng thoát khỏi cái bóng “đệ nhất cao thủ Tây Bắc” ngày nào.
"Nói đến võ thuật, môn phái nào cũng vậy, học võ là để rèn luyện sức khỏe, ý chí, hướng tới điều thiện. Võ thuật phải luôn đi đôi với võ đạo. Ấy vậy, có thời điểm, tôi đã suýt sa vào vũng bùn tội lỗi vì không giữ được chữ đạo", ông Diu chia sẻ.